Con người có xu hướng tìm tới sự đơn giản. Xã hội con người càng phát triển thì sự đơn giản càng được ưa chuộng, tôn thờ. Vạn vật xung quanh chúng ta được bắt đầu bằng sự đơn giản, phát triển một cách phức tạp rồi lại quay trở về với sự đơn giản. Tuy nhiên cần phải so sánh để thấy rằng sự đơn giản về sau mang nhiều giá trị hơn sự đơn giản ban đầu. Vậy là không phải một sự tụt lùi.
Trong thời trang, một model đơn giản thường rất lâu hoặc không bao giờ lỗi thời. Trên internet, một website đơn giản (nhưng đầy đủ, phân biệt với “sơ sài”) sẽ tạo được sự hài lòng của người dùng do tính dễ sử dụng. Trong nội thất, phong cách đơn giản nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi tính “lạ mắt” và “gọn gàng”. Trong cuộc sống, rất nhiều sản phẩm “all in one” được ưa chuộng bởi sự đơn giản về hình thức, thuận tiện khi sử dụng nhưng vẫn đầy đủ các chức năng mà chúng ta mong muốn…
Thế giới thủy sinh cũng không phải ngoại lệ. Hãy nhìn vào những hồ thủy sinh của ADA, hầu hết chúng ta đều đồng ý là chúng đẹp. Nếu bạn biết trước chúng là tác phẩm của ADA, bạn thấy nó đẹp bởi một phần ý thức bị chi phối rằng “ADA làm thì chắc chắn là phải đẹp rồi”, nếu bạn không hề biết rằng đó là sản phẩm của ADA, bạn vẫn sẽ thấy nó đẹp bởi cây trồng tươi tốt, khỏe mạnh, sắp xếp mọi thứ hợp lý, thuận mắt. Tuy nhiên, để đạt được sự đơn giản ấy không hề đơn giản. Đó là sự phản chiếu lại hàng chục năm trời nghiên cứu về thủy sinh của ngài Amano, là sự chuẩn bị, đoàn kết của rất nhiều con người trong ê kíp làm việc của ADA, là sự kết hợp hoàn hảo của các yếu tố ánh sáng, dinh dưỡng để cho ra đời một sản phẩm đẹp mà đơn giản.
Tại sao showroom ADA không có sự xuất hiện của những bố cục rừng với những thân cây lớn đứng giữa thảm cỏ xanh vốn rất cuốn hút người xem và dành được vị trí cao tại nhiều cuộc thi? Tại sao không có bể nào với bố cục lũa được sắp xếp tỷ mỉ từ hàng trăm nhánh lũa nhỏ? Tại sao không có những bố cục đá hùng vĩ với hình ảnh con suối uốn quanh? Chắc chắn không phải là họ không có năng lực mà vấn đề ở đây là “sự đơn giản”. Một tác phẩm đơn giản sẽ tiếp cận được với đại đa số người xem, mức độ phức tạp của tác phẩm càng tăng cao thì số người hiểu và “cảm” được cái đẹp ấy sẽ càng ít đi (ví dụ như những tác phẩm hội họa của Picasso hay những bản nhạc giao hưởng vĩ đại của Mozart…)
Một người chơi thủy sinh thường bắt đầu với những bố cục đơn giản, sắp xếp tự nhiên theo ý thích, tư duy lựa chọn phụ kiện của họ cũng rất đơn giản (do đó mà thường không tính được những vấn đề phát sinh về sau). Khi đã chơi một thời gian, “đóng học phí” đủ nhiều họ sẽ vươn tới những bố cục phức tạp hơn, những loài cây khó trồng hơn, những loại cá “đỏng đảnh” hơn và dàn phụ kiện cũng đắt đỏ hơn trước. Nếu đã chơi đủ lâu, trải nghiệm đủ nhiều rồi họ thường tìm về với những bố cục đơn giản, thiết thực với cuộc sống và phù hợp với khả năng. Lúc này ta có thể so sánh những bể thủy sinh từ khi nhập môn với những bể thủy sinh hiện tại, đều là đơn giản đấy nhưng bây giờ phía sau nó đã vô cùng phức tạp. Đó là sự phức tạp từ khâu chọn lựa phụ kiện gì, công suất bao nhiêu, công năng ra sao; phức tạp trong bước chọn loại phân nền thương hiệu gì, khối lượng bao nhiêu để có thể duy trì dinh dưỡng đủ lâu và phù hợp với những loại cây sẽ trồng; phức tạp trong chọn lựa giống cây trồng, bao nhiêu loại, số lượng thế nào; phức tạp trong khi tính toán vị trí trồng cây sao cho hợp lý, điều kiện môi trường phù hợp, số lượng cây; ngay cả trong khâu chọn cá để thả cũng có sự tính toán nữa.
