BOUaqua.com

Đầu tư cho một hồ thủy sinh chi phí thấp

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc cắt giảm chi tiêu hay chi tiêu tối thiểu luôn là vấn đề nóng đối với nhiều người. Tuy nhiên, trong một cuộc sống vốn nhiều stress thì nhu cầu giải trí, thư giãn đầu óc cần phải được chú trọng. Cụ thể là việc thiết lập một hồ thủy sinh sao cho đảm bảo nhiều yếu tố như chi phí thấp, đơn giản trong vận hành và bảo dưỡng, có khả năng giải tỏa stress cho người xem… Trong bài này Bouaqua xin phép đi sâu vào khía cạnh “chi phí thấp” khi đầu tư vào một hồ thủy sinh.

Khi nhắc đến “chi phí thấp” chúng ta thường liên hệ ngay tới “giá rẻ”. Rẻ là tốt, nhưng khi một sản phẩm giá rẻ không mang lại hiệu quả như mong đợi thì có lẽ đó không còn là điều tốt nữa, không còn “rẻ” nữa, thậm chí là “đắt”. Vậy, để xây dựng được một hồ thủy sinh, chúng ta hãy thử liệt kê danh mục các khoản đầu tư xem sao?

1. Hồ

Lựa chọn tối ưu cho chúng ta là một hồ bằng kính, có thể được dán giấu keo hoặc không (thực sự chi phí chênh nhau không là bao). Kích thước hồ theo Bouaqua là chiều dài từ 45 cho tới 60 cm, chiều sâu 30 cm và chiều cao 30 cho tới 40 cm (hiện tại có 03 kích thước hồ phổ biến là 45x30x30, 60x30x36, 60x40x40). Đây là kích thước đủ nhỏ để tiết kiệm chi phí và đủ lớn để thiết lập một hệ sinh thái thu nhỏ.

2. Cây

Bouaqua đề cập tới phần cây trồng ngay từ mục thứ hai bởi đây là yếu tố then chốt, liên quan tới chi phí cho nhiều khoản đầu tư sau này. Để tiện cho việc chăm sóc, bảo dưỡng hồ chúng ta nên chọn các loại cây thủy sinh dễ sống và có hình thức khá trong điều kiện môi trường thiếu thốn. Bouaqua có thể gợi ý một số loại cây sau:

– Tiêu thảo: Lớn rất chậm, nhu cầu dinh dưỡng ít, trồng ở viền hoặc góc sau hồ, là nơi có ánh sáng thấp.
– Dương xỉ: Lớn chậm, nhu cầu dinh dưỡng qua lá, trồng ở góc hồ sau hoặc khu vực giữa hồ làm điểm nhấn.
– Ráy: Lớn chậm, nhu cầu dinh dưỡng ít, trồng dưới bóng các cây khác, dùng để che gốc cho cây cắt cắm hoặc che các khuyết điểm của hồ, nhu cầu ánh sáng thấp.
– Rêu (chỉ lựa chọn nếu không gian đặt hồ thực sự mát mẻ về mùa hè): Đây là loài thuộc dạng “vứt đâu sống đó”, tuy nhiên vào mùa hè, khi nhiệt độ lên cao (trên 27ºC) rêu có xu hướng vàng úa hoặc chết, tới mùa đông sẽ đâm chồi nảy lộc trở lại.
– Châu trâu cao, Vảy ốc, Diệp tài hồng: Thuộc dạng cây cắt cắm dễ sống, nhu cầu dinh dưỡng cao, ánh sáng mạnh. Thường được trồng ở hậu cảnh.
– Cỏ cọp, Cỏ đỏ: Thuộc dạng cây thảm trồng tiền cảnh, sống được trong nhiều điều kiện dinh dưỡng và ánh sáng.

3. Nền

(dinh dưỡng)
Vì chúng ta đã chọn những loại cây dễ sống, dễ thích nghi nên chúng ta không cần phải chọn những loại nền quá đắt đỏ, hãy tham khảo và lựa chọn những loại có mức giá tầm trung, phù hợp với chi phí của mỗi người. Đây là yếu tố quan trọng, có tính chất nền tảng của hồ thủy sinh, tuy nhiên lý do chọn nền tầm trung là sang tháng thứ 3 chúng ta sẽ bổ sung dinh dưỡng bằng phân nước. Phân nước là loại dinh dưỡng dạng lỏng, chúng ta sẽ bổ sung vào hồ sau khi dinh dưỡng tiết ra từ nền đã chững lại. Nên châm phân nước 2 ngày/lần hoặc tối thiểu 1 tuần/lần. Liều lượng bằng 1/3 liều lượng nhà sản xuất hướng dẫn.

