BOUaqua.com

Tổng quan về dinh dưỡng trong bể thủy sinh cho người mới

Đối với một người mới bắt đầu chơi thủy sinh thì dinh dưỡng là vấn đề khá đau đầu. Mọi thứ trở nên phức tạp bởi nó là 1 trong 3 thành phần quan trọng nhất của một bể thủy sinh (dinh dưỡng, ánh sáng, CO2) và việc lựa chọn sai có thể dẫn tới một thất bại ê chề ngay từ những bước đầu.

Vậy hôm nay chúng ta hãy cùng nhìn nhận lại các vấn đề thường gặp cũng như các vấn đề bạn quan tâm tới hệ thống dinh dưỡng của một bể thủy sinh xem sao nhé. Liệu nó có thực sự “kinh khủng” như nhiều người vẫn nghĩ hay không?

Phân loại

Đối với một người mới thì có lẽ chúng ta không nên phức tạp hóa các vấn đề, BOUaqua muốn trình bày một cách đơn giản, rõ ràng nhất để tất cả mọi người đều có thể hiểu và không bị rối.

Vậy chúng ta sẽ phân loại dựa vào cách sử dụng cũng như tầm quan trọng của mỗi loại dinh dưỡng, theo đó sẽ có 2 nhánh:

  • Dinh dưỡng chính: Là các loại phân nền, cốt nền được đưa vào bể thủy sinh trong quá trình setup ban đầu. Do đó hầu như không thể thay đổi về sau, đồng nghĩa với việc người chơi phải lựa chọn được sản phẩm phù hợp ngay từ đầu.
  • Dinh dưỡng bổ sung: Bao gồm các loại phân nước, phân nhét có nhiệm vụ bổ sung, tăng cường cho dinh dưỡng chính. Vì được đưa vào bể trong giai đoạn sau nên dinh dưỡng bổ sung dễ dàng được thay đổi tùy theo tình hình thực tế.

Dinh dưỡng chính

Việc lựa chọn loại dinh dưỡng chính phụ thuộc nhiều nhất vào chủng loại cây trồng mà bạn sẽ đưa vào bể, ngoài ra còn có các yếu tố phụ khác như mức độ ánh sáng, mức độ Co2, hình dạng của bố cục…

  • Cây trồng là loại háu ăn và/hoặc mật độ cây trồng cao và/hoặc phần lớn là cây cắm trực tiếp xuống nền thì dinh dưỡng nên đậm đặc và ngược lại. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bể thủy sinh của mình tồn tại lâu dài (hoặc không) thì cũng nên có kế hoạch đầu tư lượng dinh dưỡng cho hợp lý, tránh trường hợp “chưa đi đến chợ đã hết tiền” hoặc lãng phí.
  • Mức độ ánh sáng và CO2 mạnh thì nền của bạn cũng nên có độ “phì nhiêu” tương ứng để 3 yếu tố trở nên cân bằng. Dựa vào thực tế đó bạn cũng nên lựa chọn những loài cây trồng có sức phát triển và khả năng hấp thụ mạnh cho phù hợp.
  • Có nhiều trường hợp các bạn setup xong phần bố cục thô rồi mới bắt đầu làm nền (để tiết kiệm chi phí chẳng hạn). Khi ấy chúng ta hãy xét phần không gian còn lại dưới đáy bể, kết hợp với các loại cây dự định trồng để có kế hoạch cho một bộ nền đậm đặc dinh dưỡng hay không. Đôi khi bố cục hoàn chỉnh đã chiếm phần lớn diện tích rồi nên để đảm bảo dinh dưỡng các bạn buộc phải… xem phần tiếp theo.

