Trước tiên, chúng ta hãy thống nhất với nhau rằng bài viết này là quan điểm cá nhân của BOUaqua. Chúng tôi không có ý chê bai sản phẩm, các bạn hãy coi bài viết này như một nguồn tư liệu tham khảo nhé.
Đã từ rất lâu rồi những chiếc lọc thác bé xinh không còn xuất hiện tại BOUaqua nữa. Lý do lớn nhất là hiệu quả của nó không thể bù lại cho tính thẩm mỹ và lợi thế giá thành. Đặc biệt nó không hề phù hợp với người mới chơi thủy sinh một chút nào.
Lọc thác dễ mua và giá rẻ
Chắc hẳn ngày đầu mới chơi đa số trong chúng ta đều có những quyết định thiếu đúng đắn và một trong số đó là việc đi mua phụ kiện. Lọc thác có giá rẻ, nhiều mẫu mã, thương hiệu nên người chơi dễ chi trả hơn dẫn với việc nhiều cửa tiệm cá cảnh mặc định tư vấn xài lọc thác cho bể bé (và lọc tràn trên, loại bằng nhựa cho bể lớn hơn hoặc có nuôi cá lớn một chút).
Ngoài ra, do thiếu kiến thức nền nên cũng có một số trường hợp người chơi chủ động đi tìm mua lọc thác vì đơn giản là “thấy nhiều bể cũng dùng lọc này”. Thật không phải cho lắm khi những bể đó không thể tồn tại được lâu hoặc chủ bể là lại những người dày dặn kinh nghiệm.
Cơ chế hoạt động của lọc thác
Cấu tạo của lọc thác bao gồm phần nhựa đúc, bao gồm khoang chứa vật liệu lọc, chứa máy bơm và hệ thống máng dẫn nước trở lại hồ. Ngoài ra còn có một nắp nhựa phía trên, dễ dàng tháo lắp để tăng tính thẩm mỹ.
Phần ống nhựa có vai trò dẫn nước bẩn từ bể vào, thường có cấu tạo nhiều đoạn rời nối với nhau để phù hợp với chiều cao của bể. Ngoài ra còn có một số thương hiệu sản xuất cả lọc váng đi kèm nữa, nó sẽ được lắp nối tiếp với phần ống hút nước để xử lý váng trên mặt nước.
Phần cuối cùng là máy bơm. Nó là một module riêng gắn với phần nhựa đúc.
Các bạn chú ý khi sử dụng lọc thác có một vạch thường được ghi “Water lever”. Nhà sản xuất khuyến cáo không nên để nước trong bể thấp hơn vạch đó, máy bơm sẽ khó có thể hút được nước lên. Nước chảy qua máy bơm còn có tác dụng giải nhiệt nữa nên trường hợp máy bơm chạy không tải trong thời gian quá lâu sẽ làm giảm tuổi thọ hoặc hỏng.
Về cơ chế hoạt động, nước bẩn từ trong bể sẽ được máy bơm hút thông qua hệ thống ống dẫn, đẩy qua khoang chứa vật liệu lọc. Tại đây nước sẽ được các vi sinh vật sống trên bề mặt vật liệu lọc xử lý thành nước sạch sau đó sẽ được đưa trở lại bể thông qua một máng nhỏ dạng đập tràn.
Trường hợp có gắn kèm lọc váng thì nước sẽ được hút ở 2 vị trí là gần đáy nền (thông qua hệ thống ống dẫn) và vị trí bề mặt (chủ yếu là để thu các loại váng vào lọc).
So sánh với lọc có thương hiệu
Nói về lọc thác “có thương hiệu” thì có lẽ hiện nay nổi bật nhất vẫn là sản phẩm của Eheim (Đức). Các bạn hãy xem video trên để có cái nhìn chân thực hơn về sản phẩm này.
Ok, vậy là về cấu tạo cơ bản lọc thác của Eheim vẫn theo một khuôn mẫu chung, sự khác biệt chỉ ở những chi tiết. Với một sản phẩm máy lọc có cấu tạo nhỏ gọn, việc thiết kế đường đi của nước cũng như cơ chế hút – xả dường như không thể tối ưu hơn.
Điểm qua sản phẩm lọc thác của các hãng lớn khác như Fluval, MarineLand, Seachem… cũng không có sự khác biệt quá lớn về thiết kế cũng như công năng sử dụng.
Điểm yếu và điểm mạnh
Rất tiếc chúng ta phải tới với điểm yếu trước vì nó… nhiều quá. Trước tiên là ở khoang chứa vật liệu lọc, nó quá bé để có thể bố trí đủ chỗ ở cho một số lượng vi sinh lý tưởng. Vậy nên các bạn chỉ có thể ghép đôi lọc thác với những bể nhỏ hoặc rất đơn giản thôi nhé.
