Xin chào các bạn, hôm nay Bouaqua viết bài này để giúp cho các bạn mới chơi có thể xác định được tư tưởng khi “dấn thân” vào thú vui tao nhã: Thủy sinh. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã biết đến thủy sinh sau khi nhìn một bể cá trồng cây đầy màu sắc, cây cối sống và phát triển trong nước, điều mà chúng ta khó chấp nhận trước đó và thường chỉ nghĩ đó là cây giả. Nhưng khi chúng ta thực sự bước vào thế giới thủy sinh mới thấy nó thật hấp dẫn, kỳ thú và cũng muôn vàn khó khăn. Vậy người mới chơi phải bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ việc xác định tư tưởng. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này dưới con mắt của một người mới chơi. Khi dò dẫm những bước chân đầu tiên trong thế giới thủy sinh chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu, có người thì tự mua đồ về rồi làm, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, chấp nhận đóng “học phí”, người thì lên mạng kết hợp với hỏi đáp các bậc tiền bối để đúc rút kinh nghiệm, có người khác lại chọn các mua một hồ thủy sinh hoàn chỉnh về rồi tự mày mò… Dù cách nào đi nữa thì cũng sẽ đến lúc các bạn phải tự mình xây dựng nên một hồ thủy sinh.
Khi đi hỏi các bậc cao thủ các bạn sẽ vướng phải tâm lý e ngại. Ngại vì nghĩ “người ta trả lời mình làm gì” hay sợ bị người khác coi là “cái đấy mà cũng phải hỏi à (cười khẩy)” hoặc “cái đó đơn giản thôi, tự search Google đi, mọi người nói nhiều lắm rồi”. Tuy nhiên không phải ai cũng như ai các bạn ạ, có thể người ta bận không trả lời mình được thì sao, có thể người ta khuyến khích mình tự tìm kiếm câu trả lời vì nó vốn đã hiển hiện ở khắp nơi quanh bạn, có thể cao thủ chỉ cho mình manh mối thôi… Hầu hết những người chơi thủy sinh đều rất hiền lành, có phần trầm tính, họ không ngại chia sẻ với bạn chỉ để họ có thêm người trao đổi về thú vui chung.
Nếu không thể hỏi được ai thì mình tìm kiếm tài liệu trên internet vậy. Ở trên này thì tài liệu miễn phí rồi, bạn có thể tìm kiếm được nhiều kiến thức thủy sinh thông qua Google. Tuy nhiên, những kiến thức đó là đúng hay sai thì tự bạn phải sáng suốt thẩm định. Tất nhiên bạn không thể thẩm định bằng kinh nghiệm của người trong nghề, bạn phải sử dụng logic.
Trước tiên là về vấn đề tự chế phần cứng cho hồ thủy sinh. Bạn thường nghĩ tự chế lấy thì sẽ rẻ hơn đồ đi mua, sẽ tiện dụng hơn, sẽ ưng ý hơn và thậm chí là đẹp hơn nữa! Tuy nhiên bạn cần phải xem lại:
– Đồ tự chế trước tiên là để thỏa mãn sự tìm tòi, thích khám phá và tý toáy của bạn, sau mới xét đến công năng.
– Đồ tự chế sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn dù nó là món gì đi nữa, nhưng cũng phải xét đến khía cạnh bền, đẹp để tránh những chi phí rơi rớt sau này cho việc sửa chữa, nâng cấp.
– Bạn học theo cách làm của tác giả, tất nhiên chỉ tác giả mới hiểu rõ nhất về nó và là người làm ra nó thành thạo nhất (rồi họ mới chia sẻ cho bạn). Bạn có chắc làm một lần là thành công không? (để tránh các chi phí phát sinh)
– “Ngon – bổ – rẻ” là hướng đi của đồ tự chế, vậy thì những đồ sản xuất hàng loạt đang bán ngoài kia thì tồn kho? Nó có sự khác nhau thế nào?
