BOUaqua.com

“Hồ cá thủy sinh”

Lang thang các diễn đàn (không liên quan tới thủy sinh) tôi gặp rất nhiều cụm từ này và tự hỏi “Hồ cá thủy sinh” là gì nhỉ? Họ nuôi cá hay chơi thủy sinh trong cái hồ đó? Hay là sự kết hợp của cả hai?

Quay ngược thời gian trở về quá khứ cách đây khoảng 6 tới 7 năm, khi ấy hồ cá cảnh là hấp dẫn và hoành tráng lắm rồi, sau là sự kết hợp của cả hai và và giờ là thời đại của hồ thủy sinh tách biệt. Có một người chơi thủy sinh đã phân biệt rất hay thế này: Hồ cá là chăn nuôi và hồ thủy sinh là trồng trọt. Đúng là dễ hiểu thật, nhưng với nhiều người thì cái khái niệm đó còn nhập nhằng lắm!

Năm ngoái, có một anh bạn nhờ tôi làm giùm một hồ thủy sinh, đến khi gặp và trao đổi thì anh ấy mới chỉ dừng lại ở nhu cầu làm cái hồ thả cá với mấy cái cây cho vui mắt thôi. Đó cũng là nhu cầu hiện nay của rất rất nhiều người. Hai anh em ra tiệm cá cảnh gần nhà, đúng là “thằng chột làm vua xứ mù”, đồ ở đây bán giá trên trời, có khi gần gấp đôi ở những cửa hàng trên phố. Trời cũng đã tối rồi, chạy lên phố trong khi anh bạn đang sôi sục phấn khởi thì cũng không ổn nên nhặt đại đồ rồi về làm. Loay hoay khoảng tiếng đồng hồ rồi cũng xong cái hồ cá. Lâu không thăm lại giờ chả biết anh bạn còn duy trì nữa không.

Cái khó của khách hàng là chưa lường hết được sự vất vả ở khâu chăm sóc để có một hồ thủy sinh đẹp, khi được nghe tư vấn abc, xyz đủ điều thì cũng chỉ chép miệng, nghĩ nó không đến nỗi khủng khiếp lắm. Nhưng rồi đến khi hồ đã thành hình, người ta bàn giao hồ lại cho mình chăm sóc thì mới té ngửa “sao mà phức tạp thế!”. Vậy là lại thuê dịch vụ chăm sóc hàng tuần, hàng tháng. Và chính cái sự “tận tình” của dịch vụ mà khách hàng đã giết chết cái hồ mình đã từng xuýt xoa, phấn khởi một thời. Giờ cái hồ thủy sinh như là hồ của người ta đặt nhờ ở trong nhà mình vậy.

Cũng chính vì cái lối mòn ấy của nhiều người mà khắp nơi mọc lên dịch vụ về hồ thủy sinh rất chộp giật. Cá chết thì bọn em thay cá, cây chết thì bọn em thay cây, hàng tuần bọn em cho người đến chăm sóc, vệ sinh cho anh, anh không phải mó tay vào làm gì! Và các ông chủ luôn tự nhắc nhở “dăm bữa nửa tháng nữa lại chán ấy mà”, đúng thế thật! Vậy là những hồ thủy sinh “mỳ ăn liền” ra đời, những hồ này phần nền cắm cây chỉ có sỏi hoặc những loại phân nền không đạt chất lượng, mang tính chất tạm thời. Cây cối cũng chỉ là những loại dễ tính, cắm đâu sống đó và không phát huy được “vẻ đẹp tiềm ẩn”.

Thôi, không lạm bàn đến dịch vụ hồ thủy sinh nhiều ở đây, tóm lại là để đánh giá chất lượng với đôi mắt của người không chuyên thì dễ nhất là khách hàng nhìn vào tuổi thọ của hồ. Cũng có cây, cũng có nền, cũng phụ kiện đầy đủ nhưng một hồ sống được vài tháng với hồ sống được vài năm là cả một sự khác biệt lớn lao!

hồ cá đĩa thủy sinh
Hồ cá cảnh kết hợp với cây thủy sinh

Với hồ cá cảnh kết hợp thủy sinh thì chủ yếu gặp khi nâng cấp hồ cá cảnh lên hồ thủy sinh. Khách hàng vốn không muốn bỏ cá, bỏ cây cũ, lại chỉ muốn nâng cấp thêm thôi cho ra dáng hồ thủy sinh. Trong những trường hợp này thì kết hợp là tốt nhất. Vậy là trồng thêm cây cối vào cho có màu xanh, làm bộ nền, thay cái đèn nữa là ổn. Cho dù những cái cây ấy, con cá ấy chả hợp với nhau tí nào, chúng nó đang cùng nhau phá tan cái vẻ đẹp của hồ rồi.

Để kết hợp được một hồ cá với một hồ thủy sinh thì bạn phải nghiên cứu cho kỹ những phụ kiện mình đã có, đang có và sắp có. Cái gì trong diện giải tỏa, thay thế thì phải dứt khoát, đừng tiếc cái này cái kia mà đẩy hồ vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, và cuối cùng là bỏ xó! Nếu không muốn bỏ cá thì phải xác định là loại cá nhỏ hay to, bơi theo đàn hay không, thậm chí là phân cá to hay bé nữa. Thử tưởng tượng một thảm cỏ xanh mướt (trân châu Nhật, trân châu Cu Ba…) mà xuất hiện những sợi phân cá đen xì, loằng ngoằng thì thật chán. Thay thế vào đó chúng ta có thể trồng những thảm cỏ cao (ngưu mao chiên lùn, cỏ đỏ…) để hạn chế cái xấu ấy, hãy nhớ là hạn chế chứ không chấm dứt được, chúng ta vẫn cần hút nền định kỳ.

Chắc hẳn bạn đã nghe rằng thì là mà phân cá ị ra sẽ là chất dinh dưỡng nuôi cây. Nếu vậy kết hợp hồ thủy sinh với hồ cá, nuôi cá nhiều nhiều chút thì khỏi cần phân nền à? Xin thưa là không có chuyện đó đâu. Hoặc số lượng cá của bạn phải lên đến hàng trăm con hoặc cây của bạn phải rất thưa thớt. Đồng ý phân cá là chất dinh dưỡng nhưng chỉ là sau khi nó bị hệ vi sinh của hồ phân hủy, chuyển hóa thì cây mới có thể sử dụng được, mà để có được hệ vi sinh khủng thì bạn đã không còn là tay mơ mà ngồi đọc bài này nữa rồi.

-bouaqua-

Để lại bình luận