4. Đèn

Hãy chọn loại đèn có công suất tối thiểu bằng 1/2 thể tích hồ (hồ 60L, đèn 30W) hoặc tối đa tương đương với thể tích hồ (hồ 60L, đèn 60W). Tất cả các loại cây chúng ta lựa chọn phía trên đều có thể sống được trong giải công suất này. Chú ý phân bố ánh sáng đèn cho tỏa đều khắp hồ.

5. Lọc

Hiện nay thị trường lọc nước cho hồ thủy sinh đang rất phong phú. Tuy nhiên chúng ta nên tránh mua lọc thác (lọc treo) vì tuy có giả rẻ nhưng sẽ không thể phát huy tác dụng vì khoang lọc quá nhỏ và thiết kế dòng chảy của nước không được tối ưu để đi qua các lớp vật liệu lọc.  Tránh mua các loại lọc gác thành bể hay thấy trong bể cá vì loại này có thiết kế mất thẩm mỹ, chiếm không gian của đèn phía trên mặt hồ. cấu tạo đường nước xối thẳng xuống hồ, ảnh hưởng tới tới sự vươn cao của cây trồng. Nên mua các loại lọc có cấu tạo khép kín (nước vào một đường, ra một đường khác, khoang lọc được thiết kế kín nước hoàn toàn), có thể là đồ tự chế hoặc hàng sản xuất công nghiệp.

Vật liệu lọc cũng là vấn đề đáng lưu tâm, hãy đầu tư xứng đáng cho vật liệu lọc, đây là danh mục đầu tư không nên quá tiết kiệm. Tránh dùng vật liệu lọc chỉ toàn bông, tuy nó sẽ làm cho nước hồ trong xanh nhưng sẽ vất vả trong việc thay thể liên tục vì nhanh bị bẩn, tắc lọc. Tránh dùng than hoạt tính vì nó có tác dụng hút chất độc trong hồ nhưng khi đã hút “no” thì nó sẽ là nguyên nhân khiến hồ bị sốc độc.

6. Động vật trong hồ

Có 2 loại là động vật làm đẹp và động vật diệt rêu tảo cho hồ. Nếu bạn muốn bớt công sức trong việc chăm sóc hồ, diệt rêu tảo hại thì hãy chú trọng vào nhóm 2 (cá Otto, cá bút chì, cá mún, cá bảy màu, các loại cá chuột, cá tỳ bà…) và nên hạn chế cá nhóm 1 ở mức nhất định. Lý do là cá nhóm 2 ta có thể không cần cho ăn nhưng nhóm 1 thì có. Thức ăn thừa cũng là nguyên nhân gây rêu tảo, vậy nên bạn muốn đầu tư cho nhóm 1 thì nên đầu tư thêm một nhóm cá chuột để chúng dọn dẹp đồ thừa.

Tránh sử dụng cá bống vàng vì loại này quá hiếu động, sẽ làm hỏng cây, bật rễ cây. Hạn chế dùng các loại ốc vì đôi khi chúng sinh sổi nảy nở quá nhanh và dần khiến bạn phải bận tâm về số lượng. Mặt khác ốc còn có thể đẻ trứng nhưng trứng lại không thể nở khiến hồ mất đi vẻ đẹp. Chỉ nên thả tép cảnh khi hồ không thả cá vì cá sẽ ăn tép con, bầy tép sẽ khó có cơ hội phát triển hoặc tép nhát, không dám bò ra khỏi các bụi cây, hốc đá.

7. Vật trang trí

Đá hoặc gỗ lũa được sử dụng để xây dựng bố cục cho hồ, tuy nhiên nếu bạn là người mới chơi hoặc cần cắt giảm chi phí thì đây là khoản không bắt buộc. Tránh sử dụng các vật trang trí như tượng sứ hoặc đồ chơi nhân tạo vì mục đích của hồ thủy sinh ở đây là tái tạo lại tự nhiên. Nhưng bạn vẫn thích sử dụng đồ chơi nhân tạo trong hồ thì sao? Chả sao cả, đó là hồ của bạn cơ mà!

~Bouaqua~

4/5 - (6 bình chọn)

Để lại bình luận