Như các bạn đã biết, dinh dưỡng là nền tảng không thể thiếu cho cây trồng thủy sinh, bao gồm cả những loài không mong muốn (rêu hại). Việc cân đối dinh dưỡng là nhiệm vụ của người chơi. Các thương hiệu sản xuất nền trồng cây thủy sinh đã tối giản hóa nhiệm vụ này cho người chơi bằng cách cân đối dinh dưỡng trong chính sản phẩm của họ để có thể phù hợp với số lượng cây trồng lớn nhất có thể. Tuy nhiên điều đó là chưa đủ.
Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều thương hiệu phân nền cho bể thủy sinh (bao gồm cả nền công nghiệp và nền trộn) với nhiều mức độ dinh dưỡng khác nhau. Việc đánh giá và lựa chọn loại cây trồng như thế nào để có thể sử dụng hết dưỡng chất trong nền là điều không phải tất cả mọi người đều lưu tâm.
Nền bể thủy sinh có nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất cho cây trồng sinh trưởng và phát triển (tất nhiên còn phải kể đến nhiều yếu tố khác như ánh sáng, nhiệt độ, co2…). Dinh dưỡng bao gồm cả lượng chứa trong nền (cấp dưỡng chất cho rễ cây) và một phần được phóng thích vào nước (cấp dưỡng chất cho lá cây). Tuy nhiên, ít có loại phân nền nào được thiết kế cho một vài loài cây nhất định và cũng ít có bể thủy sinh nào chỉ sử dụng một vài loại cây thuộc nhóm đó. Vậy là vấn đề cân bằng dinh dưỡng cần được xử lý một cách hợp lý để tránh lượng dinh dưỡng thừa xuất hiện làm phát sinh rêu hại.
[youtube id=”gDyn4UeSmdc”]
Hãy nhìn vào sản phẩm của ADA, một bể thủy sinh phong cách tự nhiên điển hình. ADA sử dụng khá nhiều cây trồng, cả về số lượng và chủng loại trong bể thủy sinh của mình. Việc đa dạng hóa này vừa giúp tạo ra hệ sinh thái phong phú vừa giúp tiêu thụ triệt để nguồn dinh dưỡng trong bể, tránh phát sinh rêu hại rất hiệu quả trong khi vẫn sử dụng nguồn ánh sáng mạnh đến rất mạnh để cây trồng có thể phát triển nhanh.
Thảm nền là yếu tố thường thấy trong tất cả các bể của ADA, những cây trồng được sử dụng làm nền điển hình là chân trâu Nhật và trân châu Cuba, ngoài ra còn có ngưu mao chiên. Đây đều là những loài có nhu cầu dinh dưỡng cao, chúng sẽ sử dụng dinh dưỡng trong nền là chính, thường thấy là nửa phần nền phía trước của hồ. Ngoài ra còn có cây hậu cảnh thường là các loài họ rotala, có nhu cầu dinh dưỡng và ánh sáng cao. Chúng cũng sẽ ưu tiên sử dụng dinh dưỡng trong nền để sinh trưởng.
Lũa trong bể của ADA thường được bọc kín rêu hoặc từng phần, dưới tán lũa vốn thiếu sáng sẽ được trồng các loài có nhu cầu ánh sáng thấp, điển hình là tiêu thảo và ráy (cây thảm nền khi bò đến dưới tán lũa sẽ thiếu sáng dẫn tới việc mọc cao hoặc ngừng bò, điều này sẽ tạo ra một khoảng đất trống không mong muốn). Những loài này đều có nhu cầu dinh dưỡng thấp và chúng sẽ sử dụng dinh dưỡng trong nước là chính. Ngoài ra, giữa các tán lũa sẽ được bố trí dương xỉ hoặc liễu đỏ răng cưa cũng đều là những loài có khả năng sinh trưởng chỉ với dinh dưỡng trong nước.
Vậy là cả dinh dưỡng trong nền và trong nước đều được sử dụng triệt để, từ đó giảm thiểu “đất diễn” cho các loài rêu hại (thường thấy nhất là rêu nâu) ngay cả trong các hồ mới hoàn thiện. Lời khuyên thường gặp cho những hồ mới là hãy trồng thật nhiều cây. Nhưng trồng cây gì, như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu cũng như phòng trừ được rêu hại lại là vấn đề không dễ và đến đây bouaqua cũng hi vọng nó không còn quá khó nữa.
-bouaqua-
Ad cho hỏi mình dùng máy diet rêu Stwinstar hiệu quả hơn đèn UV k ad?
Bouaqua nghĩ bạn đã hiểu sai mục đích sử dụng của 2 sản phẩm này, cụ thể:
– Twinstar nano có tác dụng “ức chế” rêu hại, tức là kiềm chế rêu hại ở mức độ thấp nhất có thể, tránh tình trạng bùng phát.
– Đèn UV thì sử dụng ánh sáng UV để diệt các vi khuẩn trong nước, bao gồm cả vi khuẩn lợi và hại. Đèn UV diệt cả các bào tử rêu hại vốn trôi nổi trong nước, từ đó cũng kiềm chế rêu hại chứ không thể diệt được các loại rêu hại đã và đang sống trong bể rồi.
Vậy nên nếu muốn hồ sạch đẹp thì 2 loại máy này phải được sử dụng ngay từ thời kỳ đầu của hồ, khi rêu hại chưa xuất hiện. Còn về hiệu quả thì nhìn vào nguyên lý hoạt động (nếu đúng như nhà sản xuất nói) thì Twinstar nano sẽ có hiệu quả hơn bởi nó tập trung xử lý vấn đề rêu hại ngay trong hồ còn đèn UV thì không (đèn UV được lắp tại đường nước in hoặc out, chủ yếu xử lý các bào tử rêu “lang thang”).
Chúc bạn sớm có hồ đẹp và sạch rêu hại.
cám ơn Bouaqua rất nhiều!mình sẽ đầu tư ngay từ đầu luôn.