BOUaqua.com

Dọn rác bể thủy sinh

Có bao giờ các bạn thử quét nhà mà thấy càng quét càng ra nhiều rác chưa? Bể thủy sinh cũng thế đấy, rất cần những đợt dọn dẹp vệ sinh định kỳ để luôn giữ được vẻ sạch đẹp từ trong ra ngoài.

Hãy thử liên tưởng đến việc dọn nhà một chút nhé. Hàng ngày bạn chỉ quét dọn những vị trí trống trải trên sàn, nhưng thử lùa chổi vào gầm ghế, gầm bàn, gầm tủ mà xem, cơ man nào là rác không biết đã nằm đó từ bao giờ. Hóa ra nó chỉ khuất mắt mình mà thôi và cái sự “sạch sẽ” của căn phòng chỉ là bề nổi.

“Rác” trong bể thủy sinh, nhận diện và phân loại

Với BOUaqua thứ gì sinh ra trong bể thủy sinh mà không có lợi cho sự phát triển chung, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước thì sẽ được coi là “rác” và cần được loại bỏ. Việc này diễn ra thường xuyên hay không sẽ tùy thuộc vào khả năng chăm sóc bể của mỗi người.

Đúng như bản chất, những loại rác thải này tích tụ ngày một nhiều qua thời gian sẽ tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của bể thủy sinh. Chúng sẽ trở thành nguồn phát tán những chất độc, trở thành nguyên nhân xuất hiện của một số loài rêu hại (đặc biệt là rêu chùm đen), trở thành điểm trừ cho thẩm mỹ của bể.

Đó sẽ là lời đáp cho những câu hỏi đại loại như “bể tôi sạch sẽ, nước trong vắt mà sao cá vẫn bị bệnh, rêu tảo hại vẫn từ đâu mà ra nhỉ?”

Dựa vào các tiêu chí đánh giá bên trên chúng ta có thể phân loại rác thành 3 thể loại chính:

Thức ăn thừa

  • Dễ dàng xuất hiện trong một bể thủy sinh, đặc biệt là đối với những người mới.
  • Tâm lý sợ cá bị đói hoặc việc cho cá ăn được các bạn nhỏ đảm nhiệm. Cảm giác nhìn những chú cá tranh nhau ăn thật sự rất thú vị và hấp dẫn nhiều người.
  • Thức ăn của cá, tép cũng là món khoái khẩu đối với các sinh vật phù du.

Phân cá

  • Bể thủy sinh có nuôi cá thì sẽ phải cho cá ăn, cho cá ăn thì tất nhiên sẽ phải có phân cá rồi.
  • Đây cũng là một nguồn dinh dưỡng quý báu cho cây trồng, đáng tiếc là chúng chỉ hấp thụ được một phần nhỏ mà thôi.
  • Hãy nhớ là không có con vật nào ăn phân cá cả nên đừng hy vọng sẽ tìm được thiên địch của chúng.

Lá cây mục

  • Bể đã chơi cây thật thì chắc chắn trong vòng đời của mỗi chiếc lá sẽ có giai đoạn mục rữa.
  • Sau khi những chiếc là vàng úa, dập, rách, héo hoặc bị bệnh rụng xuống các loài tép sẽ xử lý một phần, còn lại chúng sẽ trở thành rác.
  • Ngoài ra sau mỗi đợt cắt tỉa bể mà bạn không thể hút sạch được những mảnh lá cây thì chúng sẽ nhanh chóng “tụ tập” với nhau trong một góc nào đó.

Đó là những nhóm rác thải phổ biến nhất mà hầu như trong bể thủy sinh nào cũng (sẽ) có. Ngoài ra còn các loại mốc từ lũa, mảnh vụn từ vỏ lũa bị mục và thậm chí là xác của các loại rêu hại. Chỉ cần không có phương án xử lý kịp thời thì chúng sẽ nhanh chóng tạo nên một đống rác và cần phải được loại bỏ.

Như vậy là hệ thống lọc có vấn đề?

