BOUaqua.com

Phạm Thành Văn – Thử nghiệm chuyên sâu về trân châu ngọc trai

Trong bài viết này, thông qua 1 thử nghiệm kéo dài gần 2 tháng, mình sẽ chia sẽ cho các bạn thông tin chi tiết từ căn bản đến chuyên sâu về nhu cầu dinh dưỡng, nồng độ dinh dưỡng tối ưu dành cho TCNT – một loại cây tiền cảnh thông dụng bậc nhất ở VN, và cũng là loài cây “tuy dễ mà khó”, thuộc loại “đỏng đảnh” nhất nhì trong các loài cây chuyên trồng ở vị trí tiền cảnh.

Bài viết dành cho tất cả mọi người chơi thủy sinh, từ người mới đến thợ thầy lâu năm. Phần nào chuyên sâu mình có đánh dấu * phía trước, các bạn nào chưa rành về thông số hay chưa cần quan tâm thì nên bỏ qua, chỉ cần đọc phần dễ hiểu cũng đủ và sẽ rất hữu ích cho các bạn sau này.

Mình thành công và thất bại với TCNT cũng đã nhiều, cũng như nhiều bạn chơi lâu năm, chinh phục TCNT không khó nhưng luôn ẩn chứa những điều bí ẩn vì thỉnh thoảng có những hồ không tài nào trồng nó được, dù là toàn bộ phần cứng, phụ kiện không thay đổi so với những hồ đã từng rất thành công với nó. Chính vì lý do này bao năm nay mình luôn muốn làm 1 thử nghiệm nghiêm túc, chuyên sâu về nó nhằm tìm ra nguyên nhân và cách chinh phục tuyệt đối TCNT, để rồi chia sẽ cho toàn bộ người chơi.

I. Mục đích thử nghiệm:

– Tìm ra điều kiện tối ưu cho TCNT

II. Mô tả chi tiết thông tin hồ thử nghiệm

1. Hồ kính:

– Hồ 60cm x 30cm x 36cm (dài x rộng x cao), full 8li (64L nước)

2. Lọc:

– 1 Lọc chế phi 140, bơm 18w, 50% bông lọc, 50% sứ lổ TQ (hơn 1kg sứ)
– 1 Lọc váng atman 3w

3. Đèn:

– 3 bóng T5HO Odysea 10000k dài 60cm, mỗi bóng 24w, tổng 72w (1.125w/1L nước), gác cao 15cm, bật liên tục 10 tiếng từ 8h sáng đến 6h chiều)
* PAR 80-100 umol ở đáy hồ, đo bằng máy Apogee MQ-200 PAR meter

4. CO2:

– Cung cấp khí CO2 nén, bình 3kg sắt, van tinh chỉnh giảm áp mufan, để CO2 24/24, số giọt qua bộ đếm của mufan là 2 giọt / 1 giây, và theo bộ đếm up-aqua là 1 giọt / 1 giây, trộn CO2 bằng bộ trộn ista cánh quạt Mix Max Size M (các bạn xem clip đầu bài để thấy rõ nhé)
* CO2 đạt 30 mg/l (30 ppm), giảm được pH hồ 1 độ, từ 7.0 xuống 6.0 trong vòng 45 phút

5. Nền:

– 100% sỏi sạn suối loại nhỏ, đã rửa sạch và loại bỏ hết kim loại nặng bằng a xít (HCL), nền trơ hoàn toàn, không cốt nền, không đá lũa, không dinh dưỡng cung cấp qua bộ rễ. Toàn bộ dinh dưỡng sẽ cung cấp trực tiếp vào nước. Lý do mình dùng nền trơ là để thử nghiệm sẽ khách quan và chính xác hơn về liều lượng dinh dưỡng. Nền dày 4-5cm.

sỏi sạn để trồng trân châu ngọc trai

6. Quạt và nhiệt độ hồ:

– 1 tuần đầu không dùng quạt nhiệt độ giao động từ 27-31 độ, khi gắn quạt dùng dimmer bật mức nhẹ nhất, nhiệt độ giảm xuống 26-28 độ. Lý do mình dùng dimmer bật quạt nhẹ là để tránh việc CO2 thất thoát quá nhanh vì mặt nước quá động.

