BOUaqua.com

“Yakusugi’s king and his throne of rock” – bể thủy sinh hạng 206 IAPLC 2011

Một tác phẩm cũ, đã tham gia và đạt hạng 206 tại cuộc thi bể thủy sinh IAPLC năm 2011. Có thể nhiều người đã quên tác phẩm này vì độ ấn tượng không quá mạnh nhưng những giá trị, những bài học mà người xem rút ra được thì vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian. Hãy cùng bouaqua chiêm ngưỡng tác phẩm này một lần nữa xem chúng ta có thấy thêm được điều gì hay không?

đá trong bể thủy sinh
Tác giả sử dụng đá, đôn cao bằng gạch để xử lý bố cục

Bố cục đá được tác giả xử lý rất tốt, sử dụng gạch để đôn cao vị trí các viên đá cũng là chi tiết khá quen thuộc trong các bể thủy sinh tại Việt Nam. Việc sử dụng gạch đôn nền cũng sẽ tránh được tình trạng đá bị sụt, lún trong trường hợp lớp nền dưới chân chúng không đủ chặt hoặc người chơi xếp đá không đủ sâu.

thêm lũa vào bố cục thủy sinh
Lũa được thêm vào để hoàn thiện bố cục

Có thể nhiều người sẽ nhận xét bố cục đá ban đầu hơi thấp, tuy nhiên tất cả nằm trong tính toán của tác giả để chuẩn bị cho sự xuất hiện của lũa. Khối lũa được kết hợp từ những khúc lũa nhỏ hơn, tác giả làm ướt lũa để chắc chắn rằng khi vào nước đầy bể lũa sẽ không bị lệch màu với nhau gây ra sự rời rạc – một điểm trừ lớn đáng tiếc trong một vài bể thủy sinh tham gia các cuộc thi.

kết hợp đá lũa trong bể thủy sinh
Sự kết hợp độc đáo giữa đá và lũa

Tác phẩm hoàn chỉnh, tuy chưa phải là phiên bản dự thi nhưng cũng để lại khá nhiều ấn tượng cho người xem. Lũa và đá có sự ăn khớp cần có, tuy chênh vênh mà vững chãi. Đầu lũa vế trái trông hơi “vô tổ chức” nhưng đó lại là chi tiết đắt giá thể hiện sự tự nhiên. Đó không phải chi tiết xấu để phải che đi bằng cây trồng. Lúc này vế trái của bể còn hơi sơ sài, vế phải cần được bổ sung thêm cây hậu cảnh um tùm một chút để kết hợp với các nhánh lũa phản chiếu lại từ mặt nước tạo nên sự “hỗn loạn” cần thiết của cảnh rừng.

bể thủy sinh dự thi
Hình ảnh của tác phẩm dự thi

Phiên bản thứ hai của bể này, đây cũng là hình ảnh tác giả gửi đi dự thi. Quy luật xa gần được thể hiện tối đa bằng những viên đá nhỏ ở hậu cảnh giữa bể, đối lập với đó là khúc lũa ở vế trái nằm thật gần trong tầm mắt người xem. Sự xuất hiện của rất nhiều loại cây trong hồ thể hiện được các đặc điểm tự nhiên của khu rừng. Qua thời gian, dường như lũa ở vế phải đã trở nên rêu phong hơn. Sự xuất hiện của một khúc lũa nữa trong góc phải phía sau của hồ là một chi tiết rất đắt giá, vừa để lấp khoảng trống hậu cảnh, vừa để làm hiệu ứng phản chiếu ở cạnh phải bể trở nên “lợi hại”. Một khóm lũa ở vế trái phía sau dường như đã xuất hiện không đúng chỗ và có phần “vô duyên”, tuy nhiên hiệu ứng phản chiếu ở cạnh trái bể mà nó tạo nên lại rất hoàn hảo cho một góc rừng ẩn hiện trong khói sương.

tạo cảnh dòng suối bể thủy sinh
Các chi tiết bên bờ suối rất hoàn hảo

Nhìn kỹ vào các chi tiết ở bờ suối ta mới thấy được sự công phu của tác giả, những tảng đá lớn chồm ra dòng suối, những viên đá nhỏ được nước cuốn đi, dạt vào mép nước. Những nhánh lũa vắt qua suối cũng rất tự nhiên và tinh tế khi chỉ được phủ rêu điểm xuyết mà thôi.

Nguồn: http://www.aquaticplantcentral.com/…

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại bình luận