Bố cục đá trong bể thủy sinh dường như là một sự lựa chọn an toàn và có phần nhàn hạ hơn so với lũa. Với một bể thủy sinh chơi lũa, bạn phải đảm bảo lũa được xử lý tốt, nếu chi tiết của lũa xấu sẽ cần phải buộc rêu và đảm bảo rằng loại rêu đó được đặt đúng chỗ và phù hợp với bố cục, trong trường hợp lũa bị rêu hại việc xử lý không phải lúc nào cũng đơn giản… Một bố cục đá khắc phục được hầu hết những nhược điểm đó, tuy nhiên sắp xếp đá cho đẹp và hợp lý là vấn đề không dễ.

Trong hồ trên tác giả chỉ sử dụng 6, 7 viên đá để tạo bố cục vì là hồ nhỏ. Với số lượng đá hạn chế, không gian hạn chế thì việc sắp xếp đá hợp lý là rất quan trọng. Phong cách phổ biến nhất của bố cục đá là mô tả cảnh núi, nếu sắp xếp không hợp lý núi có thể thiếu độ rộng của chân tạo cảm giác không vững, có thể bị dàn trải đá và không tôn được đỉnh núi, có thể bị “ngộp” hồ vì đá được thêm vào quá nhiều để cố gắng thực hiện ý tưởng.
Trong hồ trên, tác giả đã chọn loại đá có vân không quá rõ ràng, đan xen và không chạy cùng hướng, điều này giúp ta có thể thoải mái hơn trong việc xoay vần viên đá tìm góc đẹp, không bị bó buộc vào việc xếp bộ đá phải có vân chạy cùng một hướng.
Hai viên đá đầu tiên đã bổ khuyết được cho nhau ở chi tiết khe núi, tạo được thế núi với một đỉnh chính cao và nhọn, một đỉnh phụ tù và lớn hơn. Viên đá chính có phần đầu nhô ra tạo được khoảng tối nằm ngay vị trí điểm vàng thu hút cái nhìn của người xem vào khu vực đỉnh núi. Những viên đá còn lại bên tay phải thoải hơn, xuôi theo một hướng giúp tôn thêm cao độ của đỉnh núi.
Việc trồng cây xen giữa các đỉnh núi giúp đá bớt cứng và khẳng định được sự sinh sôi nảy nở mãnh liệt của thiên nhiên. Khi thảm cây mọc kín hồ sẽ giúp che chân núi và với lý do này thì đá vụn xếp chân núi là điều không cần thiết. Bố cục núi trên sẽ giúp hồ nhỏ của bạn trở nên lớn hơn rất nhiều.
-bouaqua-