Một bộ nền bể thủy sinh thường được chia thành 2 lớp: cốt nền chứa khoáng chất, dinh đưỡng đậm đặc lót bên dưới và phần nền phủ bên trên vừa để cung cấp dinh dưỡng, vừa góp phần ổn định môi trường nước mà cũng đóng vai trò là giá thể để cắm cây. Ngoài ra nó cũng được chia làm 2 nhánh là nền công nghiệp và nền trộn (để tránh bị rối các bạn tìm hiểu thêm thông tin trong link sau: https://blog.bouaqua.com/nen-tron-va-nen-cong-nghiep-be-thuy-sinh/)

Cốt nền được ví như khung xương của hệ dinh dưỡng, mang tính quyết định, cốt lõi còn nền phủ giống như da thịt đắp bên ngoài, có ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ chung của bể thủy sinh. Không thể sử dụng một bể đầy ắp cốt nền mà không cần nền phủ bởi đặc điểm chứa nhiều khoáng chất và dinh dưỡng chúng sẽ khiến bể của bạn tràn ngập rêu hại, đục nước hoặc tệ hơn là tiêu diệt các sinh vật sống.

Nếu bể của bạn chỉ toàn là nền phủ thì dinh dưỡng sẽ bị thiếu hụt và hầu như không thể duy trì bể lâu dài (Bạn thử liên hệ tới một chiếc bánh mì kẹp thịt mà xem, toàn bánh hoặc toàn thịt đều có vấn đề, tỷ lệ nên hài hòa là tốt nhất)

Lớp nền phủ bên trên sẽ giúp cây trồng đứng vững, cung cấp những dưỡng chất cơ bản để rễ cây có thể phát triển và xuyên tới lớp cốt nền bên dưới. Đối với các sản phẩm nền công nghiệp thì lớn nền phủ còn có thêm chức năng ổn định các thông số cho môi trường nước và hấp thụ các loại bụi bay lơ lửng giúp nước trở nên trong hơn. Độ dày tổng của lớp dinh dưỡng chính phụ thuộc vào khả năng xuyên sâu của rễ cây, với một lớp nền quá mỏng rễ cây sẽ thiếu không gian để có thể phát triển một cách tối ưu.

Cốt nền

  • Mỗi sản phẩm cốt nền đều có những đặc điểm riêng, rất phù hợp cho một số nhóm cây trồng nào đó. Khả năng duy trì dinh dưỡng, độ phức tạp trong sử dụng, độ bền, các rủi ro… tất cả đều có thể dễ dàng tìm thấy trên internet từ nhiều nguồn. Hãy chọn lọc thông tin và đừng quên tham khảo những người chơi trước để có quyết định đúng đắn nhất.
  • Cốt nền luôn là lớp nằm bên dưới nền phủ, hãy setup cẩn thận để tránh việc chúng bị thoát lên trên gây ra các vấn đề xáo trộn dinh dưỡng (tiền đề cho nhiều loại rêu hại).
  • Không nên (đúng hơn là không cần) tham nhiều cốt nền nếu bạn không có mục đích rõ ràng. Mỗi bể có một tuổi đời nhất định và bạn cũng nên setup lại định kỳ. Nếu tiếp tục muốn duy trì bạn có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung để kéo dài tuổi thọ.

Nền phủ

  • Các sản phẩm nền phủ có màu sắc và kích thước hạt khác nhau nên nó trực tiếp ảnh hưởng đến diện mạo của bể.
  • Chú ý sử dụng đúng chủng loại và đủ số lượng cho bể theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo các chức năng ổn định thông số nước hoạt động hiệu quả.
  • Tốt nhất không nên sử dụng lại nền cũ (nếu hoàn cảnh không bắt buộc) bởi nó có thể mang theo các mầm bệnh và chức năng ổn định nước không còn được đảm bảo. Điều đó đồng nghĩa với việc bể của bạn sẽ phải gánh chịu thêm những vấn đề không mong muốn.
  • Nền phủ không cần phải đậm đặc dinh dưỡng bởi với người mới nó có thể gây ra các vấn đề về rêu hại, hãy chú ý nhiều hơn tới chức năng ổn định môi trường nước.
phân nền dinh dưỡng công nghiệp trong bể thủy sinh
Nền phủ trong bể thủy sinh có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nước

Dinh dưỡng bổ sung

Được sử dụng để tăng cường cho dinh dưỡng chính hoặc để tiếp tục nhiệm vụ nuôi sống cây khi dinh dưỡng chính đã cạn kiệt. Trong nhiều trường hợp, vì lý do nào đó không gian bể chứa được quá ít dinh dưỡng chính nên việc chuẩn bị dinh dưỡng bổ sung là cần thiết cho dù bể vẫn trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển.

