BOUaqua.com

Một tác dụng của lọc phụ trong bể thủy sinh

Lọc phụ trong hệ thống lọc của bể thủy sinh là một vấn đề không mới, tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư lọc phụ cho bể thủy sinh của mình. Tác dụng của lọc phụ thì cũng vô vàn, và cụm từ “lọc phụ” cũng được dùng chung để gọi tên nhiều loại lọc với các mục đích khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết, bouaqua xin được nêu quan điểm về một khía cạnh của lọc phụ mà nhiều người có lẽ chưa để ý.

Lọc phụ thường có cấu tạo đơn giản, không có máy bơm nước bên trong, được đấu nối tiếp ở trước hoặc sau hệ thống lọc chính. Lọc phụ có thể được sử dụng với mục đích tăng diện tích cư trú cho hệ vi sinh; mục đích tạo điều kiện cho vi sinh yếm khí phát triển để khử Nitrat trong bể; hoặc mục đích chặn rác. Bouaqua sẽ nói thêm đến vế thứ ba này.

Đối với nhiều người chơi thủy sinh, việc sử dụng lọc phụ có chứa mút hoặc bùi nhùi để chặn rác phía trước lọc chính với mục đích rõ ràng là tránh cho lọc chính khỏi tắc. Ngoài ra còn giảm tải việc phải vệ sinh lọc chính nhiều lần khi hồ có nhiều rác thải, đặc biệt là hồ cá cảnh. Hơn nữa, việc vệ sinh lọc phụ đơn giản hơn nhiều so với việc vệ sinh cả một hệ thống lọc chính mà đôi khi điều đó làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước và hệ vi sinh của hồ một cách mạnh mẽ. Trong hồ cá cảnh, nếu người chơi sử dụng một lọc thùng dạng kín đặt bên ngoài (external filter) thì nhiệm vụ lọc phân cá và thức ăn thừa sẽ làm lọc rất nhanh tắc. Sự xuất hiện của lọc phụ đặt trước lọc chính là hợp lý. Trong bể thủy sinh cũng vậy, lọc phụ kiểu này sẽ có chức năng chặn các loại rác thải có kích thước lớn (mảnh lá cây, mảnh lũa vụn, xác động vật…), ngoài việc giúp vệ sinh dễ dàng cho người chơi thì nó còn có tác dụng giảm tải cho hệ vi sinh trong lọc chính.

lọc phụ jaqno cho bể thủy sinh
Hình ảnh một lọc phụ có thể vừa chặn rác, vừa tăng diện tích cư trú cho hệ vi sinh.

Bể thủy sinh hầu hết đều yêu cầu chất lượng nước khắt khe hơn bể cá cảnh, nhất là khi bệnh dịch xảy ra thì không thể sử dụng muối hạt để khử trùng, tiêu diệt vi khuẩn có hại. Hệ vi sinh trong bể thủy sinh (cụ thể là trong lọc chính) có tác dụng phân hủy các chất độc hại (xem thêm về Chu trình nitơ) để giữ cho môi trường nước được trong sạch.

Trường hợp không có lọc phụ, rác thải kích thước lớn sẽ được hút cả vào trong lọc, hệ vi sinh sẽ phải kiêm thêm nhiệm vụ phân hủy các mảnh rác đó, và không thể tập trung toàn lực vào nhiệm vụ phân hủy chất độc trong nước. Các bạn không nên nghĩ rằng các mảnh rác lớn sẽ bị mắc lại ở lớp bông lọc hoặc bùi nhùi nào đó mãi mãi. Qua thời gian bị phân hủy, kích thước các mảnh rác sẽ bé lại và tiếp lục luồn sâu hơn vào các lớp vật liệu lọc bên trong. Nếu số lượng các mảnh rác tăng lên mà không làm tắc lọc thì chúng cũng sẽ làm phân tán rất nhiều thời gian làm việc của vi sinh (mà đáng lẽ chúng chỉ phải xử lý nước mà thôi).

