Thủy sinh không còn là thú chơi xa lạ, tuy nhiên nó vẫn chưa thể tiếp cận với đại đa số mọi người trong xã hội. Cùng với việc phát triển về hình thức, mẫu mã của các loại bể các cảnh trên thị trường, rất nhiều người (bao gồm cả những người chơi) đã có những ngộ nhận về bể thủy sinh và các vấn đề liên quan.
Bể kính
Bể kính để chơi thủy sinh chỉ bao gồm 05 tấm kính ghép lại bằng keo silicon trong, không hề có sự xuất hiện của kiềng (trừ những bể thật lớn) hay viền thủy, thiết kế này giúp tăng tối đa không gian chiêm ngưỡng bố cục bên trong bể. Tầm nhìn của người xem không bị che khuất, từ đó mà cảm nhận về bể thủy sinh cũng thật và sâu sắc hơn. Nếu dán đúng loại keo, đúng độ dày kính thì độ an toàn của bể thủy sinh rất cao, có thể gọi là tuyệt đối nếu trong quá trình chơi không chịu tác động mạnh từ bên ngoài.
Bể đúc với mặt kính trước được bo tròn hai góc không phù hợp để chơi thủy sinh. Trong quá trình chơi, bể thủy sinh cần sự chăm sóc thường xuyên hơn bể cá nên các thao tác có thể làm kính (thật ra là nhựa hoặc kính pha nhựa) dễ dàng bị xước. Phần nắp bể tuy có gọn gàng nhưng sẽ làm tăng nhiệt độ trong nước một cách đáng kể, điều này cản trở sự phát triển của cây thủy sinh. Bể chơi cá và bể chơi thủy sinh không giống nhau.
Tham khảo: Phân biệt hồ cá cảnh và hồ thủy sinh

Kính cường lực
Kính cường lực được xử lý để chịu lực tốt hơn kính thường. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bể thủy sinh, việc sử dụng kính cường lực lại làm tăng hậu quả một khi có sự cố. Trường hợp bể thủy sinh vô ý bị va đập, với kính thường, bể có xu hướng bị nứt kính và nước rò gỉ ra ngoài cho đến hết, với cấu tạo đặc trưng của kính cường lực, toàn bộ khối lượng nước trong bể sẽ tràn ra ngoài chỉ trong một giây. Việc sử dụng kính cường lực trong thủy sinh hiện nay hầu như là không có, một phần cũng bởi chất lượng kính cường lực trên thị trường còn đang gây nhiều tranh cãi.
Ánh sáng
Cây thủy sinh trong bể cần ánh sáng phù hợp để có thể quang hợp tốt, giúp cây phát triển. Ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng dân dụng có sẵn trong nhà không thích hợp với cây thủy sinh. Với ánh sáng mặt trời, bể thủy sinh sẽ xuất hiện nhiều loại rêu hại mà nếu không có kinh nghiệm xử lý thì việc rêu hại làm chủ bể thủy sinh sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Với ánh sáng dân dụng có sẵn trong nhà, cường độ là không đủ để cây thủy sinh có thể quang hợp, trừ khi nguồn ánh sáng đó được đầu tư duy nhất cho bể thủy sinh. Vậy nên nếu bạn có ý định đặt một bể thủy sinh trên bệ cửa sổ để đón nắng hoặc đặt dưới ánh đèn phòng treo trên cao thì tốt nhất là nên suy nghĩ lại.
CO2
Đầu tư một bình khí CO2 là đúng đắn nếu bạn muốn cây trồng căng khỏe, xanh mượt. Tuy nhiên nhiều người còn e ngại về độ an toàn của bình CO2 khi đặt chúng trong nhà, vậy ta hãy xét một số đặc điểm của bình CO2.
Thứ nhất, van tổng của bình CO2 có một con ốc nhỏ gọi là van an toàn, khi áp suất khí trong bình tăng cao, có khả năng gây nổ thì van này sẽ mở để CO2 thoát ra ngoài, hạ áp suất trong bình xuống mức an toàn. Thứ hai, chỉ sử dụng các loại bình CO2 chuyên dụng cho thủy sinh hoặc bình cứu hỏa dạng khí, không nên sử dụng các sản phẩm bình CO2 không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Thứ ba, các địa điểm nhận nạp, sạc khí CO2 sẽ kiểm tra kỹ giúp bạn về độ chắc chắn của bình trước khi nạp, nếu không đảm bảo khâu này thì chính họ sẽ phải chịu hậu quả.

Chi phí và thời gian
Nếu quyết định chơi thủy sinh, bạn nên cân nhắc hai yếu tố này. Nếu bạn có thời gian, bạn có thể giảm chi phí và ngược lại. Để có được một bể thủy sinh đẹp cần có bàn tay chăm sóc của người chơi cũng như các phụ kiện đi kèm hỗ trợ việc duy trì sự sống cho bể. Dù bạn có đầu tư chi phí cho dàn phụ kiện hiện đại, tối tân đến đâu đi chăng nữa thì bể thủy sinh của bạn vẫn cần tay người chăm bón, cắt tỉa, có chăng chỉ là đòi hỏi ít hơn mà thôi, khi ấy bể thủy sinh của bạn mới thật sự có hồn và hấp dẫn người xem. Bể thủy sinh là một thực thể sống, nó tồn tại và phát triển bởi nhiều yếu tố chứ không hẳn là một vật trang trí mà bạn chỉ có thưởng thức không mà thôi.
-bouaqua-