7. Nguồn nước đầu vào:

– Để đảm bảo nước KHÔNG dinh dưỡng nên mình dùng nước RO (* tds = 0 đến 1), * sau đó mình đưa gH lên giống với nước máy HCM, thông tin ở phần dinh dưỡng mục số 8 phía dưới. Lý do mình giả lập nước máy vì khu vực mình đường ống nước thủy cục hay bị vấn đề và làm tds tăng cao đột ngột, và cũng tiện thể hướng dẫn cho các bạn chơi bằng nước RO khi nước thủy cục hay nước giếng khu vực của các bạn không phù hợp để chơi thủy sinh.

8. Dinh dưỡng:

– Nước trong hồ khi chưa châm phân nước thì giống nước máy khu vực HCM, toàn bộ dinh dưỡng nuôi cây được châm thêm bằng 3 chai phân nước của thuysinhaz.com:
– All in One Pro (liều theo hướng dẫn, 1ml cho 20L hồ, tuần châm 3 lần)
– Macros NPK+ (châm khi cây có hiện tượng nhỏ lá, vàng lá già, thủng lá già – liều lượng như hướng dẫn sử dụng trên chai)
– Extreme Fe+ (Châm khi lá non bị bạc màu, liều lượng như hướng dẫn sử dụng trên chai)

* (chuyên sâu):
Nguồn hóa chất cung cấp dinh dưỡng:

thông số giả lập nước máy từ nước RO
Từ nước RO tds = 0, mình giả lập nước máy như sau
bảng dinh dưỡng châm vào hồ mỗi tuần
Dinh dưỡng châm vào hồ hằng tuần
  • Đa lượng NPK: KNO3, NH4NO3, KH2PO4, K2SO4
  • Độ cứng và độ kiềm: CaSO4, MgSO4, NaHCO3
  • Vi lượng: Ferrous Gluconate, Ferrous DTPA, Ferrous EDTA, Manganese Sulfate, Zinc Sulfate, Boric Acid, Copper Sulfate, Sodium Molybdate, Nickel Sulfate, Cobalt Sulfate.
bảng thông tin thành phần
Bảng thông tin thành phần
Bảng dinh dưỡng tổng

9. Thay nước:

Vì nền trơ không dinh dưỡng, không nuôi cá tép nên không có dinh dưỡng từ phân cá và thức ăn thừa, lượng dinh dưỡng mình châm từ phân nước cũng rất nhẹ, nên hồ này mình rất ít phải thay nước, thường thì 2-3 tuần mới thay 30-50% . Hoặc mỗi khi châm quá tay dinh dưỡng và xuất hiện ít rêu mảng xanh bám kính (GDA) thì mình mới thay chút nước. Mình thường dùng nước RO thay và châm lại theo liều lượng giả lập nước máy ở mục trên.

10. Bắt đầu vào nước – kết thúc

Ngày bắt đầu vào nước là 20h tối 25 tháng 12 năm 2019, và làm quay clip cuối cùng, kết thúc thử nghiệm vào ngày 10 tháng 2 năm 2020. Tổng cộng 45 ngày (1 tháng 2 tuần)

11. Nguồn TCNT, cách cắm cây

TCNT lá cạn 100% ươm từ trại Thủy Mộc, mình cắm full hồ 60 30 này mất hết 1 tấc. Cách cắm của mình là tách từng ngọn cắm, chứ không cắm hết cả chùm lớn.

trân châu ngọc trai lá cạn
trân châu ngọc trai được cắm từng ngọn riêng lẻ

12. Quan sát:

– Sau 2 ngày cắm thì TCNT đã bắt đầu bò, có lẽ lượng CO2 và dinh dưỡng này làm hài lòng TCNT. Nhiệt độ tuần đầu là từ 28 đến 31 độ vì mình không bật quạt.