Các loại rác thải đáng lý sẽ được hút vào hệ thống lọc để xử lý, tuy nhiên cũng có vài lý do khiến điều đó không xảy ra (hoặc có nhưng chưa trọn vẹn)

  • Dòng chảy: Đó là dòng nước đi từ đầu out về đầu in của lọc, nếu dòng chảy chưa hợp lý thì chúng không thể cuốn theo các loại rác thải. Đó cũng không hẳn là lỗi của máy lọc.
  • Bố cục nhiều ngóc ngách: Hẳn là thế, rất ít người có thể trung thành với những bố cục đơn giản, thông thoáng (như Iwagumi chẳng hạn). Các ngóc ngách sẽ khiến dòng chảy đổi hướng hoặc cản trở dòng chảy. Rác vướng vào đây sẽ khó có thể tiếp tục cuộc hành trình.
  • Lọc quá yếu: Các này thì mười mươi là lỗi của máy lọc rồi nhé, à mà không, là lỗi của người chơi đã không ước lượng đúng công suất lọc cần thiết cho bể của mình. Tất nhiên một dòng chảy yếu không thể nào là một chị lao công chăm chỉ và chuẩn chỉnh được.
  • Thiếu cá dọn đáy: Thường là các dòng cá chuột, các loại cá chuyên sục sạo tầng đáy. Chúng sẽ giúp bạn dọn dẹp thức ăn thừa, ngoài ra sẽ xới tung các ngóc ngách để rác có cơ hội được cuốn vào đầu in lọc.
  • Mật độ cây dày đặc: Cái này thì khó mà chữa được này. Nếu bạn đã yêu thích các bố cục rậm rạp hay phong cách Hà Lan thì việc tồn đọng rác là rất khó tránh khỏi.

Khắc phục vấn đề

Sau khi đọc các phần trên thì chắc các bạn đã có hướng xử lý vấn đề cho riêng mình rồi nhỉ? Tuy nhiên BOUaqua có vài điểm cần lưu ý để các bạn tránh rơi vào các vấn đề mới:

  • Đừng cố tạo một dòng chảy thật mạnh: Tốc độ chỉ cần vừa đủ và quan trọng hơn là dòng chảy phải hợp lý, hãy cố gắng cho chúng vươn được tới thật nhiều ngóc ngách. Bạn cũng có thể chia thêm nhiều đầu out ở các vị trí khác nhau nếu lọc của bạn đang dư công suất.
  • Hạn chế những ngóc ngách vô nghĩa trong bố cục: Đó là rất nhiều những ngóc ngách đẹp trong hardscape nhưng sau này lại bị cây trồng che khuất. Khi bạn không thể ngắm thì hãy tìm cách hạn chế chúng để không trở thành nơi tập kết rác bất đắc dĩ.
  • Lựa chọn đúng sinh vật dọn đáy bể: Đây là vấn đề muôn thuở. Có rất nhiều bạn đã chọn sai đối tượng dẫn đến việc hiệu quả dọn rác chưa trọn vẹn nhưng đáy hồ đã bị xới tung tóe, cây trồng bị bật gốc vì những sinh vật quá “tăng động”.
  • Cuối cùng và quan trọng nhất là khâu dọn dẹp định kỳ. Việc dọn dẹp không đơn thuần chỉ là giúp giảm rác thải trong bể mà nó còn thể hiện sự gắn kết, yêu quý bể thủy sinh của người chủ.
dọn dẹp bảo dưỡng bể thủy sinh

Dọn rác bể thủy sinh đúng cách

Ở đây chúng ta chỉ bàn luận đến khâu dọn dẹp thôi nhé, thường thì nó sẽ là một bước trong việc bảo dưỡng bể thủy sinh. Tuy nhiên không phải lúc nào bảo dưỡng cũng phải dọn dẹp và ngược lại, không phải lúc nào việc dọn dẹp cũng là một khâu trong quy trình bảo dưỡng.

