Sau khi kết quả IAPLC 2018 được công bố, đã có rất nhiều bình luận sôi nổi trong giới thủy sinh, đa phần là “ngạc nhiên”, “sốc”, “không xứng đáng”, “quá xấu”, “không sáng tạo”… Nhân đây bouaqua cũng xin đưa ra một số luận điểm để chúng ta cùng trao đổi nhé.

Trước tiên xin được chúc mừng tác giá Hinorori Handa đã giành được giải thưởng tuyệt vời này, xin chúc mừng nước chủ nhà Nhật Bản lại một lần nữa giành chiến thắng với phong cách thủy sinh tự nhiên huyền thoại.
Không có gì để bàn cãi nữa khi bài thi này đã giành được tổng điểm cao nhất từ 14 vị giám khảo đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Với 6 tiêu chí chấm điểm thì hồ nào đạt giải cao nhất sẽ có sự cân bằng tốt nhất ở tất cả các tiêu chí, điều này là rất khó đạt được. Ở đây bouaqua không muốn nhấn mạnh nhiều đến điểm số, đến kết quả, đến thắng thua, chúng ta hãy cùng nhìn vào cái cốt lõi của thủy sinh.
Ở ADA có một slogan mà chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không biết: “Learn from Nature, Create Nature.”, nôm na là học theo tự nhiên và tái hiện lại thế giới tự nhiên. Phong cách nào, trường phái nào cũng có một đích đến, một hình tượng nào đó để chúng ta cố gắng thể hiện lại trong 5 tấm kính. Khi con người ta đã mỏi mệt với việc phải tưởng tượng, phải học cách đặt một cái tên mới cho sự vật (cây là cây, không phải cánh rừng, cá là cá, không phải đàn chim đang bay lượn, lũa là lũa, không phải gốc cây cổ thụ đang nghiêng mình trước gió…) thì việc tìm về với các giá trị tự nhiên là điều dễ hiểu. Có những bể thủy sinh người xem nhìn vào cảm giác rất choáng ngợp, có những bể nhìn vào rất thích thú và có những bể mà người ta cảm nhận được sự thoải mái, thư giãn ở trong nội dung. Việc kích thích những cung bậc cảm xúc nào của người xem hoàn toàn nằm trong khả năng và ý đồ của tác giả. Thủy sinh phong cách tự nhiên không mô phỏng hình tượng nào, đơn giản là nó mô phỏng lại thiên nhiên quanh ta mà thôi, và vì thế mà nó mang lại sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng, khiến cho đầu óc chúng ta thư thái. Đó cũng là điều mà con người đang thiếu, đang đi tìm trong một thế giới đầy rẫy sự ngột ngạt, kìm nén.
Bạn đã được nhìn trực tiếp bao nhiêu bể thủy sinh? Nếu đếm được hết 10 đầu ngón tay thì là nhiều rồi đấy, và bạn có để ý rằng sau khi đã ngắm nhìn tổng thể bao giờ bạn cũng sẽ đi vào soi sét những chi tiết. Từng nhánh cây, từng mỏm đá, từng vân lũa được bạn ngắm nhìn say sưa và cảm nhận cái “chất” thiên nhiên mà chúng mang lại. Có thể khi ngắm nhìn toàn cảnh bạn sẽ suýt xoa “ôi khu rừng này tuyệt quá”, “ôi dãy núi thật hùng vĩ”, nhưng khi đi vào chi tiết bạn sẽ không còn cảm nhận được chúng nữa. Bạn sẽ nhận định “khóm cây này phát triển căng quá” thay vì “vạt rừng này rậm rạp quá”, “viên đá này có vân đẹp quá” thay vì “mỏm núi này đẹp quá”, “bộ lũa này hay quá” thay vì “gốc cây cổ thụ này hay quá”. Mỗi sự vật hiện diện trong hồ đều có một vai diễn và bạn thấy không, tự bạn đã tìm về với những giá trị thực của chúng, ấn tượng ban đầu chỉ quay lại khi bạn lùi ra xa và nhìn toàn cảnh. Đối với phong cách tự nhiên thì bạn nhìn xa hay gần, soi xét tổng thể hay chi tiết thì mọi thứ vẫn giữ nguyên giá trị như thế.
Nếu bạn đã quá quen với những thứ phi thực tế thì khi đối diện với một thứ gì đó thực tế bạn sẽ thấy không hài lòng, đó là điều rất bình thường, không có gì ngạc nhiên. Thủy sinh ngày nay là một nhánh tách ra từ thú chơi cá cảnh. Khi xưa người ta thường đặt những sản phẩm nhân tạo vào hồ cá để trang trí như ngôi nhà, bức tượng người, tượng thú… còn thủy sinh thì cố gắng đẩy lùi những thứ đó để mang lại giá trị tự nhiên cao nhất cho tác phẩm. Qua thời gian, những sản phẩm nhân tạo lại dần xuất hiện trong hồ nhưng dưới một hình thức khác để mô phỏng tự nhiên (dán đá, ghép lũa…) và chắc chắn những yếu tố đó sẽ lại một lần nữa bị đẩy lùi theo thời gian. Hãy nhìn vào những giải grand prize của IAPLC từ năm 2001 trở lại đây, bạn sẽ phần nào nhìn thấy được điều đó: http://en.iaplc.com/about/gp_works.html
-bouaqua-