trân châu ngọc trai bắt đầu bò

– Từ ngày 2 đến ngày 7, TCNT bò nhưng với tốc độ bình thường, thỉnh thoảng 1 số lá già hơi bị thẫm màu. Có thể lý do là nhiệt độ trên 31 độ, hoặc cũng có thể lượng đa lượng mình châm quá ít từ chai All in One (2ml mỗi lần châm cho hồ 64L nước, tuần 2-3 lần)- Từ ngày 8 đến ngày 14, sau khi tăng liều All in One lên 3ml x 3 lần/ tuần thì TCNT có vẻ mọc rất nhanh, hoặc có thể nó đã thích nghi dần với điều kiện dinh dưỡng của hồ.

trân châu ngọc trai bò khỏe

Tuy nhiên cứ sau 3-4 ngày là mình phải chùi mặt kính vì bắt đầu xuất hiện rêu mảng xanh. Lý do mình suy đoán là lượng cây TCNT này còn ít và sức hút dinh dưỡng còn hạn chế, cũng có thể là nhiệt độ cao trong hồ (trên 30 độ)

– Mình duy trì lượng dinh dưỡng này nhưng bắt đầu cắm thêm 1 quạt với mức vừa phải, nhiệt độ giảm xuống còn 27-28 độ, và trong 2 tuần tiếp theo, TCNT bò gần full hồ.- Sau 25 ngày, TCNT đã bò gần full hồ, tuy nhiên vẫn có những chổ lá già không đẹp, hơi bị thẫm màu. Mình bắt đầu đóng cửa shop và về quê ăn tết 5-7 ngày. Từ ngày 25 tháng 1 (mùng 1 tết) đến ngày 30 tháng 1, hồ không được châm chút dinh dưỡng nào. Kết quả là lá non bạc màu khá nhiều (thiếu vi lượng Fe), lá già teo nhỏ và bị rêu nhớt xanh bám 1 vài chổ nhỏ không đáng kể (triệu chứng thiếu đa lượng NPK)

trân châu ngọc trai bò gần full hồ
lá già trân châu ngọc trai hơi thẫm màu

– Ngày thứ 35, mình quay trở lại từ kì nghĩ tết và bắt đầu chăm sóc lại bể này. Mình châm lại All in One x 3 liều / tuần, kết hợp châm thêm 3 liều NPK+ và thêm 3 liều Extreme Fe. Sau 3 ngày thì TCNT đã xanh ngọn lại, và sau 7 ngày đã hoàn toàn hồi phục.

trân châu ngọc trai xanh mướt

– Ngày thứ 40-45 tcnt đã bò full và dày, rất đẹp. Mình kết thúc thử nghiệm và làm clip. Sau đó mình sẽ tiếp tục ngắt CO2 1 tuần xem phản ứng của cây.

III. Kết luận

1. Về ánh sáng:

TCNT thích ánh sáng trung bình đến mạnh, nhưng nếu ánh sáng quá mạnh thì đòi hỏi nước phải sạch kim loại nặng và tạp chất, CO2 và dinh dưỡng phải tốt. Tốt nhất thì cứ 30cm chiều ngang của hồ nên dùng 2-3 bóng T5HO, hoặc 1 máng LED tương đương 2 bóng T5, thời gian bật liên tục 8-10 tiếng là tốt nhất.
* Nếu tính PAR thì TCNT có thể trồng tốt ở mức 70-150 umol.
Nếu TCNT có hiện tượng chui nền thì chưa hẳn là do ánh sáng quá mạnh, có thể TCNT đang bị thiếu hoặc độc dinh dưỡng (thường thấy dư hơn là thiếu), nên nó sẽ chui nền tránh sáng.
TCNT thích ánh sáng ổn định, không thay đổi cường độ và thời gian chiếu sáng quá nhiều và đột ngột (TCNT dễ rữa cả thảm khi đèn được kéo cao hơn hoặc xuống thấp hơn 1 cách đột ngột)

2. Về CO2:

Quan trọng nhất nếu bạn muốn có thảm TCNT đẹp và ổn định, không rữa vặt khi thay đổi môi trường hay cắt tỉa. Nhiều bạn trồng TCNT không dùng bình khí CO2, tuy có thành công ít nhiều nhưng nhìn chung phải dựa vào nguồn carbon khác từ nền tan ra (DOC – Dissolved Organic Carbon – Carbon hữu cơ từ nền), hoặc carbon từ nguồn nước mới khi thay nước đều. Cũng nói rõ luôn là không nên dùng CO2 dạng lỏng (hoặc dùng liều cực thấp) cho hồ trồng thảm tcnt.

