BOUaqua.com

Bể cá nhỏ để bàn

Trong quá trình làm nghề, bouaqua nhận được rất nhiều câu hỏi về những bể cá nhỏ: Tại sao cá lại chết? Tại sao nước đục? Tại sao cây cứ èo uột?… Và cũng rất nhiều yêu cầu chung chung: “anh (chị) muốn một bể cá nhỏ đơn giản thôi, cây sống và cá không chết là được”. Với những yêu cầu tưởng như đơn giản vậy nhưng để hiện thực hóa nó một cách thành công thì người chơi cần phải có hiểu biết nhất định. Bouaqua sẽ phân tích một số vấn đề để tất cả chúng ta cùng nắm được khi tự xây dựng cho mình một bể cá nhỏ để bàn.

Bể cá nhỏ đơn giản để bàn luôn là nhu cầu của nhiều người

Một bể cá nhỏ cần những phụ kiện gì?

  1. Máy lọc nước: Đây là trái tim của toàn hệ thống, lọc sẽ đảm bảo chất lượng nước luôn trong và sạch (nước trong chưa chắc đã sạch). Ưu tiên sử dụng các loại lọc thùng kín (chỉ có 1 đầu hút nước bẩn ra và 1 đầu trả nước sạch về bể), phần thùng lọc chứa các vật liệu lọc bên trong được treo bên cạnh bể hoặc đặt dưới chân tủ. Các loại lọc vách hoặc lọc thác tuy phổ biến và gọn nhẹ nhưng không đảm bảo hiệu quả mong muốn để duy trì cả một hệ sinh thái lâu dài. Khi chọn lọc nên nhìn vào lưu lượng nước bao nhiêu lít/giờ, một hệ thống lọc hiệu quả thì lưu lượng cần gấp ít nhất 4 lần thể tích bể (ví dụ bể thể tích 50L nước thì chọn lọc có lưu lượng ít nhất là 200L/giờ).
  2. Đất nền trồng cây: Nếu bạn muốn bổ sung vào bể một số loại cây trồng cho có màu xanh. Đất nền mà các tiệm cá cảnh sử dụng thường là loại có giá rẻ, chất lượng ở mức trung bình trở xuống và chỉ đủ dinh dưỡng nuôi cây trong vài tháng đầu. Để có được một bộ nền trồng cây ổn (sử dụng được từ 1 cho tới 2 năm, tùy loại cây) thì bạn phải tìm hiểu thêm ở các hội nhóm thủy sinh.
  3. Đèn chiếu sáng: Nếu bể của bạn có trồng cây thì đèn ngoài chức năng chiếu sáng phục vụ cho mục đích ngắm bể nó còn phải có các thông số phù hợp để lá cây có thể hấp thụ và quang hợp. Các sản phẩm đèn cá cảnh thường khó đáp ứng được điều này, bạn hãy tìm hiểu thêm về các sản phẩm đèn chuyên cho thủy sinh. Thời gian chiếu sáng cũng cần được khống chế để tránh làm phát sinh rêu hại, đối với một bể cá nhỏ có trồng một chút cây thì chiếu sáng từ 5 đến 6 giờ 1 ngày là hợp lý.
  4. Hẹn giờ: Đây là một thiết bị thường được dùng để bật, tắt các thiết bị khác một cách hoàn toàn tự động. Nó thường được sử dụng kết hợp với đèn để đảm bảo thời gian chiếu sáng luôn đúng và đủ và bạn cũng không cần phải quan tâm tới chuyện bật tắt đèn hàng ngày nữa.
  5. Hệ thống cung cấp khí O2: Thường thấy là một máy sủi oxi để tăng hàm lượng oxi trong nước, thật sự nó chỉ cần thiết khi bể nhỏ của bạn nuôi cả trăm con cá nhung nhúc hoặc hệ thống lọc của bạn quá tệ (tăng oxi trong nước sẽ phần nào giúp hệ vi sinh cầm cự được khi hệ thống lọc và vật liệu lọc không đạt yêu cầu).
  6. Hệ thống cung cấp khí CO2: Phụ kiện này không bắt buộc phải có, nó sẽ phù hợp với những bể có trồng nhiều cây được trang trí cầu kỳ và đòi hỏi thẩm mỹ bể ở mức cao. Khí CO2 sục vào nước sẽ giúp cây trồng phát triển mạnh mẽ và đẹp hơn bình thường.
  7. Vật liệu trang trí theo nhu cầu: Nhu cầu trang trí của mỗi người mỗi khác và hệ thống vật liệu trang trí cũng theo đó mà nở rộ với vô vàn các hạng mục, tuy nhiên cũng có một điểm các bạn nên lưu ý khi lựa chọn: Tránh sử dụng các loại vỏ sò, vỏ ốc, san hô chết, lý do là thành phần của chúng phần lớn là canxi, sẽ làm độ cứng và độ pH của nước tăng cao, gây bất lợi cho quá trình phát triển của cây trồng (và một số loài cá) nói chung.
Lọc thác không phải lựa chọn khôn ngoan, ít nhất là với người mới

