Chúc mừng năm mới! Sau một thời gian dài nghỉ lễ đón Tết, hôm nay bouaqua trở lại với một bài tổng hợp trả lời các câu hỏi thắc mắc của nhiều bạn. Hy vọng bài viết này sẽ là một cẩm nang nho nhỏ dành cho những người đam mê thủy sinh.
Cây cắt cắm của tôi còi cọc dần cho dù chế độ dinh dưỡng vẫn rất tốt?
Có thể cây của bạn bị cắt tỉa quá nhiều lần, đã đến lúc nhổ bỏ gốc cây cũ và trồng những thân cây mới xuống thế chỗ
Cây thủy sinh của tôi bị mất dần màu đỏ?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới màu đỏ của cây thủy sinh, nhưng tổng hợp lại có mấy vần đề chính cần chú ý:
– Hàm lượng sắt trong nước. Nếu thiếu cây sẽ mất dần màu đỏ, hàm lượng này ta cũng không thể đo đếm được (đo được nhưng cũng tốn kém không cần thiết). Một phương án chấp nhận được là sử dụng các loại phân nhét bổ sung sắt có bán nhiều ở các tiệm thủy sinh.
– Nước mềm. Để cây có thể hấp thụ được sắt trong nước một cách tốt nhất, sắt rất cần cho màu đỏ của cây.
– Ánh sáng mạnh. Có nhiều tranh luận về ánh sáng 6500K hay 10000K cho cây màu đỏ và kết quả cũng chưa thật sự rõ ràng. Nhưng điều rõ ràng nhất là ánh sáng đủ mạnh cây sẽ đỏ.
Khi cắt tỉa cây thủy sinh tôi thấy từ vết cắt có xuất hiện bong bóng khí, đó là gì vậy?
Đó là biểu hiện tốt của cây đang phát triển, trong thân cây luôn có dinh dưỡng và khí (oxi) được vận chuyển, khi thân bị cắt ngang tất khí sẽ bị đẩy ra ngoài. Sau một thời gian ngắn sẽ không còn hiện tượng đó nữa, cây (thường là cắt cắm) sẽ ngừng cung cấp dưỡng chất cho đốt bị cắt và tập trung vào mầm mới nảy ở đốt tiếp theo. Từ mầm này sẽ xuất hiện thân mới mọc thay thế cho đoạn thân cũ đã bị cắt.
Làm thế nào để xếp được một bố cục núi (hoặc bố cục đá) vững trãi?
Bố cục núi vững trãi về mặt cảm quan khi chân núi được tạo thành từ nhiều viên đá nhỏ bổ trợ cho đá chính. Về mặt sắp xếp, nên hoàn thiện cái khung của bố cục đá trước rồi mới tiến hành làm nền, tránh trường hợp đá có thể dịch chuyển, sụt lún khi nền được vào nước.
Rêu của tôi bị dính rêu hại, làm thế nào để diệt bây giờ?
Đây quả là vấn đề nhức nhối mà nhiều người gặp phải, thường là hậu quả của việc đánh đèn quá nhiều, hoặc tăng lượng dinh dưỡng trong nước để kích thích rêu mọc nhanh. Nếu đã xác định được nguyên nhân, cần hạn chế nguồn kích thích rêu hại. Sau đó có thể thả các loại tép để ăn rêu hại (khuyến cáo sử dụng tép Yamato) nhớ bỏ đói chúng. Các loài cá ăn rêu hại cũng có ích, nhưng thường sẽ là lựa chọn phụ. Nếu rêu của bạn có thể nhấc ra khỏi hồ, hãy bỏ chúng vào chậu nước sạch, đậy kín và bỏ quên chỗ mát một tuần, hầu hết các loài rêu hại sẽ được rũ bỏ. Quan trọng nhất, phải nhớ luôn cân bằng các yếu tố môi trường: Ánh sáng thật mạnh, dinh dưỡng nước thật dồi dào chỉ khi nhiệt độ thật mát!
Hạt nền bể thủy sinh của tôi đang rã ra thành bột, tôi có cần xử lý không hay có thể để nguyên như vậy?