3. Về dinh dưỡng:

Cũng như CO2, đây là vấn đề mấu chốt. Nếu các bạn đọc nhiều bài viết trên mạng từ nước ngoài đến tiếng Việt thì thông tin đều như nhau là: TCNT thuộc loại dễ trồng, dinh dưỡng đầy đủ đa vi lượng, pH, gH từ mấy đến mấy… Nhưng nói thật những thông tin đó quá chung chung giống nhau, dinh dưỡng mức nào là thiếu, là đủ và đặc biệt là khi nào lượng dinh dưỡng dư thừa có thể ảnh hưởng xấu đến TCNT. Qua thử nghiệm nghiêm túc này, và kinh nghiệm từ rất nhiều hồ của mình và khách hàng, mình rút ra kết luận là: đa số thất bại khi trồng TCNT ngoài việc CO2 kém, rêu hại thì nguyên nhân thông dụng nhất là: dinh dưỡng dư thừa từ trong nước hoặc từ bộ nền. Theo mình suy đoán thì có 1 vài chất vi lượng hay kim loại nặng nào đó có thể làm độc tcnt, làm chúng teo nhỏ lá mới, lá già thì bị co rúm và đen xì, rúc nền né sáng và teo tóp dần (những triệu chứng này có lần mình đã thử nghiệm trong hồ lót nhiều nham thạch nâu). 1 số hồ khách hàng của mình dùng bộ nền rất hợp TCNT như ADA hay gex, nhưng dưới lớp nền lại dùng nền họ tự trộn, hay cho đất trồng cây cạn vào, kết quả là không tài nào thành công được với tcnt. Chỉ khi nào họ dùng 1 bộ cốt chất lượng (như Power sand hay jbl chẳng hạn), hoặc đơn giản là dùng full nền ada, gex mà không cần lót cốt gì thì tcnt lại bò cực xung. Ngay trong bài thử nghiệm này, mọi chuyện đã rất dễ dàng khi mình chỉ dùng nền sỏi trơ 100% không dinh dưỡng.

* Từ thử nghiệm mình có thể kết luận như sau:

– Đa lượng NO3: TCNT cần 1 lượng tương đối trong nước (hoặc trong nền), tốt nhất có chút NH4 nhưng không quá cao dễ khiến TCNT rữa lá. Mình cảm thấy NO3 từ 2-10 ppm là tốt nhất cho TCNT, nếu có NH4 thì ở mức 0.1 ppm trở lại
– Đa lượng PO4: không quá quan trọng, nhưng cần 1 lượng nhỏ hiện hữu trong nước, mức tốt là 0.1-0.5 ppm, mình chưa gặp trường hợp tcnt bị rữa khi PO4 cao lên đến 4-5 ppm, nhưng PO4 cao sẽ gây thiếu hụt sắt (Fe) cho tcnt.
– Đa lượng Kali (K): cũng như PO4, kali cần có trong nước. Nhiều người chơi và bài viết cho rằng TCNT cần nhiều kali nhưng qua thử nghiệm mình thấy chỉ cần mức thấp cỡ 0.5-1 ppm trong nước là tcnt đã bò tốt, lá xanh đẹp không bị lũng lổ lá già. Nếu tcnt của bạn bị lũng lổ, chưa chắc là do thiếu kali. Có thể 1 chất hữu cơ, độc hay kim loại nặng nào trong nước gây độc và làm tcnt không ăn được kali mà thôi (tương tự như liễu răng cưa)
– Vi lượng: Fe quan trọng nhất với tcnt trong số các vi lượng. TCNT dễ dàng thiếu Fe và triệu chứng trắng ngọn rất rõ ràng, nếu người chơi bỏ qua triệu chứng này, chỉ sau từ 3-5 ngày những ngọn đó sẽ rữa dần và sau đó lan xuống lá già. Mn, B, Zn, Cu, Ni, Mo… luôn phải có 1 lượng nhỏ (rất nhỏ) trong nước để phòng những triệu chứng khác nhưng cũng không tốt khi có quá nhiều (giống như vitamin với con người vậy), đặc biệt là Cu (đồng), Ni và Zn vì chúng vừa là thức ăn vi lượng, vừa là kim loại nặng có thể gây hại. Nếu bạn là người mới thì cứ dùng 1 lượng nhỏ có trong những chai phân nước thông dụng, không cần phải lo lắng quá nhiều. Còn nếu bạn là người nghiên cứu thì có thể tham khảo tỉ lệ và liều lượng mình dùng, hoặc trêm chai Seachem Trace.