Bouaqua không lên án đồ thủy sinh tự chế, cũng không khuyến khích hay bài trừ, phải công nhận rằng đã có nhiều sản phẩm đồ tự chế thực sự “ngon – bổ – rẻ” hơn “hàng hiệu”. Các bạn hãy sáng suốt cân nhắc tùy vào khả năng tài chính và mục đích sử dụng của mình.
Thứ hai là vấn đề về hàng thật, hàng giả. Bạn sẽ nghĩ ngay: Mình là người mới tinh, làm sao có thể biết được thật giả ra sao???. Đừng quá lo lắng, hãy tìm hiểu về sản phẩm đó trên internet xem có xuất hiện sản phẩm giả không? Hãng sản xuất có chi nhánh hay đại lý tại Việt Nam không? Nếu không thì mọi người thường mua ở địa chỉ nào? Chắc chắn sẽ có rất nhiều phản hồi qua lại cùng các topic bàn luận để bạn tham khảo. Nếu không muốn tốn tiền bạc thì bạn phải tốn thời gian một chút. Hàng thật hàng giả cũng có nhiều loại, ừ thì biết là hàng giả đấy, tuy nhiên đôi khi xét về chi phí và mục đích sử dụng thì nó lại là lựa chọn ổn so với việc chọn hàng thật!
Thứ ba, vấn đề về bố cục của hồ thủy sinh. Đây là vấn đề mà nhiều người hay mắc lỗi, các bạn phải biết đi trước khi biết chạy. Phần lớn chúng ta khi thực hiện hồ thủy sinh đầu tay là gắn luôn cho nó một bố cục cụ thể (bố cục dựa theo một hồ đẹp mà bạn từng ao ước) mà quên mất rằng chúng tay chưa có nhiều điều kiện để tạo ra và duy trì bố cục đó. Tất nhiên cũng có người thành công ngay từ bước đầu và đó đương nhiên là số ít, mặt khác việc thành công quá sớm dễ làm chúng ta thỏa mãn, không muốn đào sâu tìm hiểu thêm và vươn tới những bố cục khó hơn. Riêng Bouaqua khuyên những người mới khi làm hồ thủy sinh đầu tay hãy bỏ qua bố cục, hãy tập trung vào tìm hiểu những điều kiện cần và đủ để cây trong hồ có thể phát triển, hãy tìm hiểu về cách sắp xếp, cát, đá, lũa… sao cho hợp lý. Một khi đã có được những điều đó thì bạn có thể thực hiện được bất cứ bố cục nào bạn muốn!
Thứ tư, vấn đề về duy trì sự sống cho hồ. Đó là một quá trình, việc duy trì một hồ đôi khi còn mệt hơn việc tạo ra hồ thủy sinh đó, đặc biệt khi bạn có hơn một hồ thủy sinh trong tay để thỏa mãn thú vui. Tạo ra hồ thủy sinh sao cho đẹp, vừa ý mình mà lại đáp ứng được tiêu chuẩn mỹ thuật nhất định vốn đã khó, nhưng việc duy trì vẻ đẹp của nó còn khó hơn nhiều. Có người sau khi có được hồ ưng ý thì rất hỷ hả, đến khi chăm sóc hồ họ lại thấy đó là một việc vô cùng nhàm chán, vậy là họ chỉ thích tạo ra và hưởng thụ? Người khác thì thấy việc duy trì hồ mất quá nhiều thời gian hàng ngày, và nó lặp đi lặp lại, nó làm họ mất kiên nhẫn, và rồi cuối cùng hồ bị “thả trôi”, phát triển một cách tự nhiên cho đến khi …lật hồ.
Đó là bốn vấn đề chính mà người mới chơi thủy sinh nên biết, “vạn sự khởi đầu nan”, không có gì là dễ dàng cả và thủy sinh cũng thế. Rất mong được trao đổi thêm với tất cả các bạn về vấn đề này.
-Bouaqua-