Một bài viết của tác giả vnreddevil (diendancacanh.com) với những kiến thức quý báu mà bouaqua muốn giới thiệu tới các độc giả. Do bài viết hơi dài, bouaqua xin phép được biên tập lại chút đỉnh để các bạn tiện theo dõi.
Cây thủy sinh cần chất hữu cơ và chất khoáng để duy trì sự tăng trưởng và sức khỏe nói chung. Hầu hết các chất dinh dưỡng này chỉ cần thiết ở một lượng cực nhỏ nhưng nếu thiếu chúng, những chức năng sinh học sống còn không thể hoạt động một cách hữu hiệu. Chất dinh dưỡng được coi như là “thức ăn” của cây; mà nếu chúng không thích hợp, những vấn đề về sức khỏe sẽ nảy sinh và cây sẽ “đổ bệnh”. Số lượng chất dinh dưỡng cần thiết đối với mọi loài cây là rất lớn và có thể được cung cấp bằng nhiều cách khác nhau. Tìm hiểu công dụng của một loạt dưỡng chất, mức độ sẵn có của chúng trong hồ thủy sinh và đánh giá tầm quan trọng của chúng là cách thức xây dựng một “danh sách mua sắm” những loại phân bón thích hợp.
Đa lượng và vi lượng
Dưỡng chất thường được phân thành đa lượng và vi lượng tùy thuộc và mức độ tiêu thụ của cây. Đa lượng (macronutrients) là những chất được tiêu thụ với số lượng lớn như can-xi, cac-bon, hy-dro, ma-nhê, ni-tơ, ô-xy, phốt-pho, lưu huỳnh và kali. Vi lượng (micronutrients) là những chất được tiêu thụ chỉ với số lượng rất nhỏ và thường được gọi là nguyên tố vi lượng. Chất vi lượng bao gồm bo, đồng, măng-gan, molyp-đen, clor, nic-ken, sắt và kẽm. Cả đa lượng lẫn vi lượng đều quan trọng như nhau đối với sức khỏe chung của cây thủy sinh.
Nước máy
Mặc dù nước máy là nguồn cung cấp chất vi lượng tốt, chất lượng của nó cũng thay đổi rất nhiều tùy vào mỗi vùng.
Dưỡng chất khác
Khi bạn lựa chọn chất dinh dưỡng, nên nhớ rằng một số loại phân bón bao gồm những chất vi lượng không thích hợp đối với cây thủy sinh và không nên dùng. Một số cây trên cạn có thể dùng những chất vi lượng này cho các chức năng vốn không hiện diện ở cây thủy sinh, chẳng hạn như hấp thu ni-tơ (từ không khí). Những chất như vậy gồm na-tri, silic, i-ốt và cô-ban. Cây thủy sinh không cần những chất này.
Nguồn nước máy biến thiên về độ cứng, độ a-xít và lượng kim loại và nên được kiểm tra trước khi sử dụng cho hồ thủy sinh. Nước cứng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn, và việc thay nước định kỳ với số lượng nhỏ sẽ duy trì dưỡng chất ở mức độ đầy đủ đối với hầu hết cây thủy sinh. Việc sử dụng nước máy phải dựa vào đặc tính của cây thủy sinh và chúng là loài nước cứng hay nước mềm. Trong bất cứ trường hợp nào, tốt nhất nên sử dụng nước máy (hơn là nước mưa hay lọc thẩm thấu ngược) vì ít ra nó phần nào là nguồn cung cấp dưỡng chất cho hồ thủy sinh.
Cây nước cứng và cây nước mềm
Tùy vào địa bàn phân bố của loài thủy sinh ngoài tự nhiên, mà chúng thích nghi với lượng dưỡng chất ở vùng đó. Yếu tố chính ảnh hưởng đến lượng dưỡng chất là độ cứng, không nên nhầm với độ pH và độ a-xít/độ kiềm. Cây thủy sinh ở vùng nước cứng cần nhiều can-xi, ma-nhê và kali hơn cây thủy sinh nước mềm, bởi vì những chất này có nhiều trong nước cứng. Mặt khác, cây nước mềm thích nghi tốt với nước có nồng độ các chất này thấp và không cần quá nhiều. Một số dưỡng chất, bao gồm nhiều loại vi lượng, không hiện diện trong nước cứng bởi vì chúng thường hiện diện dưới dạng ô-xít kim loại và không có tác dụng như là dưỡng chất. Trong trường hợp này, cây thủy sinh nước cứng trong hồ sẽ cần những chất này ít hơn bởi vì cây thích nghi tối đa với nhu cầu về chúng.
