Phải nhấn mạnh hai từ “sơ đẳng” để nói lên rằng kỹ năng này vô cùng đơn giản mà hiệu quả lại cao và hoàn toàn phù hợp với người mới. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đó luôn là một phương châm đúng đắn đối với nhiều vấn đề trong cuộc sống và bể thủy sinh cũng vậy. Cuộc đời của rêu lại có 2 giai đoạn, và ở mỗi giai đoạn đều cần một loại thức ăn và môi trường thích hợp để có thể phát triển lên giai đoạn sau (Xem thêm bài viết về chu trình nitơ) vậy nên nếu ta hạn chế được thức ăn ngay từ giai đoạn đầu thì rêu hại sẽ bị giảm thiểu cơ hội bùng phát. Ngoài ra trong phân nền mới cũng còn tồn dư khá nhiều “chất độc” mà cây thủy sinh không thể hấp thụ được, hoặc tệ hơn là ảnh hưởng tới cuộc sống vốn chưa ổn định của cây. Mặt khác cũng làm chậm quá trình ổn định chất lượng nước.

Tác hại thì đã rõ, vậy kỹ năng đó là gì? Đó là ngâm nền bể thủy sinh. Việc này có mấy tác dụng sau mà nhiều người mới chơi không để ý:
– Loại bỏ chất độc trong nền bể. Như đã nói ở trên, chất độc trong nền khi mới setup ảnh hưởng xấu tới nhiều yếu tố của bể trong giai đoạn đầu vốn chưa cân bằng. Trong quá trình ngâm nền, lượng nước cũ sẽ được thay đi và mang theo các chất độc mà nền nhả ra.
– Loại bỏ dinh dưỡng thừa. Nền mới có xu hướng nhả dinh dưỡng rất mạnh, cây thủy sinh khi mới được trồng vào bể thường chưa quen môi trường mới để phát triển, chưa bén rễ nên chưa thể hút dinh dưỡng trong nước một cách mạnh mẽ. Hậu quả tất yếu là dinh dưỡng bị thừa một lượng không nhỏ và đây là điều kiện lý tưởng để rêu hại phát triển. Khi ngâm nền thì dinh dưỡng thừa cũng được loại bỏ khi thay nước.
– Khởi tạo hệ vi sinh. Đây chính là đạo quân chiến đấu chống rêu hại mạnh mẽ nhất, mặt khác giúp ổn định môi trường nước, kích thích cây thủy sinh phát triển. Ngâm bể sẽ tạo một khoảng thời gian và môi trường lý tưởng để các loại vi sinh vật có ích phát triển mạnh.
– Hình dung bố cục và chuẩn bị cây trồng. Một tác dụng thú vị, trong khoảng thời gian ngâm nền, người chơi đã có được cái nhìn rõ ràng về phần khung của bố cục (hardscape) từ đó định hình chính xác hơn về bố cục sau khi bể hoàn thành. Ngoài ra đây còn là khoảng thời gian xuất hiện những ý tưởng mới hoặc thậm chí là làm lại bố cục để phù hợp hơn. Nếu đã ưng ý với bố cục thì người chơi có thể tranh thủ chuẩn bị cây đầy đủ hơn, chu đáo hơn.
Qua những tác dụng nêu trên, phần nào các bạn có thể mường tượng ra cách thực hiện việc ngâm nền với một số chú ý sau:
– Sắp xếp hoàn chỉnh bố cục (hardscape) trước khi ngâm nền. Bởi những xáo động nền trong quá trình ngâm có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ vi sinh còn non nớt. Ngoài ra, việc sắp xếp lại đá, lũa làm cho dinh dưỡng ở lớp dưới của nền phần nào bị thất thoát.
– Không nên bật đèn trong quá trình ngâm nền. Vì ánh sáng kết hợp với dinh dưỡng thừa luôn là môi trường lý tưởng nhất cho rêu tảo hại bùng phát. Trước tiên là loài là tảo nâu.
– Chạy lọc 24/24h hàng ngày. Bởi lọc là ngôi nhà chung lớn nhất cho hệ vi sinh, việc chạy lọc liên tục sẽ tạo dòng nước luân chuyển tuần hoàn qua các vật liệu lọc, hệ vi sinh sẽ mau chóng ổn định chỗ ở và nguồn thức ăn để phát triển dày đặc trong các lớp vật liệu lọc. Bên cạnh đó lọc còn giúp hút các chất bẩn, bụi từ nền bể, giúp nước bể mau trong hơn.
