Chắc hẳn các bạn đã từng thấy những bố cục đá cheo leo, hiểm trở đến mức không tưởng. Có nhiều cách để ghép các khối đá với nhau và trong bài viết này bouaqua xin được giới thiệu một cách khá hay của các bạn thủy sinh Ấn Độ. Các khối đá tiger được kết nối với nhau bằng dây rút nhựa, đảm bảo yếu tố an toàn cho môi trường hồ thủy sinh hơn việc sử dụng các loại keo dính có các thành phần hóa học phức tạp.
Để bắt được dây rút nhựa một cách chắc chắn và an toàn, nhất thiết cần phải có bước khoan lỗ trên đá. Các khối đá sau khi ướm với nhau sẽ tìm được vị trí khoan lỗ tốt nhất, vừa đảm bảo dấu được dây, vừa đảm bảo chắc chắn.
Tuy nhiên bouaqua chỉ muốn giới thiệu với các bạn phương pháp này và hoàn toàn không có ý cổ súy bởi một lý do đơn giản: Mỗi viên đá, mỗi nhánh lũa đều là một tác phẩm độc nhất của tự nhiên, không có tác phẩm thứ hai giống như vậy. Do đó các bạn có thể bảo toàn được sự nguyên vẹn của chúng là tốt nhất!
Dây dút được nhét vào các lỗ khoan để kết nối các viên đá với nhau, các bạn nhớ ướm cho thật kỹ trước khi khoan để đảm bảo hai viên đá được khớp với nhau tạo độ vững chắc cần thiết, tránh bị xô lệch.
Trường hợp một sợi dây rút quá ngắn các bạn có thể dễ dàng nối thêm một sợi nữa bằng cách đảo đầu hai sợi dây rút. Đây là một điểm mạnh của dây rút nhựa giúp giải quyết nhiều tình huống thay vì phải đi mua một cỡ dây rút khác dài hơn.
Đây là một phần của bố cục đá đã được tác giả hoàn thành, các phần thừa của dây rút sẽ được cắt bớt trước khi trồng cây. Những phần còn lại của dây rút nếu có lộ ra cũng dễ dàng được che đi bằng cây trồng.
Cuối cùng là một bố cục hoàn chỉnh đã được tác giả xử lý bằng phương pháp kết nối độc đáo này. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó và nhược điểm là điều các bạn cần lưu ý:
- – Dây rút nhựa có độ mỏi nhất định, nếu bắt nó chịu tải trọng quá lớn sau một thời gian ngắn đã có thể bị đứt, hoặc nhẹ hơn là bị dãn, làm xệ các viên đá.
– Đối với những mỏm núi vươn dài, đòi hỏi phải ghép từ 2 đến 3 viên đá trở lên rất khó thực hiện bằng phương pháp này vì độ mỏi của dây rút đã nêu ở trên. Khi đó mỏm núi nhanh chóng bị kéo xuống làm hỏng bố cục.
– Đá tiger có thể bị nứt, vỡ nếu vết khoan sát mép đá (nên dùng mũi khoan sắt và có bổ sung nước vào vết khoan để đá trở nên mềm hơn).