Vậy làm sao để đạt được sự phức tạp ấy? Có thể bỏ qua quá trình phức tạp trước đó không? Bouaqua xin đưa ra một số ý kiến để các bạn tham khảo và phản biện:
Làm chủ tâm thức
Tâm thức bao gồm trí tuệ và tâm trí, trong một số khái niệm nó còn bao gồm cả tiềm thức. Để tránh lan man và lạc đề, bouaqua chỉ xin được đề cập sơ qua một số vấn đề.
Trí tuệ là sự tiếp thu kiến thức của bạn về thủy sinh, càng hấp thụ được nhiều kiến thức thì những hiểu biết, khả năng lường trước vấn đề, khả năng suy đoán tình huống của bạn càng đúng đắn. Đồng thời nó cũng là sự hấp thụ những trải nghiệm trong quá trình chơi của bạn. Kiến thức hiện nay được chia sẻ rất nhiều trên internet, không có khái niệm “không biết” mà chỉ có khái niệm “chưa biết” mà thôi. Làm chủ trí tuệ là bạn phải chắt lọc được những kiến thức đúng đắn, tránh để bị chi phối bởi những khiến thức sai lầm mà dẫn tới những thất bại trong thú chơi, từ đó làm con người ta chán, nản.
Tâm trí là những cảm xúc, đánh giá, nhận định, tư duy… của bạn. Con người chúng ta tiếp nhận sự vật, sự việc xung quanh thông qua 5 giác quan. Nếu tâm trí tốt, ta sẽ nhìn sự việc theo chiều hướng tốt (bể thủy sinh kia có bố cục khá đẹp, bạn sẽ giới thiệu với mọi người, bạn sẽ lưu lại làm tư liệu, bạn sẽ làm một hồ giống như thế để chơi…). Nếu tâm trí không tốt, ta sẽ nhìn sự việc theo chiều hướng xấu (bể thủy sinh kia bố cục khó hiểu, mọi người chắc chắn sẽ không thích, bạn không muốn nhìn nó thêm nữa). Tâm trí xuất hiện trong con người bạn với những điều đối lập: đẹp hay xấu, phải hay trái, đúng hay sai… Làm chủ tâm trí là bạn hãy kìm nén, không để tâm trí lấn át ý thức để có những đánh giá, nhận xét đúng đắn, từ đó mà có những hành động, quyết định đúng đắn trong quá trình chơi. Kìm nén được tâm trí rồi bạn mới có nhiều cơ hội hấp thụ những kiến thức đúng.
Tiềm thức là một khái niệm rất rộng, nó ở bên trong sâu thẳm con người bạn, không thể chạm tới, không thể thay đổi. Trong nhiều khái niệm, tiềm thức bao gồm cả bản năng và trực giác (giác quan thứ 6). Bản năng thuộc về vô thức, nó thường bị xã hội loài người lên án, không coi trọng vì bản năng chính là phần “con” – không phản ánh sự văn minh của ngoài người. Bản năng là tự nhiên, nếu bạn có thể chơi thủy sinh theo bản năng (là những gì con người bạn tự thấy đúng đắn, không bị chi phối bởi tâm trí hay kiến thức) bạn sẽ rất dễ nhìn ra sự đơn giản mà mọi người đang hướng tới. Trực giác cho phép bạn thấy được, cảm nhận được những thứ mà 5 giác quan không thể thấy, từ đó sẽ giúp bạn nắm bắt được nhiều điều mà người khác không thể. Trực giác có thể giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh chóng, chính xác (mà chính bạn cũng không hiểu được vì sao), giúp bạn tạo ra được những bố cục để đời (có thể nhìn không giống ai nhưng vẫn cho cảm giác rất gần gũi, dễ chịu). Tiềm thức, nói chung thuộc về những điều bạn không thể nắm bắt nên đối với tiềm thức thì bạn hãy “khai mở”. Còn việc khai mở tiềm thức như thế nào thì nó không nằm trong khuôn khổ bài viết, các bạn có thể tham khảo thêm ở phần dưới đây để có cái nhìn dễ hiểu hơn nhé.
Tôn trọng tự nhiên
Thủy sinh là tái hiện thiên nhiên, “tái hiện” là bắt chước có chủ đích một hình mẫu nào đó. Ngoài thiên nhiên ta có thể thấy cây ưa sáng sẽ mọc cao để đón nhận ánh mặt trời, những cây cùng loài mọc chậm hơn sẽ phát triển còi cọc hơn do hạn chế khả năng tranh chấp ánh sáng. Cây ưa bóng râm thì lại mọc thấp ở phía dưới. Tầng tầng lớp lớp cây cối mọc rậm rạp cả một khu vực, không để thừa ra khoảng trống nào dưới mặt đất (nếu nhìn từ trên xuống). Trong bể thủy sinh cũng vậy, nhìn từ trên mặt nước xuống bạn không nhìn thấy khoảng đất trống nào (trừ những khu vực trải cát có chủ đích) tức là bạn đã thành công một nửa rồi đấy. Điều đó được cô đọng thành quy luật “cao-thấp”, cây cao đứng sau, cây thấp đứng trước để người xem có thể chiêm ngưỡng được hết các loại. Các bạn cũng cần chú ý phân loại các loài cây theo nhu cầu ánh sáng để có những sắp xếp hợp lý (khu vực giữa hồ thường có ánh sáng mạnh nhất).