Nhìn chung, đa số cây thủy sinh xuất xứ từ vùng nước mềm, vì vậy hầu hết người chơi thủy sinh cố tạo môi trường nước mềm cho cây thủy sinh để đảm bảo rằng chúng được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, cây nước mềm có thể trồng trong nước cứng nếu bạn đều đặn cung cấp CO2, dưỡng chất duy nhất có thể thiếu ở cây nước mềm. Trồng cây nước cứng trong nước mềm khó khăn hơn nhiều, vì vậy nếu bạn trồng chung cây nước cứng với cây nước mềm thì cách tốt nhất nên hỗ trợ CO2 cho nguồn nước cứng ở mức độ trung bình. Trong môi trường hỗn hợp này, đa số cây vẫn phát triển tốt.
Dị hợp chất
Nguồn dinh dưỡng
Trong hồ thủy sinh, dưỡng chất có thể được cung cấp cho cây từ nhiều nguồn. Bởi vì cây hấp thu dưỡng chất qua cả lá lẫn rễ nên dưỡng chất phải hiện diện ở nền đáy và trong nước.
Vi lượng, hay chất vi lượng chỉ được tiêu thụ với lượng rất nhỏ và thường có sẵn trong hầu hết nguồn nước máy. Tuy nhiên, một số có thể nhanh chóng kết hợp với những nguyên tố khác thành các phân tử lớn hơn khiến cây không thể hấp thu được. Chúng cũng phần nào nên được cung cấp ở nền đáy hay bằng phân nước.
Khác biệt chính giữa phân nước và phân nền đó là phân nước cần được cung cấp hàng tuần hay mỗi hai tuần, trong khi phân nền thường tồn tại lâu hơn. Nền đáy của hồ thủy sinh có chức năng “dự trữ” các chất dinh dưỡng. Lượng ô-xy thấp và sự cố định của một đáy nền lèn chặt sẽ ngăn cản dưỡng chất bị trôi, ô-xy hóa, tác động với cac-bon hay bất kỳ phản ứng nào không có lợi đối với cây. Hơn nữa, sự dồi dào chất hữu cơ trong hầu hết nền đáy sẽ khiến dị hợp chất (chelated nutrients) kết hợp với dưỡng chất, khiến tạo ra lượng lớn dưỡng chất dự trữ, trong khi chỉ một lượng nhỏ dưỡng chất tan ra một cách từ từ. Phân nền được trộn từ nhiều dưỡng chất riêng rẽ hay sử dụng phân viên.
Thức ăn của cá
Những sinh vật bậc cao hơn cũng được cấu thành bởi các nguyên tố cơ bản tương tự. Do vậy mà thức ăn của cá, vốn được sản xuất dựa trên nguồn gốc động vật (thường là cá trong trường hợp thức ăn khô, chẳng hạn như tấm, viên, hay thỏi), bao gồm tất cả chất dinh dưỡng mà cá cũng như cây cần đến. Hầu hết những nguyên tố như vậy được cá thải ra và trở thành chất dinh dưỡng có ích cho cây. Nhiều loại thức ăn cá đặc biệt giàu phốt-phát và kali, và trong một hồ thủy sinh được chăm sóc tốt, có thể cung cấp đủ loại dưỡng chất này cho hầu hết cây cối. Tuy nhiên, đừng cố cho cá ăn quá nhiều vì thức ăn thừa, hư thối sẽ gây ra một số vấn đề cho hồ thủy sinh.
Nền đa dưỡng (rich-nutrient substrate)
Các chất phụ gia giàu dưỡng chất luôn sẵn có và thường được dùng làm nền đáy hay được trộn chung với chất nghèo dinh dưỡng. Nền thường chứa nhiều loại dưỡng chất cần thiết cho cây và không có sẵn ở các nguồn khác (nước máy, quá trình tự nhiên…). Trong một hồ đã thiết lập, phần lớn các chất này được nhả dần dần trong một thời gian dài, điều khiến nền đa dưỡng là giải pháp bón phân lý tưởng và lâu dài. Hầu hết nền đa dưỡng chỉ mất chất sau từ hai đến ba năm. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên thay một lượng nước nhỏ và để chất thải tích tụ trên nền đáy, nó sẽ trở thành bể lắng tự nhiên và từ từ nhả chất dinh dưỡng một cách liên tục. Nên thường xuyên thay một lượng nước nhỏ và châm đủ phân sắt để tái nạp cho nền đã thiết lập với phụ gia giàu dưỡng chất.
