BOUaqua.com

Để màu sắc của cây thủy sinh trở nên hấp dẫn

Bouaqua trích và lược dịch từ bài viết “Making aquatic plant colors more attractive” – tạp chí Aqua Journal số tháng 8/2011 trang 46, 47.

Bên cạnh sự cân bằng và hợp lý của bố cục thì sức hấp dẫn của cây thủy sinh có tầm quan trọng rất lớn quyết định vẻ đẹp của một hồ thủy sinh. Các điều kiện để cây thủy sinh trở nên hấp dẫn bao gồm lá phát triển đúng hình thái, tán lá dày, khỏe mạnh, sinh động và đẹp. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào việc làm thế nào để cây thủy sinh có thể phát triển khỏe mạnh với cành lá tươi tốt.

bể thủy sinh tự nhiên nhiều màu sắc
Bể thủy sinh tự nhiên với nhiều màu sắc

Điều kiện cần để cây thủy sinh có thể phát triển khỏe mạnh?

Sự hấp dẫn của cây thủy sinh chính là sự phát triển đều đặn, liên tục của thân cành, lá mềm mại và nhẹ nhàng, màu sắc của cây. Để đạt được điều này, việc cung cấp ánh sáng, CO2 trực tiếp cho hồ cũng như các chất dinh dưỡng, phụ gia thông qua chất nền là rất quan trọng. Thực vật thủy sinh tổng hợp các chất hữu cơ cần thiết cho sự tăng trưởng thông qua quá trình quang hợp, điều này đòi hỏi ánh sáng, CO2 và nước. Nước thì luôn tràn trề trong hồ nhưng ánh sáng và CO2 có thể bị thiếu. Trong tự nhiên, ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng chính của quang hợp, trong hồ thủy sinh, ánh sáng đèn phải thực hiện chức năng của mặt trời.

Khi cây thủy sinh quang hợp dưới ánh sáng, CO2 trong nước nhanh chóng bị hấp thụ và quá trình quang hợp có thể bị ngưng trệ nếu không có nguồn cấp CO2. Chúng ta có thể tránh trường hợp này bằng cách trang bị một hệ thống cung cấp CO2 thích hợp.

Quá trình quang hợp sẽ xảy ra mạnh mẽ hơn nếu cây nhận được đủ lượng ánh sáng và CO2 trong nước. Tuy nhiên, cây thủy sinh không thể đạt được sự hấp dẫn chỉ với điều này. Các muối dinh dưỡng, chủ yếu là Nitơ và Phốtpho là thành phần quan trọng để tổng hợp được protein cần thiết từ các chất hữu cơ mà cây thu được trong quá trình quang hợp.

Cây thủy sinh phát triển màu sắc như thế nào?

Cây thủy sinh hấp dẫn được người xem nhờ có những nhiều màu sắc lá khác nhau, màu xanh lá cây, màu đỏ, màu hồng hay màu cam. Các màu lá khác nhau ở các loài cây khác nhau phụ thuộc vào đó là loài ưa ánh sáng hoặc ưa bóng râm và điều kiện môi trường nơi chúng sống. Theo xu hướng chung, các loài được xếp vào loại ưa sáng có lá màu xanh tươi hoặc đỏ rực, các loài ưa bóng râm thường có lá màu tối. Điều này cũng đúng ngay cả với những cây cùng loài nhưng sống trong những môi trường ánh sáng khác nhau. Từ những quan sát này, người ta tin rằng màu sắc của lá được quyết định bởi tốc ộ quang hợp và cường độ ánh sáng. Sự khác biệt màu lá rõ ràng nhất có thể quan sát được trên những cây thân đốt có màu đỏ.

Một cây thân đốt lá đỏ mọc ở dưới nước sâu, nơi chỉ có ánh sáng cường độ thấp mới có thể chiếu tới, lá của chúng sẽ có màu xanh đậm chứ không đỏ; khi thân cây này mọc tới gần mặt nước các lá cây ở phía trên sẽ có màu đỏ dưới ánh sáng mạnh. Việc thay đổi màu sắc lá xảy ra do cây điều chỉnh tốc độ quang hợp bằng cách điều chỉnh mật độ sắc tố trong lá. Các sắc tố rất cần thiết cho sự quang hợp được gọi là diệp lục. Diệp lục có màu xanh lá cây do nó phản chiếu lại màu xanh lá cây chứ không hấp thụ chúng.

