Sau khi hoàn thành công việc setup, chắc hẳn tất cả chúng ta đều rất háo hức chờ đón thời điểm tác phẩm của mình “bung lụa”. Nhưng trước khi tới được thời điểm đó chúng ta phải làm cho bể thủy sinh của mình ổn định cái đã.
“Ổn định” ở đây được hiểu là môi trường bể đã vượt qua giai đoạn trắc trở và bắt đầu “vào guồng”, cây trồng có thể phát triển mạnh mẽ, rêu hại được kiềm chế. Và tất nhiên là đã có thể thả cá được rồi.
Chu trình ni-tơ
Chắc các bạn đã nghe nhiều tới khái niệm này rồi. Khi bể đã hoàn thiện được chu trình ni-tơ thì có thể coi là nó đã ổn định và bắt đầu bước vào quá trình phát triển mạnh mẽ, bạn bắt đầu thưởng thức tác phẩm của mình.
Với sự phát triển như hiện nay, đã có rất nhiều cách, rất nhiều sản phẩm phụ trợ để đẩy nhanh quá trình này. Với những bạn mới bắt đầu chơi chắc chắn cũng thấy khá phức tạp khi có nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhiều góp ý đối lập nhau.
Theo lý thuyết, chu trình ni-tơ phải mất từ 2 tới 4 tuần mới thực sự hoàn thiện. Nhưng các bạn có tự hỏi vậy nếu không cần kích hoạt chu trình ni-tơ thì bể thủy sinh có ổn định được không?
Trước tiên các bạn nên tìm hiểu thêm về chu trình này rồi chúng ta sẽ xem câu trả lời ở phần tiếp theo: http://bouaqua.net/tim-hieu-ve-chu-trinh-nito-nitrogen-cycle/

Bể thủy sinh có thể tự ổn định
Đúng là như vậy, bể thủy sinh của bạn có thể tự ổn định được, không cần các tác động từ bên ngoài. Nhưng vấn đề lớn là người mới chơi thường hay nôn nóng, không thích chờ đợi và họ bắt đầu tìm cách để đẩy nhanh quá trình này.
Ngày trước, khi chưa có nhiều các sản phẩm phụ trợ như bây giờ thì bể thủy sinh sau khi hoàn thiện hầu hết đều được để đo cho tự ổn định và không có vấn đề gì lớn xảy ra cả. Rồi đâu sẽ vào đó, thủy sinh là thú chơi để rèn luyện tính kiên nhẫn mà.
Vậy liệu bể thủy sinh có thể tự ổn định khi chúng ta không kích hoạt chu trình ni-tơ? Thật ra chu trình này vẫn tự diễn ra dù bạn có làm gì hay không. Đó là một quá trình xảy ra hoàn toàn tự nhiên.
- Sau quá trình setup, trong môi trường nước của bể thủy sinh thường tồn dư NH3 (A-mô-ni-ắc). Cây trồng sẽ hấp thụ một phần chất này để phát triển. Phần dư thừa còn lại sẽ được một loại vi sinh sử dụng như thức ăn, chúng sinh sôi nảy nở. Chất thải của quá trình này là NO2 (Ni-tơ-rít)
- NO2 lại là món khoái khẩu của một loại vi sinh vật khác, chúng sẽ phát triển mạnh, “ăn” NO2 và thải ra NO3 (Ni-tơ-rát)
- Tiếp tục như vậy, NO3 lại được một loài vi sinh khác ăn để thải ra N2 (Ni-tơ). Chất này hoàn toàn vô hại đối với động vật thủy sinh và có thể được đưa ra khỏi bể bằng việc thay nước
Đó là chu trình ni-tơ. Dù bạn có kích hoạt hay không thì nó vẫn cứ diễn ra như vậy thôi, không thể dừng việc đó được.
Vậy tại sao có những bể thủy sinh thất bại?
Khi chu trình trên bị phá hoại, không thể hoàn thiện sẽ khiến bể thủy sinh của bạn thất bại. Chính xác thì là bể sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể trong vắt như bạn muốn.
