BOUaqua.com

Setup một bể thủy sinh low tech

Bể thủy sinh low tech, chắc hẳn không phải là điều quá lạ lẫm với nhiều người chơi. Cụm từ này thường được dùng để nói đến những bể thủy sinh đơn giản, không cầu kỳ (công nghệ thấp), không CO2 và chi phí cũng thấp luôn.

Nghe có vẻ rất bất khả thi để tạo nên một bể thủy đẹp, có thể tồn tại lâu dài và không ngốn quá nhiều công chăm sóc của chủ nhân? Tuy nhiên, không gì là không thể, hãy cùng theo dõi một video trên kênh youtube MD Fish Tanks để xem tác giả đã làm thế nào nhé.

2:05

Đầu tiên tác giả hút nước cũ của bể ra một thùng nhựa, lắp thêm lọc để biến nó thành nơi chứa cá an toàn. Đây cũng là một bước rất quan trọng khi setup lại bể (lật bể) mà nhiều người đã bỏ qua (do tâm lý chủ quan, nghĩ rằng cá tép bể cũ nuôi lâu rồi nên rất khỏe).

2:50

Trước đó tác giả thường hay tận dụng phân nền của bể cũ, nhưng lần này tác giả đã không làm vậy để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm hoặc lây lan bệnh dịch (nếu có).

Đây cũng là điều mà những bạn thích sử dụng phân nền cũ cần cân nhắc. Đặc biệt đối với trường hợp mua và sử dụng phân nền cũ để tiết kiệm chi phí mà không nắm rõ môi trường hồ cũ đã sử dụng phân nền đó dẫn tới trường hợp phản tác dụng (tốn thêm chi phí khắc phục hậu quả)

5:02

Để tiết kiệm ngân sách, tác giả quyết định sử dụng đá ở phía trước như một tường bao, phân nền sẽ chỉ được sử dụng ở trong góc. Như vậy phía ngoài tiền cảnh sẽ không sử dụng phân nền.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chủng loại cây trồng các bạn định sử dụng. Vị trí nào không có phân nền các bạn có thể bố trí các loài rêu, dương xỉ bởi chúng có thể phát triển tốt dựa vào dinh dưỡng trong nước.

5:35

Độn nền bằng các vật liệu như sỏi, nham thạch cũng giúp cắt giảm chi phí cho phần nền, ngoài ra nó cũng giúp thoáng nền, tạo điều kiện cho rễ cây phát triển thuận lợi.

Như các bạn đã biết, sỏi vốn khá trơn và không thể vun cao nên tác giả đã sử dụng túi lưới để chứa chúng (có thể sử dụng quần tất cũng được).

hardscape của một bể thủy sinh low tech

6:30

Đổ sỏi nhỏ vào bể, chú ý để chúng lấp đầy các khoảng trống sẽ giúp bố cục vững chắc hơn, giảm nguy cơ sụt lún về sau và cũng giúp tiết kiệm phân nền tối đa.

7:51

Sử dụng những viên đá lớn để xếp thành tường bao. Chú ý đừng xếp thẳng quá (hoặc đá bằng nhau quá) sẽ mất đi sự tự nhiên cần thiết.

10:08

Tác giả bổ sung phân nhét vào sỏi để tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt với các loại cây cắt cắm hậu cảnh thì một lượng phân nền ít ỏi trên bề mặt chắc chắn sẽ không thể giúp chúng “bung lụa”.

10:27

Tác giả đang băn khoăn về chuyện lũa nếu bị nổi lên khi vào nước sẽ làm hỏng bố cục. Điều này các bạn cần tính tới, nếu không chắc chắn thì hãy thử ngâm lũa vào nước. Nếu lũa vẫn nổi, hãy cố định chúng vào những viên đá để đảm bảo lũa được neo chắc chắn xuống nền.

11:16

Vì lũa vẫn hơi nổi để đảm bảo an toàn cũng như tăng độ vững chắc cho hardscape thì tác giả đã hút nước và sử dụng keo dán cố định lũa vào đá.