Nền đất trồng cây (soil-based substrate)
Mặc dù bạn phải để ý khi dùng loại nền đất trồng cây, tuy nhiên đúng là đất trồng cây chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng – hơn các phương pháp bón phân khác rất nhiều. Ngoài cac-bon, clor, hy-dro, nic-ken và ô-xy, đất trồng cây sẽ cung cấp những dưỡng chất cần thiết khác cho cây trong nhiều năm trời. Bởi vì hy-dro, clor, nic-ken và ô-xy đã có sẵn trong nước, hoàn toàn có thể chỉ sử dụng đất trồng cây và CO2 như là một giải pháp bón phân toàn phần. Trong 6-12 tháng đầu tiên, cac-bon được phát sinh dưới dạng CO2 đủ nhiều để không cần quan tâm đến việc cung cấp CO2.
Phân nước
Có nhiều loại phân nước “trộn sẵn” dành cho cây thủy sinh nhưng nên tránh sử dụng quá liều khiến tảo phát triển và gây nhiễm độc kim loại. Nói chung, hàng nào của nấy, một số loại phân nước đặc biệt hơn có tác dụng tốt hơn rất nhiều và bao gồm một lượng dưỡng chất cần thiết vừa đủ, không có quá nhiều hay quá ít một số nguyên tố nào đó.
Phân nước đặc biệt hiệu quả trong việc cung cấp dị hợp chất của sắt cho hồ thủy sinh. Mặc dù sắt là chất vi lượng và chỉ cần một lượng rất nhỏ, hồ thường thiếu chất này trừ phi được cung cấp dưới dạng dị hợp chất mà chúng tan ra từ từ trong một thời gian dài. Nhiều dưỡng chất trong phân nước trở nên vô tác dụng sau một thời gian ngắn, thường là do kết hợp với những nguyên tố khác hay bị ô-xy hóa. Vì lý do này, cần bón cho hồ một cách thường xuyên, thường là hàng tuần hay mỗi hai tuần.
Phân viên
Phân viên cung cấp dưỡng chất một cách cục bộ. Chúng là dạng phụ gia giàu dưỡng chất và đặc biệt nhiều sắt. Một số loài cây phát triển nhanh cần rất nhiều sắt, và việc cung cấp chất phụ gia ngay tại gốc sẽ giúp phòng tránh bệnh thiếu sắt. Bệnh thiếu sắt ở những cây khác, vốn không thể cạnh tranh tiêu thụ chất sắt, cũng sẽ giảm hay tránh được. Đừng sử dụng phân viên để bón hay cung cấp chất sắt cho “toàn bộ hồ” mà chỉ nên sử dụng như là chất phụ gia cho từng cây riêng biệt. Phân viên không cần thiết, dù chỉ dùng cục bộ, một khi sử dụng nền đất trồng cây.
CO2
Trong hầu hết hồ thủy sinh, CO2 cần thiết cho sức khỏe của cây và thường là yếu tố giới hạn sự tăng trưởng chung. Nếu lượng CO2 không đủ, cây không thể quang hợp một cách hiệu quả và do đó không thể tạo ra đủ năng lượng cần thiết để thực hiện các chức năng sinh lý cơ bản. Có nhiều cách để cung cấp CO2 cho hồ thủy sinh. Nó phát sinh một cách tự nhiên từ cá và sự hô hấp của cây, nhưng chủ yếu là từ vi khuẩn khi chúng phân hủy chất hữu cơ. Nhiều nền đất trồng cây và nền đã vận hành sẽ tiếp tục tạo ra CO2, mà chúng được cây sử dụng. Tuy nhiên, khối lượng tạo ra bởi các quá trình này nhỏ và không đủ cho hồ mật độ cao. Đấy là lý do tại sao việc bổ sung là cần thiết. Hơn nữa, sự trao đổi nước/không khí trong hồ liên tục nhả một lượng lớn CO2 vào không khí nên cũng cần được bổ sung.
Bởi vì CO2 là chất khí, không thể cung cấp chúng cho hồ thủy sinh theo cách thông thường như phân nước và phân nền. Có hàng loạt dụng cụ được thết kế để cung cấp CO2 cho hồ mà người chơi thủy sinh có thể lựa chọn và bao gồm việc sử dụng viên nén nhả CO2 từ từ, lọ phản ứng hóa học nhả khí từ từ và bình khí nén CO2 mà chúng có thể được điều chỉnh và thiết lập chế độ hoạt động nhờ bộ định thời. Tất cả những hệ thống này nhả khí CO2 trực tiếp vào nước hồ. Mục đích là để duy trì sự hòa tan của khí trong nước đủ lâu để cây có thể hấp thu.