Nguyên nhân khách quan:
- Nguyên nhân thường gặp nhất là do hệ thống lọc của bạn không đủ mạnh. Như bạn đã biết, vi sinh vật sống chủ yếu trong lọc, chờ dòng nước luân chuyển đi qua mang theo thức ăn. Khi hệ thống lọc của bạn quá yếu đồng nghĩa với việc lượng thức ăn đưa tới cho vi sinh cũng rất hạn chế và ít ỏi khiến hệ vinh sinh phát triển không hết sức. Hậu quả là bể mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện chu trình ni-tơ
- Do chất lượng nước. Có nhiều bạn sử dụng những nguồn nước đặc thù (nước giếng, nước mưa, nước suối…) với những thông số khác nhau phụ thuộc vào vị trí địa lý. Những thông số này thường gây bất lợi cho sự phát triển của hệ vi sinh, hậu quả là bể cũng phát mất nhiều thời gian để ổn định. Tệ hơn, có một số trường hợp bể không thể ổn định được.
Nguyên nhân chủ quan:
- Nước không ổn định. Thường là do bạn thay nước quá nhiều. Thời gian đầu, số lượng vi sinh còn đang hạn chế, bạn thay nước sẽ đồng nghĩa với việc đưa một cơ số vi sinh ra khỏi bể. Như vậy hệ sinh phát triển lâu hơn bình thường để có thể đạt đủ số lượng cần thiết
- Thay đổi môi trường nước đột ngột. Một phần nhỏ cũng tới từ việc thay nước, tuy nhiên hiện nay có thêm nguyên nhân nữa đến từ các chế phẩm được quảng cáo là có thể làm “ổn định nước nhanh hơn”. Thành phần của chúng thường là vi sinh, các chất làm trong nước, các chất kích thích cây phát triển… Ngoài ra thì cũng có những tạp chất nữa nếu nó không phải là sản phẩm của những hãng lớn, có tên tuổi.
- Châm vi sinh. Nghe có vẻ hơi vô lý nhưng sự thật là nhiều bạn đang vướng phải vấn đề này. Các bạn châm vi sinh với hy vọng tăng cường số lượng cho đám vi sinh vật ít ỏi trong bể để thúc đẩy nó ổn định nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn không nắm được vấn đề mấu chốt là bạn đang châm những loại vi sinh gì? Bể thủy sinh của bạn đang cần loại vi sinh gì? Số lượng đang thừa hay đang thiếu? Chu trình ni-tơ của bạn đang ở giai đoạn nào (vì mỗi giai đoạn cần một loại vi sinh khác nhau).

Vấn đề là gì?
Tóm lại vấn đề vẫn là sự nôn nóng trong quá trình chơi và một phần là thiếu tìm hiểu, nghiên cứu trước khi bắt đầu. Gần đây BOUaqua thấy rằng việc châm vi sinh trong giai đoạn đầu dường như đã trở thành một bước không thể thiếu của quá trình setup.
Điều đó không xấu nhưng các bạn hãy nhớ bể thủy sinh có thể tự ổn định, hãy để nó yên. Thứ 2 là nên tìm hiểu xem sản phẩm mình đang dùng là gì, có phù hợp với môi trường bể của mình hay không? Có thật sự cần thiết không? Có khả năng để lại hậu quả gì không?
Vậy thôi. Những lần đầu mới setup các bạn có thể cảm thấy phải chờ đợi rất lâu mới được thả cá, thả tép nhưng cứ yên tâm, sau khi chơi một thời gian rồi bạn sẽ thấy được thời điểm thích hợp để thả cá tép và nó thực sự không phải chờ đợi lâu đâu.
Đặc biệt là với những bể làm dịch vụ, chủ nhà rất muốn thả cá tép ngay. Vậy những người setup làm thế nào mà bể có thể ổn định nhanh đến vậy nhỉ?
-BOUaqua-