Nếu có thêm một lọc phụ chặn rác phía trước lọc chính. Hệ vi sinh sẽ được giảm tải rất nhiều, hoàn toàn tập chung vào khâu xử lý nước thải, từ đó mà chất lượng nước trong bể được giữ ở mức ổn định. Tất nhiên, các bạn vẫn phải vệ sinh lọc phụ định kỳ khi thấy có nhiều rác thải bị mắc lại.

Vậy là lọc phụ chặn rác không chỉ giúp giảm công sức bảo dưỡng cho người chơi mà còn giúp giảm tải công việc cho hệ vi sinh, vốn là thứ mà chúng ta nâng niu, gây dựng. Còn ý kiến của các bạn thì sao?

-bouaqua-

4.2/5 - (5 bình chọn)

21 bình luận về “Một tác dụng của lọc phụ trong bể thủy sinh”

    • Chào bạn, nếu muốn sử dụng thêm lọc phụ thì bạn phải xác định xem lọc chính có đủ sức tải hay không. Nếu lọc chính của bạn bình thường phải hãm bớt dòng chảy thì việc lắp thêm lọc phụ là hợp lý. Ngược lại, bình thường lọc chính đã phải hoạt động hết công suất rồi thì việc lắp thêm lọc phụ đôi khi lại là hạ sách.
      p/s: Các bạn nên chọn công suất lọc dư ra một chút so với khuyến cáo của nhà sản xuất nhé

      Trả lời
    • Đúng là sẽ cản dòng, vậy nên các bạn cần xác định công suất lọc hiện tại so với bể có dư không, từ đó mới quyết định việc có lắp lọc phụ hay không. Nếu lọc phụ của bạn chỉ chứa toàn mút lọc thô thì vấn đề cản dòng là không đáng kể.

      Trả lời
    • Sử dụng một lọc thùng có bơm như lọc phụ cũng là lựa chọn của nhiều người chơi hiện nay mà bạn.
      – Thể tích chứa vật liệu lọc lớn
      – Có thêm một máy lọc phụ đề phòng lọc chính bị trục trặc

      Trả lời
    • Bạn cần xem lại dòng chảy trong bể hiện tại đang mạnh hay yếu.
      – Nếu dòng chảy đang mạnh thì bạn có thể dùng thêm 1 lọc phụ không bơm
      – Nếu dòng chảy vừa hoặc yếu thì nên sử dụng 1 lọc phụ có bơm để tiếp sức cho lọc chính

      Trả lời
    • Thông thường khi kết nối lọc phụ và lọc chính, có 2 phương án:
      1. Nước hồ ~> lọc phục ~> lọc chính ~> về hồ: có thể xảy ra trường hợp lọc chính hụt nước (cánh quạt máy bơm thường kêu lọc ọc). Lý do là lọc phụ bị nhồi quá chặt vật liệu lọc hoặc tiết diện ống quá bé
      2. Nước hồ ~> lọc chính ~> lọc phục ~> về hồ: có thể xảy ra trường hợp lọc phụ bị rỉ nước do lọc chính quá mạnh, kết hợp một phần với lý do lọc phụ bị nhồi nhiều vật liệu lọc hoặc tiết diện ống quá bé. Xử lý trường hợp này bằng cách giảm bớt dòng của lọc chính hoặc giảm bớt vật liệu lọc trong lọc phụ

      Bạn thử kiểm tra lại xem hệ thống của bạn đang gặp vấn đề như thế nào nhé.

      Trả lời
    • Lọc DF700 của bạn sử dụng cho hồ 60x40x40 về mặt công suất có thể coi là vừa vặn rồi, không dư một chút nào. Do đó nếu nó phải kéo theo bộ trộn CO2, rồi lại lọc phụ nữa thì như BOUaqua thấy là lọc sẽ bị đuối, hiệu quả lọc nước đối với hồ có thể bị suy giảm.