4. Về độ pH,

Mình thấy nếu pH đừng xuống quá thấp dưới 5 hay 4.5 và đừng quá cao trên 8 thì tcnt đều thích nghi tốt.
Về độ gH, mình đã từng trồng tốt tcnt từ hồ có gH dưới 1 (từ nước RO), cho đến hồ có gH trên 15. kH và gH không quá quan trọng để chinh phục tcnt.

5. Nhiệt độ:

Trong thử nghiệm, mình thấy tcnt có thể phát triển bình thường ở nhiệt độ lên đến 31-32 độ, nhưng khi giảm mát nước dưới 29 độ thì tcnt có vẻ phát triển tốt và khỏe hơn nhiều.

6. Vấn đề rêu hại:

Đây là điểm yếu của tcnt so với Trân Châu Nhật hay Ngưu Mao Chiên. TCNT rất nhạy hóa chất trị rêu hại như Cidex, Excel, Oxi già… Nên khi bị rêu hại bám thì rất khó cứu nó ngoài việc thay nước nhiều và dùng cá ốc tép ăn rêu.

7. Về tốc đọ dòng chảy của lọc:

Trong thử nghiệm mình dùng lọc 18w nhưng lại qua bộ trộn CO2 cánh quạt nên dòng out rất yếu, vậy nên đối với tcnt thì dòng chảy cũng không quá quan trọng, cần để luân chuyển CO2 và dinh dưỡng, nhưng không đòi hỏi quá mạnh.

IV. Lời khuyên cho người mới

Muốn chinh phục hoàn toàn TCNT, các bạn cần lưu ý những điều sau:

