Rêu hại luôn là vấn đề khó chịu đối với người mới chơi thủy sinh, tuy nhiên đôi khi chúng ta chưa hiểu rõ về rêu hại, dẫn tới các biện pháp phòng tránh hay tiêu diệt không mang lại kết quả cao. Hãy cùng bouaqua tìm hiểu một chút về rêu hại trong bể thủy sinh.
Cũng như cỏ dại trong nông nghiệp, rêu hại cũng là một thành phần không mong muốn trong bể thủy sinh. Rêu hại có thể xuất hiện ở khắp nơi, bám vào mọi giá thể, tồn tại được trong mọi hoàn cảnh và đôi khi nó thách thức mọi sinh vật diệt rêu. Nếu có một phong cách bể chuyên chơi rêu hại thì có lẽ sự sinh động và đa dạng của nó cũng không kém gì bể thủy sinh truyền thống.
Không thể tiêu diệt hoàn toàn rêu hại
Rất tiếc nhưng đó là sự thật, tuy nhiên các bạn đừng vội thất vọng, hãy đọc tiếp để xem … bên dưới viết gì. Rêu hại xuất hiện ở tất cả các thể loại bể thủy sinh, việc bể thủy sinh của bạn có đẹp hay không, có “sạch sẽ” hay không nằm ở vấn đề bạn hạn chế được rêu hại đến đâu. Hãy học cách sống chung với lũ, tất nhiên đừng để lũ cuốn chúng ta đi. Rêu hại rất dễ sống vì nó cần rất ít điều kiện để tồn tại, trong khi cây thủy sinh của chúng ta thì cần nhiều hơn.
Tác hại của rêu hại trong bể thủy sinh
Rêu hại không thể cạnh tranh dinh dưỡng với cây thủy sinh, tuy nhiên nó có khả năng lây lan rất mạnh, bởi vậy khi rêu hại bám lấy lá cây sẽ làm cản trở quá trình quang hợp khiến cây thủy sinh yếu hoặc chết đi (rêu nâu). Một số loài rêu hại khác lại tấn công bể thủy sinh bằng sự lỳ lợm và phản cảm của chúng trên giá thể (các loại rêu chùm). Có loài rêu hại thường bám vào mặt kính làm giảm tầm nhìn, làm mất đi độ trong của nước (tảo đốm xanh, tảo nước xanh). Hay loài khác thì tạo thành một đám bầy nhầy bám trong bể và ngày càng lây lan (tảo lam – thực chất đây là đám sinh vật chứ không phải thực vật). Nói chung tất cả được liệt vào hàng rêu hại vì nó không góp phần mang lại vẻ đẹp cho bể thủy sinh.
Tác dụng của rêu hại?
Nghe có vẻ nực cười nhưng rêu hại không hoàn toàn xấu. Một viên đá trong bể trông sẽ cổ kính hơn khi được phủ một lớp rêu tảo. Ở một khía cạnh khác rêu tảo hại được sử dụng, thậm chí được nuôi để làm thức ăn tự nhiên cho một số loài cá, tép, ốc.
Thời gian xuất hiệu rêu hại
Phổ biến nhất là thời gian bể vừa hoàn thành, lúc này dinh dưỡng đang dồi dào, ánh sáng mạnh mẽ và cây thủy sinh thì còn đang ủ rũ vì chưa quen bể.
Thời gian bể có sự thay đổi về bố cục hoặc cây trồng.
Thời gian bể bắt đầu được châm phân nước hoặc thay đổi nhãn hiệu phân nước.
Thời gian bể đang hoặc vừa trải qua giai đoạn châm thuốc để trị bệnh cho cá.
Tất cả những khoảng thời gian trên bể đều trong tình trạng mất cân bằng môi trường nước.
Phòng ngừa rêu hại hiệu quả
Hiện nay phổ biến nhất và đơn giản nhất vẫn là thay nước đều đặn để hạn chế dinh dưỡng và giảm bớt mầm mống rêu hại trong bể. Tuy nhiên điều này lại làm thất thoát một lượng dinh dưỡng nhất định. Đối với bouaqua, phương pháp phòng ngừa đơn giản và hiệu quả nhất là thả thiên địch của rêu hại. Đó là các loài cá, ốc, tép ăn rêu hại. Ưu điểm của phương pháp này là dùng tự nhiên chống lại tự nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý là không cho đạo quân ăn rêu này ăn thức ăn công nghiệp, phần lớn chúng sẽ bỏ nhiệm vụ ăn rêu.
Diệt rêu hại trong bể thủy sinh
Khi mà rêu đã bùng phát thì lúc này không còn là phòng ngừa nữa, chúng ta phải đối mặt và hạn chế rêu hại tới mức thấp nhất. Các phương pháp tự nhiên được ưu tiên, trong đó có sử dụng sinh vật ăn rêu, thay nước, giảm đèn hoặc thậm chí cách ly bể khỏi ánh sáng. Bên cạnh đó là các phương pháp khác như sử dụng thuốc hóa học diệt rêu, xử lý trực tiếp bằng tay. Đặc biệt bạn không nên nghĩ đến chuyện lật bể (bỏ bể cũ, làm bể mới) bởi một khi bạn không hạn chế được rêu hại thì dù lật bể bao nhiêu lần cũng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
Trong chủ đề rêu hại này còn có những khía cạnh rất thú vị, bouaqua xin được hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết chuyên sâu hơn.
-bouaqua-
Bài viết này rất có hiệu quả