Thú chơi bể thủy sinh đã xuất hiện và phát triển khá sớm trên thế giới. Tại Việt Nam, thủy sinh mới thực sự được biết đến từ hơn mười năm trước. Trải qua một hành trình dài, thủy sinh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Những cuộc thi xuất hiện nhiều hơn nhằm tìm kiếm những tác phẩm thật sự ấn tượng. Những nhà cung cấp, thương hiệu thủy sinh cũng lần lượt ra đời, mang đến cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh. Nhờ những yếu tố ấy thú chơi thủy sinh đã được phổ cập một cách nhanh chóng. Ai cũng có thể chơi thủy sinh do mỗi người đều tìm được cho mình những lựa chọn riêng phụ thuộc vào hoàn cảnh, sở thích. Theo đó mà phong cách bể thủy sinh cũng có cơ hội biến đổi muôn hình vạn trạng, mang theo trong mình nhiều cung bậc cảm xúc đối với thiên nhiên.
Hôm nay, bouaqua muốn đưa các bạn ngược dòng thời gian quay trở về thập kỷ trước để cùng xem thủy sinh đã thay đổi như thế nào?
Năm 2011 – Rainbow Forest – Jose Manuel Oliva Marco

Một bể thủy sinh phong cách tự nhiên với sự xuất hiện của khá nhiều cây màu đỏ, cây trải nền tiền cảnh cũng là một loài khá quen thuộc thường thấy trong các bể thủy sinh của ADA – cỏ lưỡi rắn (Lilaeopsis brasiliensis). Cây trồng được tác giả lựa chọn khá kỹ và có chủ ý: Những cây lá to bản phía trước, dưới thấp, những cây lá nhỏ, mọc dày hơn ở phía sau, trên cao tạo hiệu ứng hình ảnh dẫn dắt người xem chú ý tới gần mặt nước. Trong bố cục bể này có sử dụng lũa nhưng tác phẩm hoàn thiện không khoe lũa, tạo không gian tối đa cho cây trồng và bố cục. Đây là một điểm đáng chú ý bởi khi đó bạn không cần tốn công và thời gian sưu tầm những nhánh lũa thật sự đẹp và ấn tượng cho tác phẩm của mình.
Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…
Năm 2009 – 97 Liter – Nico (Uttoshii)

Tác giả là một người Pháp sống tại Nhật, do đó ta có thể thấy một chút nét pha trộn của phong cách phương Tây và phương Đông trong tác phẩm. Những viên đá chính với kích thước khá lớn thay vì đứng sừng sững khoe nét mạnh mẽ, tác giả đã “làm mềm” những viên đá của mình bằng việc trồng cây xen phủ lên một phần của đá. Những viên đá phụ cũng vậy, nhờ có thảm trân châu Nhật vây quanh mà chúng đã trở nên “thân thiện” hơn và hòa nhập rất tốt với bố cục. Hình ảnh về bể này có lẽ không quá xa lạ với nhiều người trong chúng ta.
Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…
Năm 2009 – “Kobukai” – Tetrax

Lại một tác phẩm khác với phong cách quen thuộc của Jose Manuel Oliva Marco (nickname trên diễn đàn: tetrax) – một bố cục chú trọng tới cây trồng. Lúc này việc sử dụng màu đỏ trong bức tranh thủy sinh của tác giả có lẽ còn khiêm tốn. Đối với thủy sinh phương Tây, dường như việc trồng và chăm sóc cây được ưu ái hơn so với sắp xếp đường nét bố cục, một minh chứng lớn là thủy sinh phong cách Hà Lan đã rất phát triển ngay từ những ngày đầu.
Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…
Năm 2008 – bể Hà Lan – Mike Kloos

