BOUaqua.com

Phong cách thủy sinh Frankenstein

Chuẩn rồi đấy, các bạn không đọc nhầm đâu, đó chính là Frankenstein trong tiểu thuyết cũng như trên phim ảnh. BOUaqua muốn sử dụng hình tượng này để nói về một phong cách thủy sinh không chính thống.

Có những khi đang bí ý tưởng hoặc đơn giản là chỉ ngẫu hứng muốn setup 1 bể thủy sinh, bạn không thể hình dung về một bố cục nào đó trong đầu. Bạn sẽ làm gì?

Phần lớn mọi người sẽ đi tìm một hình mẫu nào đó, nhưng tất nhiên sẽ chẳng ai dừng lại ở 1 hoặc 2 mẫu cả, phải xem và tham khảo rất nhiều. Rồi họ chợt nhận ra mỗi mẫu chỉ đáp ứng một khía cạnh nào đó của nhu cầu bản thân, mỗi mẫu chỉ có 1 góc nào đó thật đẹp và ưng ý. Vậy tại sao không trộn những mẫu đó với nhau?

Sáng tạo đôi khi thật đơn giản chỉ là kết hợp những thứ đã có sẵn với nhau một cách hoàn hảo. Mỗi bố cục thủy sinh đều có những điểm nhấn đắt giá riêng và thực sự để kết hợp chúng với nhau không hề đơn giản một chút nào.

Những khó khăn

Cũng giống như khi lựa chọn đá để làm bố cục, nếu bản thân mỗi viên đá đều thật đẹp thì khi đứng cạnh nhau chẳng khác nào… thi hoa hậu. Không có viên nào chịu làm nền cho viên nào và như vậy thật khó để tạo ra điểm nhấn.

Để kết hợp nhiều bố cục với nhau nhất thiết chúng phải được lựa chọn dựa trên những nét tương đồng cụ thể. Ví dụ bố cục đồi núi, bố cục đá rất khó kết hợp ăn ý với bố cục rừng, bố cục lũa. Không phải là không thể nhưng chắc chắn nó đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm nhất định.

Ngoài ra còn vấn đề về chủng loại cây trồng. Mỗi bố cục đều phù hợp với những loại cây trồng khác nhau, màu sắc khác nhau. Nếu đặt chúng vào cùng 1 bố cục thì rất dễ tạo ra sự thiếu ăn khớp và có phần… tạp nham hoặc “chia bè kết phái”.

Kích thước của bể cũng là điều cần lưu ý vì nó quyết định kích thước của bố cục. Thử hình dung 1 bố cục cho bể 60cm kết hợp với 1 bố cục cho bể 90cm thì điều gì sẽ xảy a? Hoặc bạn cần thu nhỏ bố cục bể 90 hoặc phóng to bố cục bể 60.

  • Khi thu nhỏ một bố cục rất dễ khiến chúng bị mất chi tiết. Trong nhiều trường hợp, những chi tiết nhỏ, cần sự tỉ mỉ khi setup chính là điểm hấp dẫn người xem. Nếu bố cục đó bị thu nhỏ lại thì khả năng cao là sẽ phải lược bớt các chi tiết (dù khả thi nhưng đôi khi cũng không nên thu nhỏ 100% chi tiết bởi nó cần sự ăn khớp với phần còn lại của bố cục)
  • Khi phóng to một bố cục nhỏ, ngược lại có thể sẽ khiến chúng bị đơn điệu do thiếu các chi tiết (nhỏ) để hấp dẫn người xem. Ngoài ra, khi những chi tiết nhỏ bị phóng to có thể sẽ khiến chúng trở nên thô ráp, thiếu tinh tế (so với khi có kích thước hợp lý).

Ngoài ra còn sự “lệch sóng” giữa thiết kế và thực tế. Nếu các bạn không có tư duy hình học ở mức ổn thì rất dễ gặp tình trạng này, phần lớn là do chuyển thể từ những bức hình 2D (ảnh chụp tư liệu) sang dạng không gian 3D (tác phẩm thực tế) là một chặng đường dài. Có những thiết kế thấy rất ổn rồi nhưng khi được hiện thực hóa nó lại khá tệ hoặc không được đẹp như mình mong muốn. Thứ 2 nữa là nó phụ thuộc vào tay nghề “cover” của bạn.

Khắc phục các vấn đề

Một điều khó khăn là chúng ta sẽ buộc phải cân nhắc nặng nhẹ để đưa một bố cục nào đó lên làm chủ đạo, những phần khác nhau của các bố cục còn lại sẽ chỉ là “diễn viên phụ” mà thôi. Nhưng chắc chắn nếu không có diễn viên phụ thì diễn viên chính rất khó để trở nên nổi bật.

Mỗi bố cục đều có một điểm vàng, cố gắng chọn lọc và đưa vào bể thủy sinh 1 điểm vàng duy nhất để người xem không bị phân tâm hoặc “mệt” trong quá trình thưởng thức. Phần lớn ta ngắm bể thủy sinh để tinh thần thư thái chứ không phải để nghiên cứu.

Đối với cây trồng, chỉ có thể khắc phục bằng cách lựa chọn những bố cục có thật nhiều điểm tương đồng. Có thể cân nhắc phối trộn một phần thảm thực vật của bố cục này vào trong bố cục kia. Mục đích chính là để các phần của bố cục có thể hòa vào nhau một cách mượt mà.