– Thay nước đều đặn (thường là 1 tuần 1 lần). Đơn giản vì lọc không thể đảm nhiệm hoàn toàn vai trò làm sạch nước, bạn phải giúp đỡ hệ thống lọc bằng việc thay nước hàng tuần (với một lượng lớn, khoảng 30% bể) hoặc hàng ngày (với 10% nước).
– Xới nhẹ mặt nền trong quá trình ngâm. Thường độ sâu là 1cm, mục đích để dinh dưỡng thừa ở lớp mặt sẽ được phát tán tốt hơn vào nước, ngoài ra lớp bụi nền cũng được hút dần vào lọc. Động tác này chỉ phù hợp với nền công nghiệp, trường hợp có phủ cát nền, sỏi nền hoặc các loại nền trơ (không có dinh dưỡng, mục đích thường để làm đẹp) trên mặt các bạn có thể bỏ qua bước này.
– Bổ sung vi sinh (men vi sinh) cho bể, nhằm đẩy nhanh quá trình khởi tạo hệ vi sinh, rút ngắn quá trình ổn định nước bể. Ngoài ra bạn cũng có thể thả một ít cá nhỏ, việc cho cá ăn và phân cá cũng phần nào giúp khởi động hệ vi sinh nhanh hơn.

Các bạn đã thấy đây không phải là phương pháp gì thần thánh để phòng chống rêu hại trong bể thủy sinh, tuy nhiên nó lại bị nhiều người xem thường và bỏ qua một cách đáng tiếc. Đối với những người chơi nhiều kinh nghiệm thì phương pháp này có thể không cần thiết, nhưng nếu bạn mới tiếp xúc với thủy sinh lần đầu thì bouaqua khuyên bạn nên làm theo phương pháp sơ đẳng này. Điều đó sẽ giúp các bạn sớm thành công hơn với bể thủy sinh đầu tay của mình.
– bouaqua –
em ngâm nền bằng cách đổ nền ra 1 cái chậu lớn , cho nước vào , rung nhẹ chậu để bụi bẩn ,1 số vật khác như mảnh gỗ , lá cây nhẹ nổi lên trên , sau đó đổ nc đi rồi lại cho nc vào , làm thế vài lần . sau đó em để nền trong chậu , ngâm ở mực nc cao hơn khoảng 3 đốt ngón tay , cứ 1,2 ngày thay nc 1 lần trong vòng 1 tuần để làm sạch tương đối bụi bẩn . Sau đó em mới đổ nước đi, chắt lại chỉ còn phân nền , lúc đó mới bắt đầu set đá lũa bố cục và chạy nước .
Em làm như vậy có được không a ? như thế có sợ làm phân nền vữa ra nhanh hơn , mất đi nhiều chất dinh dưỡng ko ạ ? em làm với ada .
Bạn làm vậy là quá kỹ, không cần thiết, chẳng khác nào “rửa” nền 😀
Sau khi được ngâm nước, nền có xu hướng mềm ra, trong quá trình chuyển nền đã ngâm trong chậu vào hồ sẽ có một cơ số hạt nền bị vỡ. Những hạt vỡ đó sẽ gây bụi trong hồ, cùng với khả năng phóng thích dinh dưỡng vào nước ~> vậy là quá trình ngâm hồ trước đó của bạn đã bị suy hao tác dụng.
Hơn nữa, trong bài viết có nói rõ việc ngâm hồ chỉ nên thực hiện sau khi đã hoàn thành bố cục lũa đá, điều đó cũng nhằm tránh việc làm vỡ hạt nền.
Mục đích cuối cùng của việc ngâm nền hồ là loại bỏ phần lớn dinh dưỡng trong nước mà nền hồ mới tiết ra một cách ồ ạt, không kiểm soát. Chỉ cần nắm được mấu chốt này là bạn sẽ biết cách ngâm nền hồ thôi.
Bouaqua rất mong được xem tác phẩm của bạn để cùng trao đổi thêm, chúc bạn có hồ đẹp.
Có cái này mìn muốn hỏi Bouaqua là, khi ngâm nền mà sếp bố cục lũa đá, mình muốn cột rêu lên lũa bỏ vô cùng lúc luôn có sao không hay là phải ngâm nền xong rồi mới cột rêu,mà lúc đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn đối với bể có kích thước nhỏ, mà lấy lũa ra sợ động nề, hay là ngâm trước rồi mới setup bố cục sau được không. mà mình thấy trên mấy video, khi người ta setup nền công nghiệp người ta không ngâm nền gì cả mà bạn,, hay phương pháp ngâm này chỉ dùng cho nền trộn thôi.Mong Bouaqua tư vấn giúp vấn đề này.