Những bất hợp lý trong bể cá nhỏ của bạn

Đến đây thì có lẽ nhiều bạn sẽ nhận ra được các điểm bất hợp lý trong bể cá nhỏ mà mình đang sở hữu. Những điều bất hợp lý này xuất hiện thường do 2 nguyên nhân chính: Người làm bể dịch vụ muốn giảm giá thành sản phẩm và người tự làm bể chưa nắm được các kiến thức tối thiểu của thú chơi.

  1. Lọc vách: Được tích hợp vào trong bể bằng cách ngăn riêng ra 1 ô ở một bên đầu hồi bể. Ưu điểm là gọn gàng, chi phí sản xuất rẻ và nhược điểm là không gian chứa vật liệu lọc hạn chế, máy bơm đi kèm trong lọc này thường không phát huy được hiệu quả cần thiết (thường là để làm màu, công suất quá nhỏ so với yêu cầu, vật liệu lọc quá ít để đảm bảo nuôi cấy được đủ lượng vi sinh vật cần thiết).
  2. Lọc thác: Nhỏ gọn, treo bên thành bể và dòng nước đổ xuống như thác nhìn cũng vui mắt. Nhược điểm lớn của loại lọc này là diện tích chứa vật liệu lọc hạn chế và cơ cấu hoạt động của lọc không phù hợp để sử dụng lâu dài. Ngoài ra nó cũng góp phần tăng oxi, đồng thời giảm lượng CO2 vốn ít ỏi trong nước, gây cản trở quá trình sinh trưởng của cây trồng trong bể.
  3. Đèn màu: Chỉ phục vụ được mục đích ngắm cá chứ không phục vụ cho quá trình quang hợp của cây trồng.
  4. Sỏi trắng: Vật liệu trang trí có lẽ là phổ biến nhất trong các bể cá nhỏ, những viên sỏi này sau một thời gian sẽ bị xỉn màu, chuyển sang vàng do nước bẩn, do rêu hại bám. Ngoài ra các khe, kẽ giữa các viên đá sẽ góp phần giữ phân cá, thức ăn thừa, rác thải ở lại trong hồ và hình thành những ổ bệnh hoặc làm suy giảm chất lượng nước nhanh chóng.
  5. Cho cá ăn nhiều: Đối với nhiều người thì cho cá ăn là một thú vui, chính điều này dẫn tới việc cho ăn quá nhiều (lượng ăn nhiều hoặc ăn quá nhiều bữa) và hình thành tâm lý sợ cá bị đói. Thật ra cho ăn nhiều cá sẽ dễ chết hơn, lượng thức ăn thừa sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và cá sẽ bị phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, mất khả năng tự kiếm ăn để bổ sung các chất cần thiết theo nhu cầu cơ thể.

Rút ra kết luận

Để có một bể cá nhỏ để bàn tồn tại lâu dài các bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, đó là cơ sở để các bạn lựa chọn đúng và đủ các phụ kiện cần thiết, tránh làm phát sinh các phụ kiện không cần thiết, lãng phí.

Bể cá là một hệ sinh thái cần phải tự duy trì được độ ổn định để chơi lâu dài, bể cá nhỏ là một hệ sinh thái thu nhỏ và độ ổn định sẽ bấp bênh hơn rất nhiều. Do đó kinh nghiệm các bạn lại cần được nâng cao hơn. Hãy tiếp tục nghiên cứu và nếu có bất cứ thắc mắc nào các bạn hãy để lại bình luận phía dưới để chúng ta cùng giải quyết nhé.

-bouaqua-

Để lại bình luận