BOUaqua.com

Bể thủy sinh của bạn có độn nền không?

Độn nền bể thủy sinh là việc đưa các chất không chứa dinh dưỡng (nham thạch, gạch, đá, sỏi, cát, xốp mút…) xuống dưới lớp nền, nhằm tăng độ dày của nền với nhiều mục đích khác nhau. Vậy lúc nào thì cần độn nền và việc bạn độn nền có thực sự cần thiết?

Độn nền có tác dụng gì?

Trong bể thủy sinh, việc tăng độ dày của nền phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau của người chơi nhưng chủ yếu nhất vẫn là tạo bố cục. Có những bố cục bể thủy sinh cần độ dốc tương đối lớn, như vậy nền phía sau cần có độ cao lớn hơn nền phía trước rất nhiều. Nếu chỉ sử dụng phân nền để đổ cao lên thì sẽ tốn chi phí và có khi là không nhất thiết, việc độn nền thủy sinh ra đời để khắc phục vấn đề ấy – thay thế lớp nền phía dưới đáy bằng những vật chất khác có chi phí thấp hơn. Đôi khi bạn cũng phải độn nền vì viền thủy của bể kính quá dày, độn nền vì muốn cho rễ cây thoáng khí hay độn nền chỉ đơn giản để giảm tổng chi phí cho bể. Tuy nhiên không phải độn nền trong tất cả những trường hợp trên là việc làm đúng đắn.

Sử dụng vật liệu gì để độn nền?

Loại vật liệu có mặt nhiều nhất trong các tư vấn về độn nền là nham thạch, đơn giản vì đây là loại vật liệu nhẹ (không làm tăng trọng lượng nền tác động lên đáy bể), có nhiều khoang rỗng (tăng thêm không gian cho vi sinh vật cư trú) và chi phí khá rẻ. Có nhiều người cũng độn nền bằng gạch xây dựng, điển hình là gạch 4 lỗ và 6 lỗ, đây là loại vật liệu nguồn gốc tự nhiên (đất sét) và kiên cố (hầu như không làm sụt lún nền khi vào nước). Ngoài ra còn có cát, sỏi và xốp (thường hay được người chơi nước ngoài sử dụng) vì độ dễ kiếm và chi phí có khi bằng 0.

nham thạch độn nền bể thủy sinh
Nham thạch là vật liệu độn nền được ưa thích

Khi nào thì độn nền?

Khi nền bể thủy sinh của bạn nhìn quá mỏng và cây trong hồ là loài có nhu cầu dinh dưỡng thấp. Đây là lý do duy nhất mà bouaqua thấy thuyết phục. Tất cả những trường hợp độn nền khác đều phải gắn liền với yếu tố này. Những loài cây có nhu cầu dinh dưỡng thấp hoàn toàn có thể sử dụng dinh dưỡng trong nước thay thế dinh dưỡng nền. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường khó khăn thì việc đầu tư quá nhiều chi phí cho một bộ nền bể thủy sinh để nuôi dàn cây trồng dễ tính có vẻ như là một sự lãng phí lớn. Không ai phủ nhận tác dụng của lớp nền nhưng nếu có thể cắt giảm mà vẫn duy trì được vẻ đẹp của cây ở mức khá thì cũng đáng đánh đổi lắm chứ.

Nếu bạn nghĩ độn nền trong mọi trường hợp để giảm chi phí là khôn ngoan thì thật sai lầm. Nền đối với cây thủy sinh cũng như nước đối với cơ thể con người. Nếu nhốt bạn vào một nơi nào đó với 1 bình nước 20L, bạn có thể tồn tại được cả tháng, nhưng nếu chỉ có 1L nước thôi thì có lẽ bạn chỉ cầm cự được vài ngày. Cây thủy sinh cũng vậy, việc bạn cắt giảm dinh dưỡng (nhất là đối với các loài cắt cắm) thật là một hành động ích kỷ chỉ để giảm chi phí chung. Hậu quả là hồ của bạn đang sung sức, xanh tươi mơn mởn thì chững lại vì hết dinh dưỡng nền, dinh dưỡng nước cho dù được bổ sung cũng khó có thể giúp hồ của bạn hừng hực khí thế để phát triển với tốc độ như ban đầu. Tất nhiên là bạn sẽ vẫn hài lòng với điều này nếu bạn đều đặn làm lại nền hồ (làm lại bố cục) 2 tháng 1 lần.

Độn nền để cho rễ cây thông thoáng cũng không hẳn là một ý kiến đúng đắn. Rễ cây có nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng và nếu được bò trong một lớp độn nền dày không có dinh dưỡng thì có lẽ cũng chẳng sung sướng hơn là mấy. Rễ cây chỉ thực sự cảm thấy thông thoáng khi bạn trộn đều chất độn nền vào nền hồ (nhưng điều này sẽ gây bất tiện mỗi khi bạn muốn làm lại nền hồ)

Độn nền để tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển – đúng mà không đúng. Nếu bạn không tìm cách cung cấp oxi xuống dưới lớp nền độn đó thì môi trường sẽ trở thành yếm khí, lúc này các vi sinh vật hiếu khí (đòi hỏi môi trường nhiều oxi) sẽ không thể phát triển, thay vào đó là cơ hội cho các vi sinh vật yếm khí (hay còn gọi là kỵ khí). Nhưng loài yếm khí này cũng không thể phát triển một cách bùng nổ khắp lớp vật liệu độn nền vì ngoài chỗ ở chúng còn cần thức ăn, mà thức ăn thì chỉ dồi dào phía trên mặt nền mà thôi.

Hiện nay hầu hết người chơi thủy sinh lựa chọn nền công nghiệp. Đặc điểm của các sản phẩm này là hạt nền tròn, từ đó tạo ra được khoảng trống cần thiết để rễ cây thủy sinh phát triển một cách thoải mái. Vậy là việc độn nền để cây dễ dàng đâm rễ hơn dần trở nên thừa thãi. Độn nền bể thủy sinh để giảm giá thành chỉ là bắt buộc trong một số tình huống bất khả kháng, nếu còn cố gắng được, hãy dành cho cây một bộ nền dồi dào dưỡng chất, tác phẩm sẽ ở lại với các bạn lâu hơn thay vì liên tục đào lên lật xuống để thay đổi.

-bouaqua-

Để lại bình luận