BOUaqua.com

Từ hardscape tới bể thủy sinh hoàn thiện – phần 3

Trong bể thủy sinh, việc sắp xếp hardscape có ảnh hưởng rất lớn tới độ hoàn thiện của tác phẩm. Với một hardscape tốt mọi vấn đề sẽ trở nên dễ xử lý hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu hardscape “quá tốt” sẽ lại làm nảy sinh nhiều vấn đề khác.

Dưới đây là những tấm ảnh so sánh hardscape và bể thủy sinh hoàn thiện để xem những người chơi khác đã làm gì với bố cục của mình nhé. Hy vọng các bạn sẽ tìm kiếm được nhiều điều thú vị cho riêng mình trong loạt bài này.

Hardscape và bố cục hoàn thiện của bể này rất “đúng bài” thủy sinh tự nhiên. Mỗi nhánh lũa đều ở đúng chỗ và làm tốt nhiệm vụ của mình. Viên đá tiền cảnh tưởng chừng như “kém duyên” nhưng nó lại trở thành điểm nhấn duyên dáng cho bố cục.
Trong hardscape này cả bộ đá và lũa đều được sắp xếp rất cẩn thận để các chi tiết đẹp không bị che khuất và hạn chế tối đa chi tiết thừa không cần thiết.
Không cần bàn cãi thêm về độ quan trọng của hardscape trong bố cục núi đá này. Tuy nhiên, vì hardscape được sắp xếp rất kỹ và bài bản (theo dạng tiểu cảnh) nên việc vào cây lại trở nên khó khăn khi phải giữ được những nét đẹp của đá cũng như không làm giảm nhiều sự hùng vĩ của hardscape.
200x80x90cm. 2 khối lũa lớn (có vẻ như nguyên bản) là linh hồn của hardscape này. Với việc tôn trọng những món quà từ tự nhiên thì việc gắn cây lên hardscape và hạn chế tác động đến chúng sẽ là điều tuyệt vời nhất.
Một bể với bố cục đá rất nổi tiếng của Filipe Oliveira. Hardscape đã tận dụng được những rãnh đá song song với nhau để thể hiện nét độc đáo cho bố cục. Màu xanh của cây trồng sẽ là tấm nền tuyệt vời nhất để làm nổi bật các chi tiết đá đẹp.
Một hardscape dạng đảo dễ tiếp cận đối với nhiều người chơi. Trong trường hợp này các bạn cần chú ý một chút khoảng cách từ hardscape tới mặt kính sau của hồ nếu có ý định trồng cây cắt cắm ở hậu cảnh làm nền.
Các bạn hãy để ý bộ đá này được sắp xếp theo một trục nghiêng đồng nhất. Các rãnh trên đá sẽ trở thành chìa khóa quyết định độ nghiêng của viên đá so với độ nghiêng chung của bố cục. Tiền cảnh với cát trắng là một sự lựa chọn tuyệt vời để bố cục trở nên thông thoáng và không quá tẻ nhạt.
Những viên đá tiền cảnh với vân thớ đẹp đã được tác giả đặt đúng chỗ trong hardscape này. Những viên còn lại làm nhiệm vụ hỗ trợ nên không cần thiết phải đồng nhất, chúng sẽ bị cây trồng che đi. Bộ lũa có phát huy được vai trò hay không chúng ta chỉ có thể đánh giá khi cây trồng đã vào phom.
Một bố cục đá nhỏ nhắn đáng yêu, sẽ tuyệt vời hơn nếu kết hợp với thảm nền trân châu để giúp tôn lên vẻ hùng vĩ của đá. Tuy nhiên, với các loại cây trồng lớn khác được lựa chọn thì có lẽ tác giả Filipe Oliveira đã có ý đồ khác chăng?
Kết hợp đá và lũa luôn là bài toán khó. Giải pháp an toàn nhất là một hardscape dạng “lũa ôm đá”. Theo đó việc lựa chọn lũa sẽ phải rất cẩn thận để những đường cong ăn khớp với bộ đá.

Nguồn: https://www.facebook.com/…

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại bình luận