Trong một hệ thống bể thủy sinh, ánh sáng là phần không thể thiếu và có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của cây trồng trong bể. Dựa trên thực tế đó, thị trường phụ kện thủy sinh đã giới thiệu tới người chơi rất nhiều sản phẩm đèn chuyên dụng với các lựa chọn khác nhau về số bóng đèn, kiểu dáng cũng như mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên trong thú chơi luôn có những nhu cầu riêng và việc tự chế hệ thống ánh sáng cho bể thủy sinh không phải là bất khả thi và nó sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn nắm được một số kiến thức cơ bản.
Trước tiên là lựa chọn loại ánh sáng (loại đèn) nào sẽ phù hợp với nhu cầu và khả năng tự chế của bạn
Đèn T8
Ưu điểm của loại này là giá thành mức độ phổ biến. Các bạn có thể dễ dàng tìm mua đèn T8 dân dụng hay chuyên dụng cho thủy sinh. Chấn lưu cho loại đèn này cũng rất sẵn, các bạn nên chọn chấn lưu điện tử vì sẽ đơn giản hóa được phần điện và tiết kiệm được không gian cho phần chấn lưu (không như loại chấn lưu sắt từ vừa nặng vừa tốn thêm không gian cho starter hay còn gọi là tắc-te, con chuột…). Nhược điểm là tiết diện bóng hơi to nên sẽ làm tổng thể máng đèn lớn lên theo, bên cạnh đó thì nhiệt lượng tỏa ra từ bóng đèn nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng tới. Trong tương lai đèn T8 sẽ dần bị thay thế bởi các loại đèn khác ưu việt hơn, đối thủ gần nhất của nó hiện nay là đèn T5.
Đèn T5 / T5HO
Với tiết diện bóng nhỏ hơn đèn T8 đáng kể sẽ giúp máng đèn của bạn nhẹ nhàng hơn, mỏng hơn. Có 3 loại đèn T5 phổ biến nhất là T5, T5HE (tiết kiệm điện) và T5HO (công suất cao), để chơi thủy sinh thì các bạn nên chọn T5HO tuy rằng loại này trên thị trường còn rất hạn chế (không tính bóng chuyên dụng cho thủy sinh). Nếu sử dụng loại bóng dân dụng thì T5 là sự lựa chọn lý tưởng của bạn, tuy nhiên nhược điểm của nó là độ xuyên sáng không sâu nên khó có thể sử dụng cho các bể có chiều cao tương đối.
Đèn T4
Nhỏ hơn cả đèn T5 là bóng đèn tuýp T4 (nên còn được gọi là loại “bóng đũa”). Loại này có ưu điểm là nhỏ gọn, dễ chế, hầu như chỉ cần đấu điện là có thể sử dụng được ngay vì tất cả đã được tích hợp trong một bộ đèn. Nhược điểm của loại này là đèn nhanh bị xuống cấp (giảm công suất hoặc sai màu), độ xuyên sáng kém hơn cả đèn T5 nên chỉ có thể sử dụng cho các hồ nhỏ mà thôi. Đèn T4 hiện giờ cũng đang dần bị đào thải khỏi thị trường chiếu sáng.
Đèn Metal
Đây là loại đèn cao áp nên rất thích hợp cho những hồ lớn, cần ánh sáng có khả năng xuyên sâu cao. Đèn metal đã góp phần làm nên giá trị của thương hiệu thủy sinh ADA với sản phẩm đèn thủy sinh chuyên dụng Grand Solar I và II. Nhược điểm của loại đèn này sức nóng tỏa ra từ bóng và chấn lưu rất lớn nên vật liệu tiếp xúc với các phần này phải có khả năng chịu nhiệt cao. Loại đèn này có lẽ chỉ để tham khảo chứ không thích hợp lắm với việc tự chế thành sản phẩm chiếu sáng dành cho thủy sinh.
Đèn led
Hứa hẹn sẽ thống lĩnh thị trường chiếu sáng trong tương lai, đèn led mang lại nhiều lợi ích với những ưu điểm nổi trội như nhỏ gọn, tỏa nhiệt thấp (thật ra là hạn chế tỏa nhiệt theo hướng ánh sáng), sử dụng điện 12V an toàn, độ xuyên sáng cao… Trong thủy sinh, đèn led đã tạo nên cả một trào lưu tự chế với vô vàn các mẫu mã thiết kế mang dấu ấn riêng. Nhược điểm lớn nhất của đèn led là khả năng thể hiện màu không tốt trên cây lá đỏ và tác dụng phụ làm bùng phát rêu hại vì mức độ chiếu sáng quá lớn của mình. Trên thị trường hiện có các loại led thanh (các mắt led được hàn trên thanh nhôm cứng), led dây (các mắt led được bọc nhựa, bán theo cuộn, không nên chọn loại này vì ánh sáng kém) và led luxenon với ánh sáng rất mạnh (loại này khi chế có phần phức tạp hơn). Xem thêm về các mẫu đèn led tự chế.
Khi đã chọn được bóng đèn rồi, khi chế các bạn cũng cần lưu tâm đến một số bộ phận sau:
Chóa phản quang
Có tác dụng gom ánh sáng tập chung chiếu theo một hướng, một dàn đèn có sử dụng chóa phản quang gom sáng tốt có thể phát huy hết toàn bộ hiệu năng của bóng đèn. Chóa gom sáng trong nhiều trường hợp cũng giúp cản những tia sáng không mong muốn làm chói mắt người đứng đối diện với bể.
Tấm chắn nước
Có thể là mica hoặc kính, có tác dụng ngăn hơi nước từ bể thủy sinh bốc lên tiếp xúc với đèn có thể làm hệ thống đèn xuống cấp nhanh hơn hoặc oxi hóa các mối nối của đèn. Ngoài ra tấm chắn nước này cũng có tác dụng ngăn cản một phần nhiệt lượng từ đèn tác động tới nước bể.
Tản nhiệt
Dù bạn chế đèn với loại bóng nào đi nữa thì vấn đề tản nhiệt cũng cần được cân nhắc một cách đúng đắn. Hệ thống tản nhiệt tốt giúp dàn đèn không phải chịu đựng cái nóng do chính nó tỏa ra. Nhiệt góp phần làm xuống cấp các bộ phận của đèn, đôi khi còn làm cong vênh, tệ hơn là cháy một số chi tiết nếu bạn không chọn vật liệu một cách hợp lý.
Trên đây chỉ là những kiến thức cơ bản các bạn cần lưu ý, còn để làm sao để có được một dàn đèn “đẹp không thua gì hàng hãng” thì còn tùy vào khả năng của chính bạn.
-bouaqua-