BOUaqua.com

Phải chăm sóc thật tốt hồ thủy sinh trong giai đoạn đầu!

Đối với một hồ thủy sinh mới setup, giai đoạn đầu luôn là thời gian chông gai nhất, khó khăn nhất. Nó sẽ quyết định đứa con tinh thần của bạn tỏa sáng rực rỡ hay thoi thóp từng ngày.

Hồ thủy sinh từ khi được “sinh ra” sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề âm thầm rình rập, chờ cơ hội để tấn công cái vẻ đẹp non nớt mà bạn vừa dày công nhào nặn. Nhiệm vụ của bạn tất nhiên là phải bảo vệ, chăm bẵm giúp hồ thủy sinh của bạn có được “sức đề kháng” tốt nhất chống lại mọi nguy cơ tiềm tàng.

chăm sóc bể thủy sinh khỏe mạnh
Một hồ thủy sinh đẹp thường có được một khởi đầu khỏe mạnh

Thời gian đầu nhạy cảm này kéo dài bao lâu?

Còn tùy vào cơ cấu cây trồng, cơ cấu dinh dưỡng (cũng như các yếu tố khác) mà bạn sử dụng cho hồ của mình. Ví dụ với hồ phong cách iwagumi chẳng hạn (tức là cây trồng lưa thưa, yếu ớt trong khi dinh dưỡng thì tràn trề) sẽ mất nhiều thời gian hơn cho giai đoạn này để hồ có thể đi vào ổn định. Bạn hoàn toàn có thể rút ngắn quãng thời gian này để sớm được hưởng “thành quả”, qua đó tăng sức đề kháng cho hồ trước các loại bệnh tật, rêu hại.

Qua nhiều đánh giá, kinh nghiệm cũng như thí nhiệm của nhiều người chơi ta có thể kết luận thời gian nhạy cảm này thường xuất hiện từ tuần thứ 2 của hồ và kéo dài 2 đến 4 tuần sau đó. Cá biệt có nhiều trường hợp xuất hiện từ tuần đầu của hồ và kéo dài hơn thường lệ, có khi đến 6 hoặc 8 tuần sau đó.

Tôi phải làm gì trong thời gian đầu này của hồ thủy sinh?

Làm tất cả những việc đơn giản nhất một cách đều đặn, kiễn nhẫn, đừng coi thường

  1. 1. Thay nước: Điều đơn giản nhất trong mọi bài học về thủy sinh, từ cơ bản cho đến nâng cao. Thay nước sẽ giúp cho hệ thống lọc của bạn đỡ vất vả trong thời kỳ đầu (vốn còn đang chật vật nuôi cấy vi sinh, hoàn thiện chu trình nitơ cho bể). Thay vì châm châm, phịt phịt rất nhiều loại hóa chất được quảng cáo là sẽ nhanh chóng đưa hồ thủy sinh đi vào ổn định thì bạn nên thay nước đều đặn, hàng ngày. Lượng nước thay ra có khi chỉ là 10% kết hợp với hớt váng mặt nhưng 10% ấy mang theo rất nhiều chất độc hại, giúp hồ bạn sạch sẽ hơn, khỏe mạnh hơn. Bouaqua khuyên bạn nên nay nước mỗi ngày 30%, đừng sợ hao hụt vi sinh, đừng sợ môi trường hồ bị đảo lộn, những hậu quả mang lại khi bạn lười nay nước còn kinh khủng hơn nhiều.
  2. 2. Cắt tỉa: Hồ mới trồng, có gì mà cắt tỉa? Sai rồi, nếu bạn để ý kỹ những cây mới trồng trong hồ sẽ thấy có những cây không thích nghi được với môi trường mới và bắt đầu vàng úa, chết dần, hãy loại bỏ chúng trước khi chúng phân hủy, làm giảm chất lượng nước. Sẽ có những cây bị úng, dập cục bộ hoặc toàn phần, hãy loại bỏ hoặc cắt tỉa chúng. Sẽ có những lá cạn lung lay, sắp lìa thân để nhường chỗ cho những lá nước mới nhú, hãy cắt tỉa chúng. Sẽ có những phần lá bị vùi xuống nền trong quá trình cắm cây, lá ấy sẽ không sống nổi đâu, hãy cắt tỉa chúng. Sẽ có những cây không đâm được rễ vì lý do nào đó và chững lại, phát triển cầm chừng, hãy nhổ bỏ chúng… Mà cắt tỉa với loại bỏ thế thôi không hồ bạn lại chả còn cây nào! Tất cả những trường hợp cây trồng trên sẽ nhanh chóng trở thành ổ dịch bệnh, trở thành bước đệm vững chắc cho rêu hại lấy đà nhảy vọt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn.
  3. 3. Vệ sinh: Đừng nghĩ hồ mới thì chả có gì mà vệ sinh. Hồ mới thường chưa được thả cá nên sẽ có khá nhiều bụi bám trên lũa, đá và tương lai sẽ trở thành ổ đẻ cho rêu hại, dịch bệnh, bạn nên kết hợp quét và hút chúng ra khi thay nước. Bụi bám trên lá cây sẽ làm giảm khả năng quang hợp của cây trồng. Bụi trên mặt nước (váng) cũng làm giảm khả năng xuyên sâu của ánh sáng đèn cũng như tán xạ ánh sáng đi lung tung. Ngoài ra còn có sự xuất hiện các cây trồng lạ, giun sán, sâu bọ nở từ trứng có sẵn trong nền hoặc trong các rọ cây trồng mà bạn mua, hãy quét sạch trúng khỏi hồ của bạn, đừng dại mà để chúng lại làm thí nghiệm nếu bạn không đủ tự tin.

Vậy thôi, bạn cứ kiễn nhẫn lặp lại 3 bước trên ít nhất là trong tuần đầu tiên, bạn sẽ thấy kết quả rõ rệt so với những hồ bị bỏ bê trong thời gian nhạy cảm này.

hồ thủy sinh mới setup cần được chăm sóc cẩn thận
Hồ thủy sinh giai đoạn đầu khá “mong manh, dễ vỡ”, rất cần được chăm sóc cẩn thận

Kết quả là gì?

“Quả ngọt” cho sự kiên nhẫn của bạn là một hồ thủy sinh nhanh chóng đi vào sự ổn định. Tốc độ phát triển của cây trồng trên mức thông thường (tất nhiên phải được cung cấp các yếu tố phù hợp khác). Rêu hại được kiềm chế ở mức thấp nhất và khó (hoặc không) có khả năng bùng phát (ngay cả trong tương lai).

Nhất là đối với những người làm nghề, một khi bể thủy sinh phát sinh vấn đề thì việc xử lý thật không hề đơn giản, vừa phải giải quyết được triệt để vừa không làm phiền khách hàng. Thử tưởng tượng đến việc diệt rêu mà trong cả tuần liền, ngày nào khách hàng cũng thấy thợ đến bơm bơm, phịt phịt, cạo cạo, ngâm ngâm, ngồi đợi nhìn đồng hồ rồi lại thay nước thì quả thật…

-bouaqua-

4.3/5 - (3 bình chọn)

Để lại bình luận