Một bể rất duyên dáng đến từ Liti Aquaria (Singapore) đạt hạng 594 tại IAPLC 2020. Vẻ đẹp của bể đến từ sự căng khỏe của cây trồng, đó sẽ luôn là yếu tố cốt lõi giúp người xem không bao giờ bị “chán”.
Khi xem quá trình setup bể này, chắc hẳn trong chúng ta ít nhiều đều sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình. Hãy cùng BOUaqua điểm qua một số điểm hay nhé:
- Cốt nền chỉ được sử dụng tại vị trí cần thiết [0:31]. Điều này có thể thực hiện được khi bạn đã chốt bố cục cũng như chủng loại cây trồng
- Cách đánh sáng khéo léo của tác giả giúp che đi phần tiếp giáp giữa cát nền và phân nền (vốn có màu đối lập) ở mặt kính trước, từ đó nâng cao độ thẩm mỹ của bể lên mức cao nhất
- Sử dụng đa dạng cây trồng (theo kế hoạch của tác giả là 18 loài khác nhau [3:30]). Đó cũng là đặc điểm thường thấy ở những bể theo phong cách tự nhiên. Đó là cách để thể hiện sự phong phú, hòa hợp của các loài trong một môi trường sống lý tưởng
- Trong quá trình cắt tỉa, bảo dưỡng bể, tác giả có sử dụng thêm một lọc váng để gom rác bề mặt và một máy tạo sóng để bổ sung luồng giúp khua rác (có trọng lượng nhẹ, kích thước nhỏ) ra khỏi các vị trí ngóc ngách [5:10]. Nhờ đó mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát và thu gom rác triệt để hơn, không để chúng phân hủy trong hồ làm suy giảm chất lượng nước
Với tấm hình tác giả chụp để dự thi, với sự phát triển của trân châu ngọc trai, rau má Nhật cũng như rêu chúng ta có thể thấy được sự xâm lấn mạnh mẽ của tự nhiên lên đá, lũa. Đó cũng là quá trình đang diễn ra từng ngày, từng giờ mà đôi khi chúng ta dường như không còn cảm nhận được một cách rõ ràng.
Các bạn thấy sao? Bể thủy sinh phong cách tự nhiên có điểm gì thú vị hoặc nhàm chán? Hãy thể hiện quan điểm của mình dưới phần bình luận để chúng ta có thể trao đổi nhiều hơn nhé.
Dưới đây là 1 clip cập nhật sự phát triển của bể vào thời điểm cuối tháng 10/2020, các bạn cùng xem và cảm nhận nhé