Chắc có đôi lần bạn gặp phải tình huống cắt tỉa xong thấy bể thủy sinh của mình có vẻ “kém đẹp” hoặc có gì đó “sai sai” đúng không? Vậy bạn hãy đọc ngay bài viết này để tìm cho mình một câu trả lời nhé.
BOUaqua xin được đăng lại nguyên văn nội dung của tác giả Anh Bui:
Khi bể đạt tới độ trưởng thành nhất định thì lúc đó chúng ta cần thay đổi việc kiểm soát sự phát triển, đồng thời duy trì bố cục sao cho sát nhất với tính toán ban đầu. Bạn có thể thay đổi theo thời gian loại cây và vị trí trồng để tạo sự tươi mới cho bể chơi. Nhưng lời khuyên tốt nhất là hãy cố gắng tôn trọng, bám sát ý tưởng ban đầu, sau khi đã hoàn thành sắp đặt bố cục. Cắt tỉa cây về cơ bản chúng ta cần ít nhất:
– Một kéo lớn cắt chính cho các vị trí tiền, trung và hậu cảnh.
– Một kéo nhỏ để tỉa chi tiết để hoàn thiện bố cục sau cắt tỉa.
– Một khay đựng cây tiện cho việc sắp xếp và trồng lại bể nếu cần.
– Một bình xịt phun sương để giữ ẩm cho cây.
Trước khi tỉa cây, hãy chụp lại trạng thái bể để làm hai việc đó là tính toán phương án tỉa cây, và so sánh sức khoẻ của bể theo các giai đoạn. Khi lên phương án cắt tỉa, hãy tôn trọng bố cục, thứ được chính các bạn dựng lên. Và dùng công cụ chỉnh sửa ảnh để thử vạch ra các đường nét cắt chính. Nếu gặp khó trong việc hình dung, hãy bật chế độ lưới chụp hình để tiện cho việc thực hiện. Đừng lo lắng nếu bạn chưa quen, dần dà theo thời gian, các bạn sẽ nhuần nhuyễn với cách hình dung trong đầu mà không cần hỗ trợ bằng hình.
Như đã nói, hãy tôn trọng bố cục, khi thực hiện cắt tỉa hãy cố gắng quan sát và so sánh sự thay đổi sau từng đường cắt. Hãy cố gắng tạo chiều sâu cho bể nhất có thể ví dụ như cắt theo đường cong, chéo, hay cao sau thấp trước. Bấm tỉa các chi tiết thừa thãi nhằm cân bằng bố cục.
Trong trường hợp phần gốc lộ ra quá xấu hoặc quá yếu, đừng ngại loại bỏ nó, rồi cắm lại bằng những đoạn hay cây mới khoẻ hơn.
Sau khi cắt tỉa, hãy loại bỏ những phần thân bằng tay hay dùng vợt. Với các đoạn cắt bé hơn hay lá cây, ta có thể dùng lọc váng để thu hồi.
Hãy tận dụng vệ sinh sạch sẽ bể để tránh phát sinh các vấn đề về rêu hại và đục nước gây mất thẩm mỹ.
Đừng quên sau khi vệ sinh và đổ nước lại vào bể, hãy sử dụng các chất phụ gia phòng chống bệnh và stress cho cây như ADA green gain plus hay Seachem flourish advanced.
Cuối cùng hãy dừng lại, ngồi ngắm và tận hưởng thành quả của bạn. Và đừng quên cái lôi cuốn và “gây mê” chúng ta đó là quá trình tạo nên thành quả. Thành quả chỉ đạt được khi chúng ta thật sự đầu tư về thời gian cho bể, về tri thức, sự kiên nhẫn và cả tài chính.
Chúc các bạn may mắn!








Nguồn: https://www.facebook.com/…