BOUaqua.com

Phạm Thành Văn – Chia sẻ kinh nghiệm tổng quát – phần 1

Một bài viết rất tâm huyết của tác giả Phạm Thành Văn nhằm tiếp sức cho các bạn tham gia cuộc thi thủy sinh lớn nhất thế giới IAPLC năm 2020. BOUaqua xin được chia sẻ nguyên văn:

Bài này mình viết riêng cho hội IAPLC Vietnam, anh em có thể chia sẽ thoải mái nhưng vui lòng ghi rõ nguồn: Phạm Thành Văn – Group Iaplc Vietnam.
Vì khi tham gia 1 sân chơi lớn như IAPLC, người tham dự có muôn vàn vấn đề phải lưu tâm như bố cục, cây cối, động vật, lọc, dòng chảy, Co2, nền, vi sinh và cả thời gian và cách chụp hình… nói chung là tất tần tật. Vậy nguyên tắc đầu tiên các bạn mới tham gia và sẽ tham gia nên nhớ là: Loại trừ càng nhiều yếu tố càng tốt, để có thời gian và đầu óc tập trung tốt nhất về những vấn đề quan trọng khác.

1. Bộ nền cho hệ thống hồ sắp thi

Mình xin phép đề cập về bộ nền đầu tiên, lý do vì sự quan trọng của nó và đây là câu hỏi mình được anh em đi thi hỏi nhiều nhất. Theo mình, các bạn nên chọn cho mình 1 bộ nền CÔNG NGHIỆP tốt để làm hồ thi, lý do như sau:
– Nguyên tắc loại trừ ở trên, các công ty thủy sinh đã nghiên cứu và đau đầu dùm chúng ta khi họ tạo ra 1 bộ nền chỉ cần cho vào hồ và sử dụng 1 cách an toàn, chúng ta có thể dùng thời gian để giải quyết vấn đề khác
– Theo mình toàn bộ các cây thủy mộc đều không cần quá nhiều dinh dưỡng, chỉ vừa đủ hoặc thiếu chút cũng không sao nếu yếu tố khác bù lại (như đủ Co2 chẳng hạn). Cái sợ nhất là độc, dư dinh dưỡng và rêu hại. Khi sử dụng nền công nghiệp (có tiếng tăm), các bạn không phải lo về vấn đề này
– Nền công nghiệp là phù hợp nhất cho những bố cục khó. Thử tưởng tượng bạn dùng đất sét và bùn để đi chung với bố cục thì cũng mệt rồi. Trong khi nền công nghiệp chỉ cần đổ vào trước hoặc sau khi xong phần hard scape
– Nền công nghiệp đa số có khả năng hút ngược dinh dưỡng và độc tốt dư thừa trong nước, khả năng này gọi là CEC (Cation Exchange Capacity). Hiếm nền trộn nào có khả năng quan trọng này. Nền nào có CEC cao đều làm rêu và những cây thủy sinh nhạy cảm rất căng đẹp vì nó làm sạch nước.
– 1 bộ nền trộn, dù có hoàn hảo đến đâu thì nhà sản xuất vẫn không thể nào kiểm soát được 100% những chất nền có thể tan ra, và khả năng 1 vài cây quan trọng bạn cần trong scape của mình không thể trồng với 1 số chất dư thừa đó, như vậy thật đáng tiếc. Câu hỏi anh em dùng nền trộn mà bị 1 vấn đề gì luôn là: hay nền của mình có vấn đề? Sau đó họ luôn bị ám ảnh về vấn đề này mà không thể tập trung làm tốt những việc khác được.
– Mình hay dùng nền trộn, và rất thích 1 số nền trộn ở VN, nhưng với ý kiến cá nhân thì để set 1 hồ bố cục đi thi với nhiều vấn đề phải giải quyết thì nền Công nghiệp mới thật sự phù hợp.
– 1 số chọn lựa cho anh em về nền công nghiệp: ADA (luôn là sự lựa chọn tốt và thông dụng nhất, dinh dưỡng tốt, CEC cao nhất), Contro soil (ngôi sao mới nổi với chất lượng tốt), Gex xanh (giá thành và chất lượng quá ok), Aquafor (hạt size đẹp phù hợp scape khó, giá thành rẻ tuy nhiên cần cốt nền xịn lót dưới)
– Về cốt nền, mình khuyên anh em dùng cốt nào dinh dưỡng vừa phải và quản lý được 1 cách an toàn như Power sand của ADA, cốt JBL, sera… Và nên lót ít nham thạch trắng ở dưới đáy nền để tạo độ thoáng, tránh bí nền và vi sinh yếm khí bùng phát lấn áp toàn bộ hệ vi sinh.
– Nếu có thể, nên dùng đúng liều lượng nhà sản xuất đưa ra vì bộ đệm và khả năng CEC mình vừa đề cập ở trên sẽ hiệu quả nhất khi đúng liều lượng / số lít nước nhất định
Xong, bỏ vấn đề nền qua 1 bên để lo chuyện khác

