Chúng ta chắc hẳn ít nhiều đã nghe nói đến thủy sinh phong cách Hà Lan với sự xuất hiện của rất nhiều các loại cây rực rỡ sắc màu được chăm sóc cẩn thận với từng khóm, cụm được quy hoạch rõ ràng. Tuy nhiên, để theo được những niêm luật chặt chẽ của trường phái Hà Lan chính tông thì không phải ai cũng có thể làm được, và việc kết hợp phong cách Hà Lan với phong cách tự nhiên cũng không hẳn là mới. Với Hà Lan, bạn có sắc màu, với tự nhiên, bạn có sự mềm mại. Thành viên diễn đàn UKAPS.org – wearsbunnyslippers đã hiện thực hóa sự kết hợp đó trong một bể thủy sinh 60cm của mình.
Tác giả sử dụng đá để ngăn phân nền lẫn sang cát, đây là phong cách thường thấy ở các bể của ADA. Những viên đá buộc rêu xếp phía sau vừa để tạo tiền cảnh che chân cây cắt cắm phía sau vừa để gia cố thêm cho hàng đá. Sẽ chắc chắn hơn nếu giữa chân các viên đá, phía trong tác giả có sử dụng đá vụn để đảm bảo không có viên phân nền nào có thể “đi lạc”. Những viên đá tác giả chọn có vẻ hơn đồng đều, một điểm trừ nho nhỏ cho tác phẩm.
Có thể thấy tác giả rất thích màu sắc, cây trồng chủ yếu là cắt cắm với phần đất canh tác lớn. Tuy không được quy hoạch thành khóm cụm rõ ràng như phong cách Hà Lan nhưng chúng ta có thể thấy không có yếu tố rời rạc giữa các loại cây cùng loài, cùng màu sắc. Sỏi lớn được trải gần chân đá, sát mặt kính là cát mịn, một điểm cộng cho bố cục dạng “bờ kè ven biển” thế này.
Một tuần là khoảng thời gian đủ dài để cây cắt cắm trở nên tươi tỉnh và bắt đầu phát triển mạnh. Một số cây màu đỏ ở góc đã chuyển dần sang cam, có thể là do đèn led chăng?
Điều gì phải đến rồi cũng sẽ đến, bể đã tràn ngập rêu tóc, có lẽ đó là hậu quả của một khoảng thời gian thiếu vắng bàn tay chăm sóc của tác giả. Với những bể mới, còn đang trong giai đoạn ổn định thì việc xuất hiện rêu hại là điều vô cùng bình thường, nếu không vượt qua được trở ngại này, bạn sẽ khó có được một tác phẩm đẹp.
Với mức độ rêu tóc dày như thế thì việc loại bỏ bằng tay trở nên khá dễ dàng. Vì hầu hết trong bể đều là cây cắt cắm, khả năng bám rễ sâu nên khi loại bỏ rêu tóc bằng tay sẽ không làm cây bật rễ. Các bạn chú ý loại bỏ từng cụm rêu nhỏ, không nên xử lý cả một đám rêu tóc lớn bằng tay sẽ gây dập nát thân cây, tạo tiền đề không tốt cho sự phát triển về sau. Bên cạnh đó thì việc cắt tỉa bớt các phần cây bị rêu bám dày cũng là điều nên làm.
Bể đang dần lấy lại phong độ trong hai tuần sau đó. Bố cục bể có hậu cảnh rậm rạp thế này sẽ cản trở việc xử lý rêu hại trên mặt kính nhưng bù lại việc dọn rêu ở mặt kính trước lại rất đơn giản vì tiền cảnh chỉ có một lớp cát mỏng. Với một bể trồng cắt cắm theo hơi hướng Hà Lan thế này thì việc cắt tỉa là rất quan trọng, nó giúp các tán cây không chồng chéo lên nhau, tất cả đều được nhận đủ lượng ánh sáng từ đèn. Bằng việc loại bỏ đi thảm nền như phong cách tự nhiên của ADA thì tác giả sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc cây cắt cắm của mình.
Các bạn hãy chú ý cách tác giả cắt tỉa cây dốc dần từ phía sau về trước, từ hai hóc sau về vị trí giữa bể. Điều này giúp cho cây trồng khi phát triển trở lại sẽ không che khuất nhau, cây sau cao hơn cây trước – một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của bể thủy sinh.
Thêm một tháng nữa trôi qua, bể đã đi vào ổn định, cây trồng phát triển mạnh, đám rêu tiền cảnh đã bắt đầu lộ diện. Khi chụp lên ảnh, chân cây cắt cắm phía trước tiền cảnh bể sẽ tối và không cần thiết phải che đi, tuy nhiên khi nhìn bể trực tiếp ta sẽ thấy rõ điểm này, vậy nên việc trồng cây thấp hoặc rêu ở vị trí này vẫn là điều cần thiết.
Ngoài kỹ năng chăm trồng các loại cây cắt cắm thì việc sắp xếp bố cục cho bể này rất đơn giản, các bạn đều có thể làm được. Chúc các bạn có những bể thủy sinh thật đẹp cho mùa thu này.
Nguồn: http://www.ukaps.org/…