Đến từ Hà Lan, tác giả cho chúng ta thấy một bể phong cách Hà Lan nhẹ nhàng – một hình ảnh phổ biến của thời kỳ đó. Đặc biệt phần xử lý cây trồng khéo léo ở hai mép kính tiền cảnh đã giúp giảm bớt đi sự nhàm chán và làm đầy đặn khung hình. Cây trồng không quá chen chúc và được cắt tỉa cẩn thận để đảm bảo cao độ của từng loài. Tuy góc phải hậu cảnh còn hơi trống nhưng đây vẫn là một tác phẩm đáng học hỏi đối với cả những người chơi hiện đại.
Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…
Năm 2008 – “Lands Of Sarawak” – Ruben Car

Một bể đơn giản ảnh hưởng phong cách Iwagumi Nhật Bản. Có lẽ bể vừa trải qua một lần cắt tỉa nên các đường nét hậu cảnh còn khá cứng và thiếu tự nhiên, điểm cao hậu cảnh đã có sự tính toán về tỷ lệ vàng. Cây trồng trong bể đơn giản nhưng đã thể hiện đúng vai trò của mình là làm nền cho bộ đá tiger đồ sộ tuy tiền cảnh vế phải còn hơi yếu. Ở thời kỳ này, thủy sinh Việt Nam đang rất chuộng các loại nền trộn, nền công nghiệp cũng đã có xuất hiện tuy nhiên chưa được phổ biến vì nhiều lý do. Việc tạo bố cục cũng dần được chú trọng với các chất liệu đá là chủ yếu.
Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…
Năm 2008 – bể Hà Lan kết hợp tự nhiên – Shay Fertig

Bể thủy sinh phong cách Hà Lan luôn đòi hỏi người chơi phải tuân thủ những quy tắc nhất định, có lẽ để giảm bớt sự cứng nhắc đó mà tác giả đã kết hợp bể của mình với phong cách tự nhiên bằng việc cho xuất hiện đá trong bể. Cây trồng được tạo khóm cụm rõ ràng làm toát lên cái “chỉn chu” trong bố cục. Nước chưa được trong vắt và tiền cảnh chưa đầy đặn bởi thảm nền là một chút điểm trừ đáng tiếc. Tuy nhiên đây vẫn là một tác phẩm đẹp rất đáng để học hỏi ở thời kỳ đó. Tại Việt Nam phong cách Hà Lan không được ưa chuộng cho lắm, có lẽ do chúng ta không ưa thích phong cách “đất chật người đông” chăng?
Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…
Năm 2007 – “Wild Paradise” – Hoang Quan

Một tác phẩm đến từ Việt Nam, tác giả vốn theo học ngành kiến trúc nên trong bố cục phần nào đã thể hiện được vẻ nên thơ riêng – một đột phá ở thời kỳ này. Lũa và rêu đã tạo nên một vòm rừng mát mẻ dẫn dắt người xem ngược con suối nhỏ mà khám phá thiên nhiên. Với một nền nhiệt cao (Sài Gòn – Việt Nam) và phụ kiện không quá cao cấp, tác giả đã cho ra đời một bể thủy sinh với rêu và cây trồng xanh tốt, điều đó cho ta thấy được niềm đam mê lớn tới chừng nào.
Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…
Năm 2007 – “Dudes’Kaden” – Cliff Hui

Phát huy tố chất ngay từ khi còn rất trẻ, Cliff Hui đã cho chúng ta thấy một bể thủy sinh rất lãng mạn pha chút cổ tích. Dựa trên tình yêu thiên nhiên, kỹ ức tuổi thơ và bộ phim Dodes’ka-den, tác giả sử dụng nguyên liệu là cây thủy sinh, là bộ nền cũ, chút lũa, chút đá để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Tác phẩm này chắc chắn đã để lại ấn tượng mạnh đối với nhiều người chơi thời đó. Màu đỏ làm điểm nhấn ở giữa hồ, sức phát triển của cây trồng khá ổn, phần nhiều sử dụng các loài cây ngọn nhỏ và rêu, đó là những yếu tố làm nên nét yên bình, mềm mại khi chúng ta chiêm ngưỡng tác phẩm này.