Xin chào bạn,
– Đọc 2 dòng đầu của bài viết bạn sẽ hiểu đối tượng mà Bouaqua muốn nhấn mạnh là “người mới”. Đối với họ thì việc chiến đấu với rêu hại trong những ngày đầu tự làm bể thủy sinh luôn là một thử thách gian nan, qua đó cũng có thể cho họ câu trả lời rằng mình có hợp với thú chơi này hay không. Những video bạn vẫn thấy đều là của những người chơi “không mới” nên việc kiểm soát rêu hại có phần dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên thì việc ngâm nền này mang lại nhiều cái lợi mà ai cũng có thể làm và không phân biệt đối tượng sử dụng, không phân biệt nền trộn hay nền công nghiệp.
– Trường hợp bạn chơi bố cục rêu buộc lũa trong bể có kích thước nhỏ thì hoàn toàn có thể ngâm nền sau khi đã hoàn thành 3 việc: San nền, xếp lũa và buộc rêu. Đối với bể nhỏ thì khối lượng nền cũng nhỏ hơn, thời gian ngâm nền cũng ngắn hơn.
– Trường hợp ngâm nền rồi mới set bố cục thì không tránh khỏi việc xáo trộn nền làm tác dụng của việc ngâm nền giảm đi phần nào.
Chúc bạn có hồ đẹp.
cho mỉnh hỏi thời gian mình ngâm nền khoảng bao nhiêu ngày và mình nên ngâm mấy lần nước vậy ad??
Nếu có thời gian bạn nên ngâm nền trong 03 tuần vì đây là khoảng thời gian đủ dài để hệ vi sinh hoàn thiện chu trình nitơ. http://bouaqua.net/tim-hieu-ve-chu-trinh-nito-nitrogen-cycle/
Hoặc bạn có thể ngâm nền trong 01 tuần cũng giúp ích được rất nhiều cho quá trình hoàn thiện hồ sau này.
Lịch thay nước thì các bạn nên duy trì cách ngày 30% hoặc tệ nhất cũng phải được 1 tuần 2 lần, mỗi lần 50%. Nhớ kết hợp hút cặn nền và bổ sung vi sinh 🙂
em là người mới chơi lần đầu, theo mấy người bán cá chỉ với lại hơi hấp tấp nên trong một tuần em setup cái nền full ngọc trai lùn, trồng cây xếp cảnh êm đẹp. Sau đó em thả 2 ngàn đồng cá trâm, năm con tép RC,một tỳ bà baby, chục con bảy màu. Tình hình hiện tại là sau khi đổ nước vào một tuần thì rêu hại tràn lan, cái rêu trắng trắng làm thối rửa trân châu và lan rất nhanh…cá bảy màu thì chết hết 7 con, cá trâm chết gần nữa đàn, bọn tép thì nó trốn đâu biệt tích vài ngày em mới thấy nó lòi mặt ra còn bọn cá còn sống thì lớn nhanh như thánh Gióng, bọn cá trâm thì lên màu như neon ấy, còn tỳ bà thì em thấy nó suốt ngày cứ lăng que lăn quăn không khi nào yên như thế em không biết nó đang đói đi mò thức ăn hay đang sung nữa mà em cũng thấy nó lớn rõ. Hiện cây cối trong hồ đang chết dần chết mòn mà em thì áp dụng nhiều cách như thay nước, vớt bớt rêu, thả tép mồi số lượng lớn mà bất lực, cảm thấy đau lòng gớm…không biết BOUAQUA có cao kiến gì chỉ em với. Em đang định bỏ hồ này setup lại hồ mới hoàn toàn và setup theo kiểu nền đá đen còn tường thì full rêu lợi, cây thì trống mấy cây to to lá dày và nuôi một biệt đội vệ sinh gồm : tỳ bà bướm, chuột panda, tép RC và cá trâm. không biết ý tưởng của em có khả thi hay không và không biết em phải setup kiểu hồ đó theo hướng nhủ thế nào mong BOUAQUA hướng dẫn giúp em…thân ái
Chào bạn, vậy là bạn cũng mới chơi thủy sinh đúng không? Vậy Bouaqua sẽ tư vấn cho bạn đôi điều theo hướng người mới nhé.