Đối với những bể đặc thù chỉ trồng các loại cây với nhu cầu dinh dưỡng ít thì hoàn toàn có thể dùng dinh dưỡng bổ sung thay thế cho dinh dưỡng chính (bể không có nền).

Trong nhiều bể thủy sinh có “tuổi đời” cao (từ 3~5 năm) thì một phần lượng thức ăn thừa, phân cá, lá cây mục sẽ trở thành dinh dưỡng bổ sung lý tưởng. Có thể nói vòng tuần hoàn của bể đó đã đạt mức cân bằng nhất định.

Dinh dưỡng dạng lỏng bổ sung vào nước

Chính là các sản phẩm phân nước các bạn thường thấy trên thị trường. Có rất nhiều sản phẩm, chủng loại và thương hiệu khác nhau, các bạn nên tìm hiểu trước một chút để chọn được cho mình một sản phẩm phù hợp về hiệu quả cũng như chi phí.

Ưu điểm lớn của phân nước là có thể dễ dàng thay đổi theo ý thích hoặc tùy theo các giai đoạn phát triển của cây trồng. Ngoài ra phân nước còn giúp người chơi kiểm soát được vấn đề dinh dưỡng trong bể thủy sinh một cách toàn diện hơn.

Nhược điểm của phân nước là đòi hỏi sự chăm chỉ, đều đặn hàng ngày hoặc hàng tuần. Ngoài ra việc thay nước cũng cần được thực hiện sát sao, hợp lý để loại bỏ các thành phần dinh dưỡng thừa, tránh tích tụ theo thời gian từ đó dễ gây nên các vấn đề không mong muốn (đặc biệt là rêu hại).

Dinh dưỡng bổ sung vào nền

Nôm na thì mọi người hay gọi là “phân nhét” do nó sẽ được đưa xuống dưới lớp nền bể thủy sinh để bổ sung dinh dưỡng.

Thật sự các sản phẩm phân nhét không được phong phú như phân nước, từ đó mức độ phổ biến cũng kém hơn. Ngoài ra phần đông người chơi không hướng tới một bố cục bể thủy sinh duy trì trong vài năm nên phân nhét cũng không có nhiều “đất dụng võ”.

Điểm mạnh của phân nhét là dinh dưỡng sẽ được nhả ra từ từ cho rễ cây hấp thụ, không “đi lang thang” trong bể thủy sinh như phân nước (dẫn tới phát sinh một số loại rêu hại). Ngoài ra phân nhét cũng

Điểm trừ của phân nhét là khả năng điều chỉnh liều lượng theo ý thích gần như là không có. Việc thay đổi sang sản phẩm khác cũng hầu như là không thể sau khi phân nhét đã được bổ sung vào nền rồi.

Một số sản phẩm phân nhét có đất sét chiếm tỷ lệ lớn trong thành phần, do đó khi sử dụng các sản phẩm này lâu dài sẽ khiến nền bị bí làm cho rễ cây trở nên khó phát triển cũng như khả năng tích tụ các chất độc hại trong nền sẽ tăng cao.

phân nhét dinh dưỡng cho bể thủy sinh
Các sản phẩm phân nhét giúp một bể thủy sinh duy trì bố cục lâu dài

Cân đối và phối hợp

Đúng như vậy, mỗi loại dinh dưỡng đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau, do đó việc phối hợp được nhiều loại dinh dưỡng khác nhau sẽ mang tới khả năng “điều khiển” cây trồng trong hồ theo ý muốn của người chơi.

Tuy nhiên cái khó nhất vẫn là hiểu và cân đối được mỗi thành phần dinh dưỡng cũng như làm chủ được thời gian, thời điểm bổ sung hợp lý. Hãy đọc thêm những bài viết khác về dinh dưỡng của BOUaqua để nâng cao kiến thức, hiểu biết thêm những điều mới mẻ về chủ đề này nhé.

-BOUaqua-

Để lại bình luận