      Trường hợp này nếu bạn muốn tăng cường thêm khoang chứa vật liệu lọc thì BOUaqua tư vấn bạn nên đầu tư thêm 1 lọc DF700 nữa, đấu nối tiếp (hoặc song song, tùy bạn, tuy nhiên phương án này sẽ xuất hiện thêm 1 đầu in và out trên mặt bể). 2 lọc này sẽ cùng được cắm điện và chạy với nhau sẽ cho hiệu quả tốt nhất nhé.

      p/s: Đối với các bạn khác nếu chưa có kế hoạch chọn máy lọc cho bể 60x40x40 của mình thì BOUaqua khuyên các bạn nên chọn lọc Atman DF1300 hoặc các sản phẩm khác tương đương. Chi tiết về điều này BOUaqua sẽ trình bày trong một bài viết khác, các bạn cùng đón xem nhé.

      Trả lời
  1. Hồ mình 60x40x40 đang dùng DF1000 mình muốn thêm lọc phụ 603 như vậy giòng DF 1000 có giảm về với mức thích hợp của hồ k. Và lọc phụ nên lắp trước hay lắp sau để giảm đc giòng ạ…nhờ shop tư vấn

    Trả lời
  2. Chào bạn.
    Các sản phẩm của dòng lọc DF đều có cần gạt giảm dòng màu đen ở trên đỉnh lọc, bạn kéo cần gạt lên để giảm dòng và ngược lại nhé.
    Trường hợp bạn muốn giảm dòng bằng lọc phụ thì nó còn phụ thuộc vào vật liệu lọc trong lọc phụ nữa, hệ thống vật liệu lọc nhiều sẽ cản trở dòng nước tốt hơn (giảm dòng)

    Trả lời
    • Chào bạn
      Lọc CP-1400 có khả năng điều chỉnh độ mạnh, yếu nên sử dụng thoải mái với lọc phụ bạn ơi. Nếu cảm thấy mạnh quá bạn có thể chỉnh dòng nhỏ lại.
      Công suất lọc nếu có điều kiện bạn cứ mua dư một chút, đề phòng sau thời gian sử dụng dòng bị yếu. Ngoài ra sau khi vệ sinh hoặc sau khi xử lý thuốc trong bể bạn cũng có thể chỉnh dòng mạnh lên để nước nhanh trong hơn. Hoặc nâng cấp lên bể lớn hơn một chút bạn vẫn có thể sử dụng tiếp lọc cũ.

      Trả lời
  3. Chào shop,

    Mình có hồ 60x40x40 nuôi cá vàng, mình dự định sử dụng lọc atman df1300 và lọc phụ hw603. Như vậy liệu có ổn không hay phải tăng lọc chính lên dòng cao hơn.
    Cảm ơn shop

    Trả lời
    • Chào bạn

      Cá vàng vốn là loài ăn nhiều, ị nhiều nên khối lượng chất thải cần xử lý rất lớn. Mặt khác hồ nhỏ (60x40x40) thì nồng độ chất độc trong nước cũng tăng lên nhanh chóng nếu hệ vi sinh không xử lý kịp gây ra nhiều vấn đề khó khăn.

      Việc sử dụng lọc Atman DF1300 cùng với 1 lọc phụ thực sự chỉ phù hợp với hồ thủy sinh hoặc hồ nuôi cá nhỏ, đối với cá vàng bạn nên sử dụng lọc tràn trên (để tiện vệ sinh) hoặc lý tưởng hơn là hệ thống lọc tràn dưới (để tăng khối lượng vật liệu lọc + tiện vệ sinh) để đàn cá có được môi trường nước lý tưởng nhất nhé

      Trường hợp bạn vẫn muốn dùng combo lọc trên thì việc vệ sinh lọc phụ cần thường xuyên hơn bình thường (1 tuần 1 lần hoặc nhiều hơn tùy vào số lượng cá và chế độ cho ăn)

      Trả lời
    • Chào bạn, với hồ có kích thước 120x50x50cm bạn nên đầu tư một chiếc lọc thùng hoặc lọc tràn dưới với công suất bơm tối thiểu 1200L/h trở lên nhé.

      Đối với hồ nuôi nhiều cá có thể bạn sẽ cần đầu tư thêm 1 chiếc lọc thùng hoặc nâng công suất bơm lên cao hơn để đảm bảo khả năng lọc sạch nước.

      Trả lời

Để lại bình luận