Trong thực tế, xanh lục, xanh dương, đỏ là 3 màu cơ bản và diệp lục chỉ hấp thụ được ánh sáng màu xanh dương và đỏ. Từ thực tế này ta có thể thấy cây trồng trên đất liền thực hiện quang hợp với 2 màu cơ bản (xanh dương và đỏ) nhưng thực vật thủy sinh thì khác, chúng phải quang hợp dưới nước – nơi chỉ có ánh sáng xanh dương là chủ yếu (màu đỏ nhanh chóng suy hao khi xuyên qua môi trường nước). Đây là điểm đáng lưu ý đối với những cây thủy sinh sống ở vùng nước sâu. Chúng đảm bảo quá trình quang hợp diễn ra đầy đủ bằng cách tăng mật độ diệp lục để đối phó với mức độ ánh sáng thấp, đó là lý do lá cây thường có màu xanh đậm (kể cả những cây ưa sáng nhưng sống dưới ánh sáng cường độ thấp). Nếu cây được tiếp xúc với ánh sáng mạnh, lá của nó sẽ chuyển sang màu xanh tươi hoặc đỏ và quá trình quang hợp vẫn có thể diễn ra dù với mật độ diệp lục thấp. Màu đỏ trên lá giống như một bộ lọc với chức năng làm dịu đi những luồng ánh sáng quá mạnh.

Làm sao để cây thủy sinh phát triển khỏe mạnh?

Ta đã biết màu sắc của lá cây thủy sinh thay đổi theo cường độ ánh sáng, vậy nên bạn cần có một lượng ánh sáng phù hợp cho hồ của mình để cây có được màu sắc lá chuẩn. Một điều chúng ta thường bỏ qua đối với hệ thống chiếu sáng của hồ là sự lão hóa của đen. Thật sai lầm khi nghĩ rằng đèn sẽ vẫn làm việc tốt miễn là nó sáng lên. Qua một thời gian sử dụng, đèn huỳnh quang và metal halogen bắt đầu có vấn đề như giảm cường độ chiếu sáng hay mất cân bằng 3 màu cơ bản, những vấn đề này rất khó nhận thấy vì chúng diễn ra rất chậm. Đối với đèn metal halogen, việc giảm cường độ chiếu sáng không phải là vấn đề đáng chú ý do cường độ ánh sáng ban đầu của nó rất mạnh, tuy nhiên chúng lại hay gặp vấn đề về mất cân bằng màu. Qua thời gian, ánh sáng của đèn nghiêng dần về màu đỏ (do quang phổ màu xanh lục và xanh lam bị yếu đi) mà màu đỏ lại nhanh chóng suy giảm khi đi qua nước, hệ quả là sụt giảm cường độ chiếu sáng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới những cây ưa sáng, thân của chúng sẽ dài hơn bình thường và lá thì xấu đi. Vậy là bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng một hệ thống đèn thủy sinh tốt và bóng đèn được thay thế định kỳ để tránh suy giảm phong độ của hồ. Bóng đèn huỳnh quang tốt nhất nên được thay thế 06 tháng một lần và đèn metal halogen là 12 tháng một lần.

Một khi vấn đề ánh sáng được giải quyết bạn cần kiểm tra lượng cấp CO2 cho hồ. Nếu không cung cấp đủ CO2 khi hồ có ánh sáng cường độ cao sẽ gây ra một số vấn đề cho cây như cản trở quá trình quang hợp hay quăn đầu lá (ở cây Thủy hổ vĩ – Eusteralis stellata). Hãy sử dụng các công cụ đo mức độ CO2 trong nước để có thể kịp thời xử lý vấn đề này.

Làm thế nào để màu sắc của cây hấp dẫn hơn?

Yếu tố quyết định màu sắc của lá cây thủy sinh là các sắc tố như diệp lục và những sắc tố cây không thể tổng hợp được nếu thiếu nitơ và các nguyên tố vi lượng. Ví dụ, để tổng hợp được diệp lục thì cần cacbon, hydro, oxy, nitơ và magie. Trong đó cacbon, hydro và oxy sẽ có được nhờ quá trình quang hợp, tuy nhiên nitơ và magie thì cây sẽ hấp thụ từ môi trường xung quanh như các chất dinh dưỡng. Những chất nền giàu amoniac và các chất hữu cơ là nguồn cung cấp nitơ tốt. Nitơ từ nền được hòa tan vào nước và cây sẽ hấp thụ chúng qua rễ và lá, tuy nhiên điều này cũng có mặt trái như góp phần làm ô nhiễm nước chẳng hạn.

Sau một khoảng thời gian nhất định, nguồn nitơ từ nền sẽ giảm dần nhưng chúng sẽ được bù đắp bằng nguồn chất thải từ các động vật thủy sinh. Các động vật thủy sinh này cũng là nguồn cung cấp đạm, giúp khắc phục tình trạng lá cây bị mất màu, có xu hướng chuyển sang màu trắng nhạt. Trường hợp thiếu đạm cũng thường xảy ra khi tỷ lệ thực vật và động vật trong hồ thiếu cân bằng (quá ít cá hoặc quá nhiều cây). Để cây thủy sinh có màu đỏ rực rỡ thì việc bổ sung sắt là cần thiết vì nó là một thành phần quan trọng của quá trình tổng hợp sắc tố đỏ ở cây.

Nguồn: Aqua Journal 8/2011

3.5/5 - (4 bình chọn)

Để lại bình luận