Phần 2 của loạt bài viết này bouaqua muốn đề cập tới một khía cạnh khác xung quanh cái bể thủy sinh của chúng ta, nghe tiêu đề thì rất “phật giáo” nhưng các bạn cứ đơn giản hóa mọi sự, đừng coi nó là cái gì đó ghê gớm. Bouaqua viết phần 2 này là để dành cho tất cả mọi người, viết những cái tưởng như khó hiểu trở thành dễ hiểu (và chắc chắn là có liên quan đến thủy sinh chứ không lạc đề nhé).
Trong cuộc sống, mọi sự xảy ra đều tùy duyên. Thử tưởng tượng bạn đang tìm mua một loài cá quý, tiền bạc với bạn không thành vấn đề, bạn có hiểu biết và thực sự muốn có chúng chứ không đơn giản chỉ là vui chơi đơn thuần, nhưng những yếu tố đó là không đủ. Duyên đến, bạn mua được cá, chăm sóc, nâng niu chúng sống khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở. Nếu duyên chưa đến, bạn không thể nào có được những con cá ấy (hoặc không gặp được người bán, hoặc đã bị người khác mua hết rồi…). Duyên hết, đàn cá đang ở bên bạn bỗng một ngày đổ bệnh, lần lượt ra đi không lời từ biệt, bạn có cố mọi cách cũng không thể cứu vãn, chỉ còn lại một nỗi luyến tiếc, thất vọng. Đến đây bouaqua muốn sử dụng từ “duyên lành” (ý nói những điều tốt đẹp) và “duyên dữ” (thay cho từ “hết duyên”). Duyên lành đến, bạn sẽ có, duyên dữ đến, bạn sẽ mất, không thể làm gì khác.
Hay như đơn giản bạn làm một bể thủy sinh thật đẹp để thưởng thức, để luyện tập “tâm bình an”, tất cả đều suôn sẻ, tốt đẹp, ấy là bạn và bể thủy sinh của mình đã có được mối “duyên lành”. Nhưng khi duyên dữ đến, bể của bạn bỗng nhiên nứt đáy (có thể tìm ra hoặc không tìm ra nguyên nhân nhưng vấn đề là đáy bể đã nứt rồi, không thể cứu vãn). Nếu bịt đáy, giữ bố cục thì quá nguy hiểm về sau, nếu phải bỏ hết mọi thứ trong bể ra để xử lý thì bạn lại tiếc. Nói về duyên để thấy rằng đôi khi có những điều xảy ra trong cuộc sống mà bạn không hiểu tại sao (cần phân biệt với không chịu tìm hiểu), vậy thì cứ nghĩ đến “duyên lành” và “duyên dữ” để tâm hồn được thanh thản, phải thanh thản, sớm thoát khỏi sự bủa vây của thất vọng, phiền não, phẫn nộ… để sớm tìm lại cảm hứng với một bố cục mới, một bể mới. Không thể để vì một lý do mà bỏ cả một thú chơi. Đặc biệt với những ai tham gia các cuộc thi thì điều này càng trở nên quan trọng.
Thế nhưng nói vậy không phải trong trường hợp nào cũng có thể “đổ thừa” cho duyên, đặc biệt với những trường hợp liên quan đến nghiên cứu, đến kiến thức. Thí dụ như hồ của bạn đang đẹp mà lại bị rêu, bạn phải nghiên cứu, tìm hiểu cho ra gốc rễ vấn đề để xử lý, nếu ngay lập tức bạn nghĩ “chắc tại duyên dữ” ấy là khi bạn sẽ bỏ hết, làm lại bể khác (trên internet nhiều người hay dùng từ “lật bể”) và rồi tất cả lại tiếp diễn. Không lẽ duyên dữ liên tục bủa vây bạn như thế? Lúc ấy tâm bạn không bình an và chắc chắn bạn sẽ từ bỏ thú chơi tao nhã này.
Còn rất nhiều, rất nhiều những tình huống khác nữa xảy ra trong thú chơi mà bạn cần phải nhún vai cho qua một cách vui vẻ và tự tin bắt đầu lại. Đó là một tiền đề vững chắc để thú chơi thủy sinh có thể tồn tại và phát triển với những sáng tạo mới của người chơi.