Với hồ hiện tại, để khắc phục tình tình bouaqua cần thăm khám hồ hoặc ít nhất là có ảnh tư liệu thì mới chẩn bệnh kê thuốc được. Những tư vấn dưới đây chỉ có tính chất tham khảo thôi nhé:
– Trong tuần đầu hệ vi sinh chưa ổn định, trong nước còn rất nhiều chất độc hại, thảm trân châu của bạn chưa kịp bén rễ và phát triển để hấp thụ hết các dưỡng chất (trong nền và trong nước) nên làm phát sinh rêu hại là điều dễ hiểu. Ngoài ra bạn thả cá sớm, đồng nghĩa với việc phải cho ăn, phân cá và thức ăn thừa xuất hiện càng làm tình hình trở nên tệ hại. Lời khuyên hay gặp là thả cá sau 1 tuần đến 1 tháng cũng là vì lý do này nữa.
– Hiện trạng hồ bạn đang vật vã do môi trường nước đang rất kém (lý do phía trên). Bạn cần bắt hết các loại cá ra chỗ khác, chỉ để lại các loại tép để vệ sinh, ngoài ra có thể bổ sung cá bút chì (số lượng thế nào bouaqua chưa quyết định được do không có thông tin về hồ của bạn). Bạn nên xem thêm http://bouaqua.net/ca-diet-reu-hai-be-thuy-sinh/
Với kế hoạch hồ mới thì bouaqua chưa hình dung được chi tiết hồ bạn sẽ làm (nên có ảnh minh họa cũng được).
Nếu bạn cần tư vấn chi tiết hơn tất cả các vấn đề liên quan đến thủy sinh thì email cho bouaqua (bouaqua@gmail.com) những thông tin đầy đủ nhất về hồ của bạn nhé (kích thước hồ, đèn, nền, lọc, vật liệu lọc nhãn hiệu gì, bố trí ra sao, ảnh chụp tổng thể, ảnh chụp các vấn đề bạn gặp phải, ảnh minh họa cho hồ mới…)
Chúc bạn sớm có hồ đẹp
Mình chơi bể kích thước 60x40x40, lọc atman df 700, bắt đầu lật bể đc 5 ngày (lần này là lần thứ 3 setup trong khoảng 1 năm). Bể đầu tiên mình chơi cây nèn trân châu ngọc trai + rêu wepping + vẩy ốc xanh, vẩy ốc đỏ; các cây vảy ốc và rêu wepping thì khá đẹp nhưng thất bại trong trân châu ngọc trai ( ngọn cây cứ ra là lại bị vàng dần rồi đen) bể bắt đầu có hiện tượng bị tảo nâu nhé nhưng chưa khi nào bùng phát mạnh, nhưng rồi sau khi nghe ae tư vấn là cắt tỉa phần bị hoại tử thì trời ơi cứ thế tảo nâu bám hết vào thềm trân châu, cuối cùng mình đanhg lật bể chơi biotop với sỏi và gỗ, nay mình mới setup bể mới với cây nền là trân châu ngọc trai, một chút vảy ốc xanh, rêu wepping; nhờ BOUAQUA tư vấn giúp để trinh phục đc bể mới này ạ! Nhà mình chưa có nc sạch nên dùng nc giếng khoan qua lọc cát, đèn odysee 2 máng nhưng đang cháy 2 bóng! Rất mong đc giupps đỡ
Chào bạn
Trước tiên chúng ta cần xác định nguồn nước giếng khoan thật sự không phù hợp lắm với thủy sinh, các chỉ số của nước sẽ rất khác nhau tại các vị trí địa lý, vùng miền khác nhau. Việc xử lý nước giếng khoan cũng khá phức tạp và tốn kém nếu chỉ để chơi thủy sinh, vậy nên tốt hơn hết là nên dựa theo chất lượng nước ta có mà chọn loại cây trồng phù hợp.
Về trường hợp hồ của bạn, BOUaqua cũng không thể biết được các thông số nước giếng khoan của bạn ra sao để tư vấn, cái này phải có sự đo đạc và theo dõi trong một thời gian nhất định. Các thành phần phụ kiện của bạn gồm có những gì (CO2, dinh dưỡng, ánh sáng) để đáp ứng được các loại cây trồng?
Đối với trân châu ngọc trai, nó là loài cần dinh dưỡng và CO2 dồi dào, ánh sáng có thể từ trung bình đến mạnh đều phù hợp. Trường hợp bị tảo nâu do cây trồng không hấp thụ được hết dinh dưỡng, bạn cắt tỉa những phần bị hỏng vừa giúp nền bị phơi ra dưới ánh sáng và cũng khiến cây yếu hơn. Tham khảo thêm về tảo nâu: http://bouaqua.net/tao-nau-trong-be-thuy-sinh-diatom-brown-algae/
Bạn nên gửi hình ảnh hồ, thông số chi tiết của các phụ kiện bạn có vào email bouaqua@gmail.com để BOUaqua có thể tư vấn rõ ràng và sát hơn cho bạn nhé.