Có những bể thủy sinh rất khỏe mạnh, khi đã đến kỳ bảo dưỡng, cắt tỉa cây rồi nhưng trong bể lại hầu như không có rác. Ngược lại, với những bể không được chăm sóc đúng mực thì chưa đến kỳ bảo dưỡng mà rác rến, lá cây đã tơi tả, rơi đầy đáy hồ.

Nếu chưa thể nâng cao tay nghề chăm sóc hồ thì bạn hãy tách bạch việc bảo dưỡng và dọn dẹp thử xem sao nhé.

Chuẩn bị dụng cụ dọn dẹp

  • Tất nhiên bạn sẽ cần một ống nước nhỏ, có thể thuận tiện luồn lách vào các ngóc ngách để hút rác.
  • Một cái que (hoặc dùng luôn ngón tay trỏ)
  • Một cái xô (hoặc chậu)

Tiến hành từng bước

  • Trước tiên phải làm cho nước bể được hút qua ống ra ngoài đã đúng không? Rất đơn giản, bạn nhúng 1 đầu ống nước vào bể rồi dùng nó chặn đầu out của lọc, chỉ mất chưa tới 2 giây là nước sẽ theo ống hút ra ngoài rồi.
  • Dùng que hoặc ngón tay khua khoắng phía trên mỗi đống rác để giúp đánh tan nó, sẽ dễ hút ra ngoài hơn nhiều. Ngoài ra thì bạn cũng tranh thủ xua đuổi các sinh vật có ý định tò mò lại gần khu vực đang dọn dẹp.
  • Đầu kia của ống nước bạn nhớ đặt vào 1 chiếc xô hoặc chậu nhé, đề phòng hút nhầm cá, tép hay phân nền ra ngoài. Về sau có kinh nghiệm và quen tay rồi bạn sẽ tránh được rủi ro này.
  • Sau khi hút rác không tránh khỏi một lượng nhỏ bị khuấy tung lên đi lang thang trong nước. Không sao, máy lọc sẽ lo nốt vấn đề còn lại

Làm sao để hạn chế phải dọn rác?

  • Chăm cho cây khỏe là điều kiện tiên quyết giúp giảm lá cây mục. Ngoài ra cây trồng khỏe mạnh sẽ giúp hấp thụ nhiều hơn dinh dưỡng từ các loại rác thải làm giảm nguy cơ gây hại
  • Cho cá ăn một lượng vừa đủ, điều này giúp hạn chế được thức ăn thừaphân cá. Hãy quan sát cá mỗi lần cho ăn, nếu có thức ăn rơi xuống nền hồ trong 5 phút mà không được xử lý thì lần sau bạn hãy rút bớt lượng thức ăn đi một chút
  • Sử dụng thêm các dòng cá chuột hiền lành, khỏe mạnh, dễ nuôi (phổ biến và bình dân thì có chuột cà phê, chuột Cory). Mỗi hồ chỉ cần có từ 1 tới 2 cặp là đủ rồi. Chú ý đám này có thể làm sạt nền những vị trí dốc hoặc tung gốc những cây thảm nền mới cắm, chưa kịp ra rễ đâm sâu, hãy cân nhắc.
  • Một hệ vi sinh đông đảo, khỏe mạnh cũng có thể giúp ích rất nhiều. Chúng sẽ giúp bạn phân hủy những đống rác nhanh hơn, trước khi vấn đề kịp phát sinh từ đó. Tuy nhiên hãy nhớ rác thải tích tụ không ngừng còn hệ vi sinh thì có giới hạn của nó nhé.
cá chuột dọn đáy nền bể thủy sinh

Các bạn thấy đó, dọn dẹp bể thủy sinh không phải là công việc quá khó hay phức tạp. Tuy nhiên nó mang lại một kết quả rất khác biệt. Với một bể thủy sinh thực sự sạch sẽ từ trong ra ngoài nguy cơ rêu hại và dịch bệnh sẽ được hạn chế xuống mức tối thiểu. Đó cũng là tiền đề tốt để thú chơi đỡ vất vả hơn đối với người mới.

-BOUaqua-

Để lại bình luận