Bể thủy sinh bố cục rừng luôn dành được sự ưu ái nhất định của người chơi, dù là người mới hay người cũ. Sự phong phú, mềm mại trong loại cây trồng đòi hỏi sự chăm sóc rất chu đáo cũng như khả năng sáng tạo bố cục tốt để tất cả cùng được tỏa sáng. Bài viết này chúng ta sẽ cùng ngắm “khu rừng” của Luís Cardoso trong bể thủy sinh 120cm của anh.
Kích thước | 120x50x50cm (300L) |
Lọc | Eheim Pro 3 1200XLT |
Ánh sáng | 2x Zetlight Lancia ZP4000 – 1200 Plant Edition |
Bố cục | lũa ADA Redmoor, rễ cây tự nhiên, 40kg đá Seiryu |
Danh sách cây | 1. Staurogyne Repens (rau thơm) 2. Monte Carlo (trân châu ngọc trai) 3. Hygrophila Pinnatifida (liễu đỏ răng cưa) 4. Rotala Rotundifolia (vảy ốc hồng) 5. Weeping Moss (rêu weeping) 6. Bolbitis Heudelotii (dương xỉ Châu Phi) 7. Bucephalandra Black Mist 8. Bucephalandra Brownie 9. Bucephalandra Catherine 10. Cryptocoryne beckettii ‘Petchii (tiêu thảo nâu) |
Trong bể thủy sinh bố cục rừng không thể thiếu những bộ lũa thể hiện thân cây, đó có thể là phần gốc của cái cây đã chết hoặc là sự kết hợp của các cành, nhánh một cách khéo léo. Sưu tầm đủ một bộ lũa thân cây cho bố cục bể 120 sẽ tốn không ít thời gian của những người thích hoàn hảo và sự cầu kỳ.
Thảm trân châu ngọc trai phát triển nhanh, những vị trí trên vách đá cây buông xuống rất tự nhiên, đây là điểm cộng lớn cho các bố cục rừng. Những rễ cây vươn qua vách đá ra bờ suối là chi tiết cần thiết để đẩy yếu tố tự nhiên lên mức cao nhất. Nếu một dòng suối có mép nước quá chỉn chu, người xem rất dễ hiểu nhầm rằng đó là một dòng sông bởi ở mức độ lớn như vậy thì các chi tiết bên bờ gần như bị xóa nhòa.
Việc thay vảy ốc hậu cảnh bên phải bằng xương cá là một quyết định đúng đắn, xương cá có độ lòe xòe cần thiết trong tán lá để lột tả sự rậm rạp của rừng. Số lượng cây trồng cần thiết cũng ít hơn để che hết hậu cảnh phía sau so với khi dùng vảy ốc.
Cắt tỉa là bước không thể thiếu để cây trồng có thể phát triển mạnh mẽ hơn, ngoài việc tạo khóm tạo cụm thì cắt tỉa cũng giúp nhiều cây trồng ở vị trí thấp có thể lấy thêm được ánh sáng để phát triển. Việc cắt tỉa ở thời điểm bể đang phát triển mạnh sẽ giúp cây hồi phục nhanh hơn.
Hãy nhìn tấm hình bể thủy sinh này một tuần sau đó, một sự lột xác đáng kinh ngạc, cả về vóc dáng và tốc độ. Hậu cảnh bên trái rất đáng tiếc đã không được thay bằng xương cá như bên phải tạo ra sự thiếu đồng nhất. Nhánh lũa được bọc rêu vươn ra bờ suối ở chính giữa trên cao đã duyên dáng hơn rất nhiều so với thời điểm 200 ngày tuổi.
Ở vị trí này, con suối được thể hiện rõ ràng hơn với các chi tiết đắt giá. Thảm trân châu bên trái dường như đã phát triển quá mạnh mẽ, xóa nhòa ranh giới tiền cảnh và trung cảnh, nuốt mất đá làm giảm sự hiểm trở, gai góc tại đây. Trong một bể thủy sinh rậm rạp, ánh sáng cần được chú ý cung cấp đủ để thảm nền có thể phát triển như mong muốn.
Ở thời điểm này, vế trái của bố cục đã lộ rõ hậu cảnh xơ xác, kém hấp dẫn hơn nhiều so với vế phải. Những đầu lũa cụt cũng bị phô ra ngoài dự kiến. Bên cạnh đó thì việc sử dụng những bộ lũa xoắn vào nhau, để hở khoảng giữa cũng không thể hiện được sự chắc chắn, mạnh mẽ của một thân cây. Vấn đề này đã được đề cập đến trong bài http://bouaqua.net/ada-kinh-nghiem-chon-xu-ly-lua-thuy-sinh/
Hình ảnh trên đã được tác giả chọn gửi đi dự thi IIAC 2016 và đạt hạng 39 thế giới.
Nguồn: http://www.ukaps.org/forum…