Với kích thước của bố cục, chỉ cần thu nhỏ một chút và phong to một chút các thành phần để đưa tất cả về ngưỡng chung, từ đó giải quyết được vấn đề một cách tương đối ổn thỏa.

phong cách thủy sinh không chính thống
Kết hợp để tạo ra một bố cục dạng đảo tươi mới hơn

Một số cách kết hợp

BOUaqua có một số gợi ý cho các bạn khi muốn thử phong cách thủy sinh pha trộn này. Với những ai thành thạo các phần mềm cắt ghép ảnh (trên máy tính hoặc điện thoại) sẽ có lợi thế rất lớn khi thử kết hợp các bức ảnh bố cục với nhau để tạo nên cái nhìn tổng quát.

  • Phân tầng trước sau: Cụ thể là tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh, mỗi thành phần được lấy từ các bố cục khác nhau. Đối với phương án này, điều cần chú ý nhất là chủng loại và màu sắc của cây trồng. Có những bố cục trông sẽ thật tệ nếu ta thay đổi màu sắc hay loại cây so với phiên bản gốc, đơn giản vì tác giả đã có sự tính toán từ trước.
  • Phân tầng cao thấp: Có thể chia bố cục thành 3 hoặc 2 tầng là phổ biến (theo chiều dọc). Tầng thấp có thể là một bố cục rậm rạp, tầng trên thưa thớt hơn hoặc ngược lại, tùy ý đồ của tác giả. Với cách bố trí này cần tính toán kỹ khi các lớp bố cục có thể che mất chi tiết của nhau làm mất hiệu quả của các tầng thấp, đặc biệt là với các bố cục thể hiện hang hốc, dòng suối, con đường…
  • Phân lớp ngang: Tương tự như trên, có thể chia bố cục thành vế trái, trung tâm và vế phải, đó có thể là sự kết hợp của 2 hoặc 3 bố cục khác nhau. Trong trường hợp này, cao độ của mỗi thành phần bố cục sẽ quyết định bố cục tổng thể là dạng gì (tam giác lồi, tam giác lõm hoặc tam giác lệch, bố cục dạng đảo…)
  • Tổng hợp: Đây có lẽ là phương án tốn nhiều chất xám và kinh nghiệm nhất khi từng thành phần của bố cục được lựa chọn từ các bố cục khác nhau. Nó có thể là sự kết hợp của cả 3 cách trên hoặc “trộn” nhiều bố cục vào nhau theo đúng nghĩa đen (như một nồi lẩu vậy). Khi đó việc cân nhắc chính – phụ trở nên rất khó khăn.

Ưu điểm, nhược điểm của phong cách thủy sinh này

Nhược điểm nhìn qua đã thấy rất nhiều nhưng chúng ta đề cập đến ưu điểm trước nhỉ, dù gì thì cũng nên có thái độ tích cực sẽ hay hơn chứ.

  • Ưu điểm lớn nhất của phong cách này là “tiết kiệm” được sức sáng tạo. Nói cách khác là khi sức sáng tạo đã cạn thì bạn cũng nên thử phong cách mới này xem sao, cũng rất thú vị đấy.
  • Thứ 2 là việc lựa chọn cây trồng sẽ đơn giản hơn một chút khi bạn chỉ cần dựa vào danh mục cây trồng của những bố cục thành phần, từ đó tổng hợp nên một danh sách mới cho bố cục của mình.
  • Cuối cùng là giúp nâng cao khả năng học hỏi và phân tích. Thử nghĩ mà xem, bạn sẽ phải rà soát, tham khảo rất nhiều bố cục thuộc các trường phái khác nhau, nhận biết điểm mạnh điều yếu của mỗi bố cục và tổng hợp chúng lại dưới một dạng thống nhất.

Ở đâu cũng vậy, ưu điểm luôn đi cùng với nhược điểm. Ưu điểm thì đã rõ, vậy cũng cần lường trước các nhược điểm cũng như trở ngại để có những bước tiến vững chắc hơn đúng không các bạn?

  • Khó tạo được đột phá. Thật vậy, một tác phẩm được “chắp ghép” khó có thể gửi gắm được ý nghĩa hay thông điệp nào của tác giả tới người xem. Nó không phải là nguyên liệu tốt để tạo nên một tác phẩm tuyệt vời.
  • Tốn nhiều công nghiên cứu các tác phẩm gốc. Điều đó là tất yếu bởi để ghép 2 thành phần xa lạ với nhau một cách nuột nà thì nhất thiết bạn phải nắm được chi tiết các tác phẩm gốc, từ đó hình dung ra “đường cắt” để ghép với các thành phần khác.
  • Tốn công xử lý các “vết cắt” cho đẹp và tự nhiên, không để bị “phát hiện”. Điều này đòi hỏi một chút khéo léo và am hiểu về chất liệu sáng tạo của bạn.
  • Tốn công chăm trồng nếu bạn không khéo léo lựa chọn hoặc thay thế các loại cây về cùng một môi trường thích hợp.
  • Cuối cùng, có khả năng bạn sẽ bị… đả kích đấy. Nhất là khi đối diện với những người có thái độ gay gắt, họ không dễ chấp nhận một tác phẩm kiểu “xào nấu” như vậy.
phong cách thủy sinh chắp vá
Có được coi là phong cách thủy sinh mới hay không?

Dù không (hoặc chưa) được coi là một phong cách thủy sinh nhưng trước mắt nó sẽ là một cách “chữa cháy” khá thú vị cho tất cả chúng ta. Có người sẽ coi nó là sự lai căng tạp nham rẻ tiền, có người sẽ coi nó là một sự kết hợp khéo léo mới mẻ, quan trọng nhất là nó có thể mang lại chút giá trị gì cho chúng ta hay không mà thôi. Bạn hãy thử một lần xem, nhớ chia sẻ tác phẩm của mình để mọi người cùng được chiêm ngưỡng nhé.

-BOUaqua-

Để lại bình luận