2. Co2

– Mình đề cập Co2 thứ 2 vì nó là điều sống còn của 1 hồ đi thi. Rêu ráy, dương xỉ, cây thủy sinh… từ lá đến thân, rễ cây đều được tạo nên chủ yếu từ Carbon (hơn 45%), nền bạn có thể yếu dinh dưỡng 1 chút nhưng không thể nào thiếu Co2 trong nước.
– Lý do thứ 2 là Co2 cức kì dễ quản lý để loại trừ sự lo lắng về nó. Lượng Co2 được các nhà khoa học và toàn bộ các công ty thủy sinh uy tín như ADA (Nhật), Tropica (Đan Mạch) hay Denerner (Đức) công nhận để cây sử dụng đủ và tốt nhất trong hồ thủy sinh là 30 ppm (30 mg/l), và lượng Co2 này có khả năng hạ pH của nước chính xác là 1 độ, nên chúng ta chỉ việc dùng Co2 giảm 1 độ pH của hồ và giữ mức ổn định này là xong, có thể dành thời gian làm việc khác. Các anh em chắc cũng đã biết cách làm như sau:
+ Đầu tiên lấy 1 ly nước hồ để ra ngoài 24h cho Co2 có sẵn trong nước bay hơi hết, và dùng dụng cụ (nên dùng dung dịch test) đo pH và ghi lại kết quả. Kết quả này là độ pH chuẩn của nước hồ khi không bị Co2 hay O2 tác động (pH của nước hồ với bộ nền, không phải của nước máy đầu vào)
+ Cung cấp 1 lượng Co2 vào hồ, sau 30 phút đo pH trực tiếp nước hồ khi đã có Co2, ghi lại kết quả. Nếu kết quả này thấp hơn kết quả ly nước để 24h kia 1 độ, thì Co2 đã ở mức 30 ppm, chỉ cần giữ số giọt hay mức Co2 này là chúng ta không còn bận tâm về câu hỏi “hồ mình đã đủ Co2 chưa”. Nếu độ pH của hồ còn chưa thấp hơn pH ly nước 24h kia thì chúng ta tăng Co2 dần và đến khi nó giảm đúng 1 độ. Nếu pH hồ thấp hơn 1 độ so với ly nước, thì chúng ta giảm ít Co2 vì lượng Co2 trên 30-40 ppm có thể làm cá ngộp và cây chẳng khỏe hơn mà còn có khả năng làm hệ vi sinh yếu gây bất ổn và tảo nâu, rêu chùm đen dễ xuất hiện.
Xong về Co2, tiếp tục lo chuyện khác

3. Dòng chảy và độ tĩnh/ động của mặt nước

– Không được để bất cứ góc hồ nào bị nước tù, dòng chảy không đến được, đối với 1 số bố cục thì điều này tưởng là dễ nhưng rất khó, mình rút kinh nghiệm này ra từ khi quan sát bố cục hồ anh Long.
– Nên dùng 2 lọc thay vì 1 lọc, lý do vì với 2 lọc ngoài việc vi sinh sẽ ổn định hơn, dòng chảy 2 lọc sẽ luôn được đảm bảo, và mỗi lọc chỉ cần 1 dòng chảy không quá mạnh so với việc chỉ dùng 1 bộ lọc.
– Nếu có điều kiện, các bạn có thể sắm 1 bộ chiller cho hồ đi thi của mình. Chiller làm ổn định nhiệt độ nhưng lợi ích khác nó mang lại là bạn không phải dùng quạt giải nhiệt. Tác dụng không mong muốn khi chạy quạt là làm mặt nước quá động và làm lượng Co2 thất thoát nhanh chóng. Nếu không có điều kiện mua chiller, bạn có thể dùng quạt không quá mạnh, chỉ làm mặt nước hồ động 1 chút nhưng vẫn có khả năng giữ nhiệt độ nước không quá cao là ok.
– Bắt buộc chạy lọc váng (hay bộ IN có chứng năng hút váng, hoặc lọc vách…), để đảm bảo lượng O2 được tan vào mặt nước và đi khắp hồ. Tránh để mặt nước quá tĩnh, O2 yếu làm cả hệ thống vi sinh yếu theo. Tuyệt đối không để mặt nước có váng dầu, toàn bộ hệ thống sẽ mất cân bằng nhanh theo.
Làm xong điều này, cây cối và động vật trong hồ của bạn sẽ rất khỏe, bạn có thời gian cho việc tiếp theo