Điểm yếu thứ 2 là thiết kế dòng chảy chưa tối ưu. Điều này cũng khó khắc phục vì như đã nói ở phần trên, với việc thu nhỏ cấu tạo lọc thì có lẽ việc thiết kế dòng chảy hiệu quả hơn cũng là điều cần thêm rất nhiều thời gian của các nhà sản xuất và thiết kế.
Với dòng chảy như vậy, nước không bị cưỡng chế đi qua các lớp vật liệu lọc một cách triệt để. Khi vật liệu lọc bị bẩn, nó sẽ cản trở dòng nước, lúc đó nước sẽ có xu hướng chảy tràn trên bề mặt vật liệu lọc (chứ không chảy xuyên qua nữa) để về bể. Như vậy tác dụng của hệ vi sinh đã bị giảm đáng kể, lượng vi sinh sống ở trong các viên vật liệu lọc xốp rỗng hầu như sẽ không có thức ăn để tồn tại và phát triển.
Điểm yếu thứ 3 là công suất máy bơm không mạnh. Cũng lại bởi kích thước “mi nhon” của lọc nên máy bơm không thể to quá khổ được, ngoài ra cũng còn để giảm giá thành. Vì vậy lực hút của máy bơm đôi khi không đủ sức để gom rác thải trong bể, bạn cần bố trí dòng chảy hợp lý và lựa chọn kích thước bể phù hợp.
Chú ý
Trên thân lọc thường có 1 vạch có ghi là “water level”, các bạn chú ý căn chỉnh mực nước trong bể luôn bằng hoặc lớn hơn vạch này để máy bơm không bị hụt nước và sau khi tắt + khởi động lại lọc là hệ thống có thể hoạt động lại bình thường, không cần mồi nước thủ công.
Vì sao không dành cho người mới?
Vấn đề lớn nhất, khó nhằn nhất, trừu tượng nhất là nuôi hệ vi sinh, bể của bạn phải có đủ lượng vi sinh nhất định mới có thể đẹp và khỏe mạnh được. Cần có nhiều yếu tố thích hợp và hệ thống lọc đủ không gian nuôi cấy là một yếu quan trọng. Rất tiếc là lọc thác không đáp ứng được điều đó.
Hãy tưởng tượng bạn đang quản lý một khu chung cư, sẽ rất khó để khiến 1000 cư dân sống vui vẻ trong một tòa nhà 10 tầng và sẽ dễ hơn rất nhiều nếu tòa nhà đó có tận 20 tầng (nhưng cũng phải nhìn nhận rằng 1000 cư dân sống trong ngôi nhà 100 tầng là quá lãng phí).
Ngoài ra, chính việc liên tục phải thay bông lọc (để nó không quá cản dòng khiến nước bị tràn) làm cho nhiệm vụ ổn định sinh sống của đám vi sinh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Với những người có kinh nghiệm thì đó không phải là vấn đề quá lớn, tại sao vậy?
Khi bạn đã có kinh nghiệm ổn định bể của mình (cân bằng lượng chất thải với sức ăn của vi sinh) mà không bị phụ thuộc vào hệ thống lọc (vi sinh có thể sống ngay trong bể) thì khi đó lọc thác được sử dụng như một công cụ tạo dòng chảy hơn là đảm nhận chức năng lọc nước. Tất nhiên chưa ai có thể setup một bể thủy sinh cầu kỳ, hoành tráng mà không cần tới một hệ thống lọc “tương xứng”. Do đó bạn nên cân nhắc.
- Nếu bạn đang tập làm quen với thú chơi thủy sinh, đừng sử dụng lọc thác (bạn sẽ tốn chi phí nâng cấp, thay đổi lọc sau này)
- Nếu bạn đang muốn đơn giản hóa hệ thống bể đã ổn định của mình bằng lọc thác, hãy thay đổi và nghe ngóng tình hình
- Nếu bạn đang quan niệm “bể mình bé và đơn giản, chỉ cần lọc này thôi”, hãy cân nhắc lại thật kỹ
- Nếu bạn định nuôi một bể cá cộng đồng với nhiều cá thể, hãy từ bỏ lọc thác
-BOUaqua-
Mình chơi hồ 60 35 40 sử dụng lọc thùng 1400L/h + phụ 604 có mạnh quá không hay đổi xuống loại 1200L/h hơn shop nhỉ. Mình đang đặt hàng