Khi nhìn ta về phía trước, thứ gì ở gần sẽ to lớn, ở xa sẽ thấy nhỏ bé. Tương tự vậy, cây thủy sinh có lá lớn nên được trồng gần về phía tiền cảnh (thường là ở hai góc tiền cảnh), những cây có lá nhỏ thì được trồng ở phía sau, đó cũng là một thủ pháp để tạo chiều sâu cho hồ, khiến tác phẩm của bạn nhìn “thật” hơn, thuận mắt hơn. Đó chính là quy luật “xa-gần” được sử dụng rất nhiều trong hội họa.
Trong nhận thức của con người, qua quá trình học tập và phát triển, có những định nghĩa được quy định bằng từ ngữ để tiện cho việc giao tiếp. Đây là cái cây, kia là con cá, đấy là hòn đá… đó là những định nghĩa mà tất cả chúng ta đã quy ước với nhau, tôn trọng tự nhiên cũng là tôn trọng những định nghĩa ấy. Một bể thủy sinh mà phản ánh được đúng bản chất, tên gọi của đối tượng khi đối diện với người xem không có kiến thức chuyên ngành thì đó là chính là sự đơn giản mà chúng ta đang nói đến. Ví dụ với một bể thủy sinh phong cách rừng thì thảm cây nền phía trước sẽ được định nghĩa lại là “thảm cỏ”, những cây trồng cao ở hậu cảnh sẽ được coi là “cây rừng”, những viên đá được sắp xếp khéo léo có chủ đích được hiểu là “núi”, ngay cả đàn cá đang bơi tung tăng cũng được tạm thời thay đổi định nghĩa là “đàn chim”. Như vậy bản chất và tên gọi của đối tượng đã hoàn toàn thay đổi và đó là sự phức tạp mà chúng ta phải vượt qua trước khi đến được với sự đơn giản cuối cùng. Nếu thoát ra được sự ràng buộc của những định nghĩa, nghe theo bản năng và trực giác, bạn sẽ tạo ra được những tác phẩm “siêu tưởng” mà ít người có thể cảm nhận được.
Trong sự lựa chọn cây trồng cũng cần có sự tôn trọng. Những cây ưa bóng râm nên được trồng dưới tán lá của những cây khác, hoặc dưới bóng của những nhánh lũa. Những cây cắt cắm mọc cao, ưa sáng nên được trồng phía sau và phát triển một cách thoải mái thay vì liên tục bị cắt tỉa để giữ được độ cao mong muốn của khổ chủ. Trong các cuộc thi thì điểm số cho phần lựa chọn và đặt đúng vị trí cây trồng cũng như đảm bảo duy trì được bố cục lâu dài một cách tự nhiên đã phản ánh rõ sự tôn trọng tự nhiên.
Hay như trong một bố cục hồ iwagumi chính thống, từng viên đá đều có tên và vị trí riêng của chúng trong hồ, tổng số lượng các viên đá sử dụng cũng là số lẻ. Đó chính là những quy tắc chặt chẽ để tái hiện được tính tự nhiên một cách mạnh mẽ nhất.
“Quá độ” đi lên sự đơn giản
Đơn giản – phức tạp – đơn giản (bậc cao). Đó như là một con đường độc đạo mà mọi người đều đang đi qua. Nếu bạn muốn nhảy cóc, dù mục đích của bạn là gì thì cũng cần có tất cả các yếu tố trong 3 phần trước của bài viết thì mới có thể thành công được. Hoặc bạn là thiên tài!
Trở ngại thứ hai là trí tuệ, nó bao gồm cả những trải nghiệm trong quá trình chơi. Nếu bạn còn đang loanh quanh ở sự đơn giản sơ khai và không có ý định phức tạp hóa vấn đề lên thì những trải nghiệm của bạn sẽ khá nghèo nàn để có thể thực hiện được cú nhảy. Có thể bù đắp bằng việc hấp thu thật nhiều kiến thức, kiến thức chia sẻ từ những thành công và thất bại của người khác, kiến thức từ những kho tàng tri thức, kiến thức mà bạn tiếp nhận qua quá trình chơi của bạn bè xung quanh, kết hợp với toàn bộ kinh nghiệm mà bạn rút ra được khi mới vào nghề, tất cả những điều ấy sẽ là cơ sở vững chắc cho bạn đi thẳng tới cái đích mà bạn muốn (tất nhiên không tránh khỏi một vài xước xát mau lành).
-bouaqua-