BOUaqua.com

Đặt bể thủy sinh trong nhà có trẻ nhỏ

Hôm nay 20/11 – ngày nhà giáo Việt Nam, bouaqua xin chúc các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc thêm sức khỏe và tâm huyết để tiếp tục công cuộc trồng người cao quý. Như mọi ngày, hôm nay bouaqua vẫn sẽ viết bài về thủy sinh, và chủ đề cũng có liên quan chút xíu tới nghề giáo, đó là trẻ nhỏ. Chúng ta cùng tìm hiểu việc đặt bể thủy sinh trong nhà có trẻ nhỏ thì cần tránh điều gì và chú ý điều gì.

Lợi ích của bể thủy sinh đối với trẻ nhỏ

Những đứa trẻ, nhất là trẻ thành phố hiện nay ít có cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên, có chăng chỉ là qua phim ảnh, thực tế hơn là đi chơi sở thú, thảo cầm viên, đi dã ngoại. Như vậy không phải lúc nào trẻ cũng được tiếp xúc trực tiếp với các loài thực vật, với thiên nhiên đang sinh sôi nảy nở quanh ta từng ngày, từng giờ. Chương trình học của trẻ hiện nay sau nhiều lần cải cách vẫn còn dày đặc, chiếm hầu hết thời gian trong ngày nên việc đi ra ngoài để khám phá thiên nhiên gần như là không thể.

Bể thủy sinh là hình thức đưa thiên nhiên vào nhà một cách đơn giản nhất. Con trẻ có thể quan sát được các loài cây thủy sinh lớn lên, hình thái dưới nước ra sao, hình thái trên cạn như thế nào. Ngoài ra còn sự sinh sôi phát triển của các loài cá, từ giai đoạn cá con cho tới khi sinh sản, các loài tép, ốc…

Các bạn có thể thấy con mình hãnh diện như thế nào khi thuyết minh cho các bạn cùng trang lứa về bể thủy sinh, bé sẽ rất thích thú khi khám phá thiên nhiên trong bể và tự hào khi bạn bè chưa biết tới những điều mình hàng ngày được thấy. Từ đó trẻ sẽ biết cách yêu quý thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường.

trẻ nhỏ bên bể thủy sinh
Trẻ em dễ bị hấp dẫn bởi bể thủy sinh

Chú ý một số nguy hiểm đối với trẻ nhỏ khi tiếp xúc bể thủy sinh

– Trẻ nhỏ đang ở tuổi hiếu động, thích khám phá, chưa đủ hiểu biết để phân biệt được các điều nên và không nên làm cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bể thủy sinh khi không có sự kiểm soát của người lớn. Trẻ thường hay đu, bám lên thành bể, sử dụng đồ vật đập, ném vào kính bể hoặc thả vào nước bể.

– Lớn hơn một chút, trẻ đã biết ý thức về các lời dạy bảo, dặn dò của bố mẹ, tuy nhiên bản tính tò mò, thích khám phá vẫn có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là tiếp xúc với hệ thống điện của bể thủy sinh. Bên cạnh đó trẻ có thể nghịch vào các phụ kiện thủy sinh gây đổ vỡ hoặc ăn, uống các dung dịch dinh dưỡng, hóa chất.

– Đôi mắt của trẻ dưới 8 tuổi vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nên cần chú ý hệ thống ánh sáng của bể có thể chiếu trực tiếp vào mắt trẻ đứng gần bể. Đặc biệt thời gian gần đây có sự xuất hiện của các loại đèn led với ánh sáng rất mạnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với đôi mắt non nớt của trẻ.

đảm bảo an toàn cho trẻ chơi bể thủy sinh
Đừng vì bất cẩn mà để con trẻ tắt nụ cười

Những điều cần làm khi đặt bể thủy sinh trong nhà có trẻ nhỏ

– Hệ thống chân tủ bể phải chắc chắn, nếu có thể nên chọn loại chân tủ gỗ có khóa để đảm bảo trẻ không thể tiếp xúc với các thiết bị phụ kiện thủy sinh, các loại thức ăn, hóa chất, dinh dưỡng phục vụ cho bể.

– Kính bể phải được tính toán lớn hơn độ dày thông thường để đảm bảo tính chịu lực. Với bể có chiều dài lớn nên bổ sung kiềng bể. Chiều dài của bể lớn nhất chỉ nên là 120cm.

– Bể phải được kê chắc chắn trên chân tủ bằng phẳng. Giữa bể và chân bể phải có lớp lót mềm chịu lực và hấp thụ chấn động. Khi kê bể không bằng phẳng có thể dẫn tới xé kính (kính bị vặn, nứt vỡ thành vệt dài).

– Vị trí kê bể cần hạn chế tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các cạnh bên và mặt sau của bể. Ở các cạnh, các góc nhọn của bể nếu cần có thể dán lớp mút xốp mỏng để tránh cho trẻ bị thương khi không may va đập.

– Hệ thống chiếu sáng của bể phải đảm bảo không bị lọt sáng ra môi trường xung quanh quá nhiều. Nếu hồ có kiềng và viền thủy thì cần tránh để mực nước nằm dưới mép của viền thủy sẽ khiến ánh sáng đèn bị lọt ra ngoài (trường hợp đèn được gác trên kiềng hồ). Nên tránh sử dụng các loại đèn led vì cường độ chiếu sáng mạnh, người lớn cũng có thể bị tổn thương giác mạc khi nhìn trực tiếp vào nguồn sáng.

– Dạy trẻ không được tác động lên bể thủy sinh dưới bất kỳ hình thức nào, nhắc nhở trẻ giữ khoảng cách đối với bể thủy sinh. Đặc biệt là không được để trẻ chơi một mình với bể thủy sinh.

– Hạn chế sử dụng bình CO2, trường hợp bị giò rỉ khí thì trẻ sẽ tiếp xúc với CO2 sớm hơn người lớn (khí CO2 nặng hơn không khí khoảng 1,5 lần) vì khí có xu hướng đọng lại ở mặt đất chứ không bốc lên cao.

Trên đây là một số điều bouaqua đã đúc rút từ trong thực tế, hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho các bậc phụ huynh, cho các bạn sắp là cha mẹ. Hãy dung hòa thú chơi tao nhã và sự an toàn cho trẻ nhỏ.

-bouaqua-

Để lại bình luận