4. Hãy đảm bảo rằng toàn bộ những gì bạn cho vào hồ và lọc đều không có khả năng gây bất ổn cho hệ thống

– Anh em nào làm hồ đi thi cũng rối tung lên khi cây yếu hay xảy ra vấn đề gì. Sau đó là luôn tự hỏi bản thân là “có thể vì cái này trong lọc, có thể do cái kia dưới đáy nền…” Vậy nên nếu anh em đảm bảo rằng những vật mình cho vào hồ là an toàn, thì sẽ đỡ rối hơn
– Những vật không nên cho vào hồ và lọc: đá nham thạch nâu (nhiều anh em, trong đó có cả admin của chúng ta, và chính bản thân mình đã trải nghiệm về điều này) với khả năng tan sắt và kim loại nặng vào nước nếu dùng nhiều và lâu dài, 1 số loại đá gây tăng pH (đa số màu trắng như tai mèo, kẹp kem nếu dùng lượng quá nhiều), nền trộn quá nhiều dinh dưỡng không kiểm soát được, cốt nền không kiểm soát dinh dưỡng được, san hô, sỏi 3 màu, cát muối tiêu… (tăng pH và gH cao nếu dùng nhiều, làm Co2 khó được cây hấp thụ), đất đỏ từ mini fiss (1 lượng đất đỏ có thể gây bụi 1 thời gian dài, bám lên lá làm yếu cây, gây rêu hại, đục nước…)
– 1 số loại cá tép không phù hợp (cái này để cho anh em có nhiều kinh nghiệm chia sẽ thêm)

5. Nguồn nước đầu vào:

– Thông dụng và nên dùng nhất là nước máy (thủy cục), vì đa số nguồn nước máy của VN đều có chất lượng tốt về toàn bộ chỉ số cần thiết như pH, độ cứng, khoáng, đa vi lượng…
– 1 số anh em bắt buộc phải dùng nguồn nước giếng vì nhiều lý do, nhưng cái này cũng hên xui. Mình đã từng thấy nhiều nguồn nước giếng giống như chỉ để dành riêng cho hồ thủy sinh, nó có khả năng làm cây căng đẹp tuyệt vời, nhưng rất tiếc rằng nhiều nguồn nước giếng khác lại khá độc, nhiều phèn (Fe), kim loại nặng, và chỉ số NO3 rất cao (làm cây có hiện tượng xoăn tít lá và rữa dần)
– Dùng nước RO. Nếu anh em nào dùng nước RO 100% thì bắt buộc phải châm khoáng gH (Ca Mg, vi lượng) rồi mới trồng cây được. Đơn giản nhất là mua hủ beeshrimp gH+ của Đức rồi châm theo hướng dẫn, rẻ hơn thì liên hệ mình để được tặng miễn phí (nếu là thành viên của hội ta)
– Nếu là nguồn nước mưa, hay nguồn nước có chất lượng không đảm bảo, các bạn có thể gửi mẫu cho mình để mình chạy test tổng thể rồi gửi kết quả cho bạn, việc này hơi mất thời gian và chi phí nên mình ưu tiên miễn phí cho anh em hội ta trước.
Nói chung nếu dùng được nước máy thì vừa kinh tế vừa an tâm nhất.

6. Về lũa đá, bố cục, thì các bạn đã quá rành và mình không đủ trình độ và khả năng để chia sẽ. Nhưng theo kinh nghiệm rút ta và được anh Long và nhiều người đi trước hướng dẫn thì có 1 quy tắc anh em hay làm ngược là: nên tạo bố cục để phục vụ cho cây cối thủy sinh trong hồ, chứ không phải tạo xong bố cục rồi mới tìm cây để phục vụ bố cục đó.

7. Vật liệu lọc và hệ vi sinh
Sẽ còn update nhiều, sau khi được anh em góp ý, chỉnh sửa…

Nguồn: Phạm Thành Văn – Group IAPLC Vietnam
https://www.facebook.com/…

Để lại bình luận