BOUaqua.com

Dinh dưỡng thừa trong hồ thủy sinh

Tiếp nối bài viết về ngâm nền hồ thủy sinh, hôm nay bouaqua xin được viết thêm về một nhánh của vấn đề xoay quanh lượng dinh dường thừa trong hồ thủy sinh. Hy vọng sẽ giúp đỡ được phần nào cho các bạn mới bước chân vào thú vui tao nhã này.

Dinh dưỡng thừa trong hồ thủy sinh do đâu mà có?

Tất nhiên là do nền còn mới nhả nhiều dinh dưỡng rồi! Tuy nhiên còn một “nguồn cung” khác, đó là từ xác thực vật, động vật chết. Cây thủy sinh khi mới trồng vào hồ hoàn toàn có thể bị chết, không nên nghĩ rằng đã ngâm nền rồi thì cây chắc chắn sẽ sống. Có thể vì bộ rễ cây bị dập nát trong quá trình trồng, có thể vì cây của bạn đang chết từ lúc mua về (xin về), có thể cây ra lá nước và lá cũ bị thối, phân hủy mà không được đưa ra khỏi hồ sớm. Động vật thả vào hồ có thể chết vì các lý do như sốc nước (thả cá không đúng cách), mắc vào đầu hút của lọc (lọc quá mạnh), đã yếu sẵn khi bạn mua về (xin về) và cuối cùng là vì một quan niệm: cứ để nó chết rồi phân hủy ra đó làm thức ăn cho hệ vi sinh. Điều đó đúng nếu hệ vi sinh đủ mạnh và sai nếu số lượng vi sinh của bạn chưa thấm vào đâu, chúng chưa gánh nổi quá nhiều nhiệm vụ (xem thêm về tác dụng của lọc phụ).

Vậy là cho dù đã ngâm nền hồ cẩn thận nhưng khi mới trồng cây, thả cá bạn lại không sát sao việc chú ý chăm sóc bảo dưỡng thì rêu hại vẫn có cơ hội ghé thăm bạn nến vấn đề dinh dưỡng thừa chưa được xử lý triệt để.

Quan điểm sai lầm khi mới làm nền hồ thủy sinh

Có một số cách hướng dẫn ngâm nền nói rằng trong quá trình có thêm công đoạn bổ sung dinh dưỡng nước cho hồ với mục đích bù lại lượng dinh dưỡng bị thất thoát trong lúc thay nước. Bouaqua thấy đó là quan điểm sai lầm. Nếu bạn đã nghĩ đó là lượng dinh dưỡng bị thất thoát thì bạn còn ngâm nền hồ để làm gì nữa? Dinh dưỡng của lớp nền hồ thủy sinh phần lớn nằm trong lớp đất nền dưới đáy, rễ cây sẽ phát triển trong đó và hút dinh dưỡng, phần dinh dưỡng phát tán trong nước chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Mặt khác, khi bạn châm phân nước vào hồ thì lượng dinh dưỡng nước đó cũng quanh quẩn trong nước, không thể nào “ngấm” xuống lớp đất nền và nằm yên dưới đó chờ bạn trồng cây được. Vậy thì động tác bổ sung dinh dưỡng nước lại là sai lầm, phá tan kết quả ngâm nền hồ của bạn bao ngày qua. Việc bổ sung dinh dưỡng trong khi ngâm nền hồ thủy sinh là không nên và không cần thiết. Một phần rất nhỏ của lượng dinh dưỡng nước bổ sung sẽ là thức ăn cho hệ vi sinh, thế thôi.

vi sinh vật trong hồ thủy sinh
Một số chất trong dinh dưỡng của hồ sẽ là thức ăn cho hệ vi sinh

Lợi, hại dinh dưỡng thừa

Nói mãi chỉ thấy dinh dưỡng thừa là có hại chứ đâu có lợi gì? Mọi vấn đề đều có hai mặt, dinh dưỡng thừa còn là một loại phân nước tuyệt vời nếu bạn biết lợi dụng chúng. Có rất nhiều loài cây thủy sinh hút dinh dưỡng qua lá nhiều hơn qua rễ (tiêu biểu là các loài dương xỉ, rêu) nên nếu trong hồ bạn số lượng các loài cây này ở mức “dày đặc” thì có thể bạn sẽ không cần phải ngâm nền quá kỹ nữa (ngâm nền một ngày và thay nước 1 đến 2 lần). Điểm mấu chốt là bạn phải cân bằng được lượng cây và lượng nền, điều này chỉ có thể rút ra nhờ kinh nghiệm chứ không thể có một công thức nào để tính được mức đủ.

Ngoài ra, dinh dưỡng thừa trong nước có thể được sử dụng để bổ sung những hồ khác của bạn (đang chơi), những hồ này đã có hệ vi sinh phát triển ổn định để phân hủy các chất độc không cần thiết. Tệ nhất thì lượng dinh dưỡng thừa được thay ra cùng với nước hồ ngâm nền có thể dùng để tưới cho cây cảnh cũng rất tốt!

Quan điểm của các bạn về vấn đề này thế nào, hãy cùng bình luận để mở rộng con đường đến với thủy sinh cho tất cả mọi người.

-bouaqua-

3/5 - (2 bình chọn)

Để lại bình luận