Tất cả mọi thứ trên đời này chỉ là tạm thời, không có gì là mãi mãi. Con người sinh ra, tồn tại mấy chục năm rồi lại chết đi, thân xác rồi cũng thành cát bụi. Những công trình cổ đại dù có tồn tại hàng ngàn năm qua những cũng khó có thể tồn tại thêm ngàn năm nữa, con người có tìm cách duy trì thì thiên nhiên cũng sẽ vùi dập hết, tất cả chỉ là thời gian. Ngay cả mặt trời, nguồn sống của mọi sinh vật cũng sẽ “giở trứng” trong khoảng 5 tỉ năm nữa và giết chết tất cả. Còn trong thủy sinh, khi bạn kết hợp các vật liệu kính, nhựa, đất, cát, sỏi, cây… thành một tập hợp có trật tự thì chúng ta gọi là “bể thủy sinh”, nhưng khi phá ra thì không còn bể thủy sinh nào nữa, chỉ còn những đống vật liệu mà thôi, cái bể thủy sinh chúng ta vẫn chiêm ngưỡng chỉ là tạm thời.
Giải vàng trong cuộc thi thủy sinh bạn đạt được chỉ là tạm thời, hãy tiếp thục tham gia để tìm kiếm niềm vui, đừng sợ mình bị mất giải trong năm sau. Bố cục bể bạn đăng lên các trang mạng xã hội được mọi người khen ngợi, tung hô chỉ là tạm thời, nó không thể duy trì mãi mãi, bạn đừng ngủ quên trong hạnh phúc, hãy cho ra đời những bố cục khác, đừng sợ những chê bai. Cái lọc bạn dành dụm mấy tháng lương để đầu tư cho hoành tráng chỉ là tạm thời, đến một ngày nó lăn đùng ra, không thể bảo hành, bạn cũng đừng buồn phiền, tạm thời hãy sử dụng một cái lọc khác. Những bạn nhập môn hay tự gọi mình là “người mới”, là “gà”, là “newbie”, là “noob”… ngay cả những cái danh này cũng chỉ là tạm thời, hãy trải nghiệm, tìm tòi, học hỏi và một mai sẽ có người gọi bạn là “cao thủ”, là “pro”. Và cũng đừng nghĩ cái danh “cao thủ” hay “pro” là mãi mãi mà tự kiêu, lười vươn lên, cho rằng người khác thấp kém hơn mình, khi ấy duyên dữ ắt sẽ bủa vây lấy bạn trong mọi sự.
Vậy bây giờ mới nói đến “buông bỏ”. Nếu bạn đã biết về “duyên lành”, “duyên dữ”, đã biết mọi thứ chỉ là tạm thời, không phải mãi mãi thì bạn sẽ có thể “buông bỏ” để tâm có thể bình an. Con người ta sinh ra trên trần thế này vốn chẳng có gì, chết đi cũng không mang theo được gì nên hãy học cách buông bỏ. Một bộ đầu in-out của ADA mà bạn vốn rất yêu quý, tự hào và giữ gìn bỗng một hôm vệ sinh bể bạn lỡ tay làm rớt xuống nền nhà vỡ tan, lúc ấy bạn có muốn giữ cũng không được, ừ thì vui vẻ chấp nhận sự thật rằng duyên dữ đã đến, rằng bộ in-out không thể tồn tại mãi, bạn không còn có thể sở hữu nó lâu hơn được nữa. Bạn buông bỏ, đừng giữ sự thất vọng, bực dọc trong lòng làm gì, tập trung vào thú chơi để có được những bể thủy sinh đẹp hơn. Bạn buông bỏ bớt được những tham, sân, si thì bạn sẽ chơi vui vẻ hơn, thủy sinh sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn:
- – Tham lam mong muốn cho cây mọc nhanh hơn mà sử dụng liên tục các loại phân nước cũng như đánh đèn không hợp lý dẫn đến rêu tảo bùng phát, bể tàn lụi mà không thể cứu vãn. Tham lam cây trồng để rồi bố cục bị phá vỡ, trở thành hồ ươm, hồ tạp. Tham lam của rẻ để sử dụng những thứ không thực chất tốt đẹp cho hồ của mình dẫn đến những vấn đề phát sinh không lời giải đáp (chớ đổ cho “duyên dữ”, phải tìm hiểu căn cơ)… Đó là THAM.