  1. Chọn 1 bộ nền tốt, ưu tiên nền Công Nghiệp như ADA, Gex xanh, Contro Soil, Aquafor… Nếu chuyên trồng thảm TCNT thì khỏi cần cốt cho an toàn, nếu dùng cốt để trồng tốt những loại cây khác thì ưu tiên ADA Power sand, JBL Florapol, JBL Aquabasic Plus. Lý do là những bộ nền và cốt trên phù hợp với tcnt, không có nguy cơ gây độc cao, cả power sand và jbl tan rất chậm và an toàn cho hầu hết thực vật thủy sinh khó tính. TCNT KHÔNG CẦN quá nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng tốt, trong bài thử nghiệm trên mình trồng full thảm tcnt xanh đẹp với nền trơ và 1 lượng phân nước ít ỏi cung cấp 3 lần / tuần (cỡ 6-10ml / tuần). Nhưng điều này không có nghĩa là nền trộn hay cốt dinh dưỡng khác không trồng được tcnt, mình thấy nhiều bạn trồng nền trộn cũng rất thành công, có điều nếu người mới chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên làm mọi chuyện dễ dàng đơn giản hơn.
  2. Đừng bao giờ lót nham thạch nâu dưới đáy hồ, hoặc cho nhiều nham thạch nâu vào lọc khi trồng tcnt.
  3. Trong hồ thử nghiệm, mình không nuôi cá, không dinh dưỡng ở nền, toàn bộ dinh dưỡng châm vào cỡ 6-10 ml/ tuần, vậy sau 45 ngày thì thảm tcnt kia tiêu thụ hết khoảng 40-60ml dinh dưỡng (40-60gram). Nhưng nếu lột hết cả thảm tcnt full dày kia mà đem cân thì ít nhất nó phải nặng 200-300 gram. Vậy thì lượng chênh lệch kia là ở đâu ra? Chắc 1 số bạn cũng đã tìm được câu trả lời trong đầu: đó là khí CO2 từ bình khí nén. Để trồng được 200-300 gram tcnt kia thì mình phải mất ít nhất 300-500gram khí nén trong 45 ngày đó. Từ đó suy ra, CO2 phải được quan tâm hàng đầu khi trồng tcnt. Nên dùng 1 bộ trộn tốt như trộn cánh quạt hoặc ít nhất là dùng sủi tốt (nếu hồ từ 60 cm trở lại).
  4. Nên giữ nhiệt độ dưới 29-30 độ để tcnt xanh đẹp, nếu dùng quạt thì nên chọn quạt nhẹ hoặc dùng dimmer ở mức thấp. Mục đích là tránh làm mặt nước quá động sẽ gây hao hụt CO2
  5. Giữ nước sạch là việc làm bắt buộc khi trồng tcnt. Nước bẩn hữu cơ và nhiều tạp chất sẽ làm tcnt ngộ độc co rúm lại, lá nhỏ dần và hay rúc nền. Nước sạch cũng hạn chế rêu hại, vì rêu hại bùng phát thì chỉ còn cách lật thảm hay lật hồ làm lại, TCNT hầu như không chịu nổi hóa chất diệt rêu. Giữ nước sạch ở đây cũng có nghĩa là châm dinh dưỡng vừa phải, chọn bộ nền có thể kiểm soát được (bộ nền nhã dưỡng nhanh hay có những chất gây độc thì thay nước cỡ nào cũng vô ích)
  6. Dòng chảy không cần quá mạnh nhưng cần lưu thông hết hồ. Có bạn hỏi mình là trại cây họ ươm tcnt không cần lọc hay dòng chảy gì mà sao vẫn full đẹp? câu trả lời là họ thay nước hằng ngày thì việc luân chuyển dinh dưỡng là quá đủ.
  7. Dùng ánh sáng trung bình đến cao, không nên dùng lượng ánh sáng quá cao nếu bạn ít kinh nghiệm. Chỉ cần 1 lượng ánh sáng trung bình là tcnt có thể bò tốt, tuy chậm mà chắc. Hồ có ánh sáng trung bình thường ít rêu hại, dễ cân bằng hơn và cũng “dễ tính” cho những sai lầm hơn là hồ ánh sáng cao. Một điều quan trọng khác là cố gắng giữ ánh sáng ổn định, nếu bắt buộc phải điều chỉnh thì cố gắng điều chỉnh 1 cách từ từ chậm rãi nhất. TCNT rất hay rữa cả thảm nếu thay đổi về ánh sáng quá nhanh.
  8. Nên chạy lọc váng cho hồ trồng tcnt, nhằm đảm bảo mặt nước sạch, và luân chuyển O2 giúp cây và hệ vi sinh khỏe mạnh
  9. Nếu lỡ bị rêu hại, cố trị bằng cách thay nước nhiều hơn, giảm ít ánh sáng, châm ít dinh dưỡng lại và dùng tép ốc cá để trị rêu hại, thay vì lạm dụng thuốc trị rêu.
  10. Nếu châm dinh dưỡng phân nước, nên tìm hiểu kĩ hoặc tham khảo những nguồn uy tín, châm liều nhẹ và theo dõi tự điều chỉnh dần. Tránh việc châm bậy bạ vào hồ, mình đã gặp nhiều trường hợp người chơi châm phân thủy canh với liều đậm đặc rồi vào hỏi mình vì sao hồ bị vấn đề.
  11. KIÊN NHẪN, sẽ đến lúc bạn chinh phục được tcnt nếu đủ đam mê và thời gian kiên nhẫn với nó.

Nguồn: https://thuysinhaz.com/…

Để lại bình luận