Nếu vấn đề này không được xử lý cẩn thận thì rất có thể sau này bạn sẽ thấy hối hận vì lỡ tay va vào lũa khi bảo dưỡng chẳng hạn, bố cục sẽ bị xô lệch, không có điều gì tệ hơn thế.

trải sỏi nền một bể thủy sinh low tech

13:31

Phần nền dù tiết kiệm thì vẫn cần đảm bảo đủ độ dày nhất định để có thể dễ dàng cắm cây các bạn nhé. Trường hợp phân nền quá mỏng nó còn ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ rễ nữa.

14:26

Hãy đảm bảo tất cả các khe, kẽ đều được lấp đầy bởi phân nền. Đó là tấm vé bảo đảm cho sự vững chắc của bố cục.

Trong một số trường hợp các bạn có thể vào nước tới đâu bổ sung phân nền tới đó, kết hợp với một chiếc que nhỏ để chọc xuống lớp phân nền trong các khe đá. Mẹo nhỏ này vừa giúp thăm dò lượng phân nền có đủ lấp đầy khe rỗng hay không vừa giúp lèn chặt hơn phần nền vào các khe đó.

16:22

Các bạn chú ý khi trải cát tiền cảnh phải đủ dày để giữ cho phân nền không trôi về phía trước nhé. Phân nền thường có màu tối, cát thường có màu sáng, 2 thành phần này mà lẫn vào nhau sẽ khiến thẩm mỹ của bể sụt giảm nghiêm trọng.

16:55

Cát được phủ lên cả lớp phân nền hậu cảnh, theo tác giả thì điều đó giúp dinh dưỡng nhả chậm hơn và giúp giảm thiểu nguy cơ rêu tảo hại.

18:46

Một loại sỏi suối sau khi được rửa sạch tác giả còn cẩn thận sấy khô chúng nữa. Cũng dễ hiểu thôi vì sỏi này có dạng dẹt nên khi ướt chúng sẽ có xu hướng dính vào nhau thành từng cụm, khi trải xuống nền sẽ rất mất tự nhiên. Loại sỏi này sẽ được bổ sung để tăng tính tự nhiên cho bố cục.

23:22

Tác giả sử dụng chỉ để buộc rêu lên những thân lũa thẳng, đối với những vị trí gồ ghề hoặc khó tiếp cận thì tác giả chuyển sang sử dụng keo để dán rêu.

25:32

Cách tách ráy ra khỏi rọ được tác giả giới thiệu chi tiết. Các bạn chú ý hết sức tránh làm dập rễ cây nhé, điều này sẽ khiến cho cây dễ bị tổn thương khi vào môi trường bể mới.

27:10

Ráy được bố trí vào các vị trí ở trung cảnh, tùy không gian mà ráy sẽ được dán trực tiếp vào lũa, cài vào đá hoặc dán lên đá nhỏ rồi mới đặt vào bố cục.

hoàn thiện bể thủy sinh low tech

32:25

Dù thực hiện bể với chi phí thấp nhưng tác giả vẫn khuyên các bạn nêu dành phần lớn ngân sách cho cây trồng. Đơn giản vì chúng là “nhân vật chính” trong bể và bản thân cây trồng cũng tham gia vào quá trình lọc nước nữa.

32:40

Nhiều trường hợp trồng cây trong bể có nước sẽ dễ dàng hơn so với trồng cạn. Ngoài ra, khi vào nước các bạn cũng sẽ thấy được cây trồng bố trí có hợp lý không và sẽ có những điều chỉnh kịp thời nếu cần.

33:02

Hướng dòng chảy của nước nên thuận theo hướng ngả của lũa để cây trồng hậu cảnh cũng sẽ phát triển nghiêng theo lũa. Điều này dễ dàng nhận thấy ở những bể trồng loại cây hậu cảnh có lá mảnh và dài (như cỏ cọp, cỏ tóc chẳng hạn)

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại bình luận