- – Bớt giận giữ, nóng nảy khi người khác chê bai, công kích về bể thủy sinh của mình để có thể sáng suốt lắng nghe rút kinh nghiệm hoặc vui vẻ bỏ qua, coi như lời của một kẻ u mê, thiếu hiểu biết. Giận giữ khi đàn cá chết mà lười chăm sóc, vệ sinh bể khiến cây trồng cũng chịu chung số phận. Giận giữ khi mua phải hàng kém chất lượng mà lên mạng bêu riếu, làm om xòm trong khi chưa thử giải quyết một cách êm xuôi… Đó là SÂN.
- – Ngu dốt, thiếu kiến thức mà đi phán xét tác phẩm của người khác khiến tất cả đều kém vui. Ngu dốt mà đưa ra những điều mới, không qua kiểm chứng, xác thực khiến mọi người hoang mang. Thiếu kiến thức mà tư vấn người khác làm thế này, thế kia dẫn đến đổ bể, thất bại, có khi khiến họ bỏ thú chơi… Đó là SI.
Bây giờ thời đại internet phát triển, mạng xã hội Facebook đã soán ngôi mạnh mẽ các diễn đàn thủy sinh truyền thống. Khi tham gia vào các hội nhóm thủy sinh trong đây bạn sẽ gặp vô số các trường hợp để thực hành “buông bỏ”. Nếu bạn bình luận lịch sự, rõ ràng mà người ta đáp trả bằng lý sự cùn, xuyên tạc thì hãy buông bỏ, coi như gặp phải kẻ ngu tối, không biết lý lẽ, chỉ muốn kéo người khác xuống bằng với mình. Nếu bạn thấy một món phụ kiện mới, tuyệt vời nhưng không thực sự phù hợp với bể thủy sinh của mình, hãy buông bỏ, coi như tham khảo thêm cho mở mang đầu óc, không ai thay đổi cả một hệ sinh thái chỉ để phù hợp với một thứ vô tri. Nếu bạn gặp người bán hàng giả dối, lừa đảo, hãy buông bỏ, trước là tìm cách giải quyết êm xuôi giữa hai người, sau là để nhân quả tùy ý xử lý người ta, đừng gây thù hận. Nếu bạn gặp một loài cây quý hiếm nhưng chưa hiểu biết về nó, hãy buông bỏ, đừng tham lam rước về rồi để nó chết, vừa hao tài tốn của vừa mất cơ hội cho những người hiểu biết hơn chinh phục nó… Còn nhiều tình huống lắm nhưng bạn sẽ biết cách mà ứng xử cho phù hợp.
Hãy học cách buông bỏ để tâm bình an, tâm có bình an, trong sáng thì bạn mới có thể cảm nhận được hết các nét đẹp trong bể thủy sinh của mình, nó không xấu hơn bể của những người khác nhiều đâu. Học cách buông bỏ để thú chơi này trở nên thi vị hơn, trở thành cầu nối giữa người với người thông qua các hội nhóm. Học cách buông bỏ để bớt lo âu, suy nghĩ về cuộc sống mưu sinh, tạo cơ hội cho tâm hồn được phiêu lưu với bụi cây, con cá – ấy là sống chậm, là “bình tĩnh sống”.
-bouaqua-
Thú chơi thủy sinh rất đặc biệt, có người bước vô lại không bước ra được, có người chưa đến cửa đã quay đầu lại
Đọc qua bài viết của bạn rất hay, nhớ ngày xưa những diễn đàn thủy sinh ngày nào cũng vô xem, giờ thì ít thành viên hoạt động cũng không còn thói quen vào diễn đàn xem nữa.
Tre già măng mọc mà bạn, rất cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi Bouaqua.net