Nền bể thủy sinh thường có dạng hạt tròn để khi đưa vào sử dụng sẽ tạo ra các khe hở, những khe này giúp nền thông thoáng hơn, cây thủy sinh bám rễ tốt hơn. Vậy nên khi hạt nền bị rã thành bột thì thường là chúng đã hết dinh dưỡng để cung cấp cho cây, mặt khác lớp bột này sẽ gây bí cho rễ, nên được dọn dẹp. Nếu số lượng hạt nền rã quá nhiều, cần phải thay nền mới để cây có được lượng dinh dưỡng cần thiết trước khi teo nhỏ rụng lá và chết dần.
Lọc ngoài của tôi có nghỉ chạy một thời gian, sau khi hoạt động trở lại máy đẩy rất nhiều cặn bẩn như váng mềm vào bể gây mất mỹ quan, tại sao vậy?
Trước hết máy lọc cần được chạy 24/24 để có thể duy trì chất lượng nước một cách đều đặn. Khi lọc ngừng chạy, các lớp cặn bẩn trong lọc sẽ bong tróc dần ra khỏi các vật bám. Để khắc phục, nên hứng lưới ở đầu out của lọc trước khi bật máy để các cặn bẩn hạn chế đi vào bể. Đừng rửa lọc vì điều đó sẽ làm thất thoát lượng vi sinh vật vốn đã hao hụt nhiều trong khi lọc ngừng hoạt động.
Bể thủy sinh của tôi bị sán, làm cách nào để phòng và trị bọn này?
Sán thường xuất hiện ở những bể có chất lượng nước kém (ít thay nước hoặc có thức ăn thừa). Phòng trừ bằng cách dọn dẹp cặn nền định kỳ, hạn chế thức ăn công nghiệp và chỉ cho ăn đủ, tránh để thừa. Diệt trừ hiệu quả bằng các loại bẫy sán tự chế có hướng dẫn rất nhiều trên internet hoặc thả cá đói.
Nước bể thủy sinh của tôi không thể trong được dù đã xử lý theo nhiều tư vấn?
Nếu bạn đã có một lọc ngoài đủ khả năng lọc nước bể ít nhất 02 lần 1h thì điều còn lại là phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Nước bể có thể vàng do phân nền, do đá, do lũa chưa được xử lý kỹ, có thể xanh do rêu hại, có thể đục mờ do đá, do vi sinh vật bị chết… Sau khi xử lý vấn đề gốc, có thể châm thêm vi sinh vào nước và chờ đợi. Trường hợp nước bể bị bụi li ti có thể do vi sinh chết (nước bể có sự thay đổi) hoặc lọc ngoài bị hở, tạo thành bọt khí nhỏ trong nước. Để nước bể trong vắt như nước lọc, hãy thay nước đều đặn hàng ngày với lượng nhỏ (chỉ cần 1% lượng nước mặt trong bể cũng đủ rồi).
Có cách nào để kích thích cây thủy sinh phát triển mà không dùng thuốc?
Để cây trồng trong bể thủy sinh phát triển được trước nhất cần các yếu tố môi trường phù hợp với loại cây đó (dinh dưỡng, ánh sáng, CO2). Ngoài ra có thể kích thích cây phát triển bằng nước vo gạo và nước dừa châm đều đặn vào bể (chú ý rêu hại cũng có thể sẽ phát triển theo). Đây là những chất kích thích có nguồn gốc tự nhiên nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng, tất nhiên mức độ tăng trưởng của cây không thể đến mức “chóng mặt” được.
Tôi nuôi cá cảnh đúng như hướng dẫn của người bán hàng nhưng cá vẫn rất hay bị chết mà không rõ nguyên nhân tại sao?
Nuôi cá cảnh là một thú chơi phổ biến, một phần bởi nó phù hợp với nhiều người, một phần là do giống cá bây giờ hầu hết là rất khỏe và khả năng thích nghi môi trường tốt. Tuy nhiên, để duy trì được những chú cá cảnh thì không phải ai cũng nắm rõ được yếu quyết và phần lớn là nuôi một cách máy móc, dưới đây là một số điểm cần lưu ý:
1. Thả cá đúng cách (tham khảo thêm ở bài viết này)
2. Đảm bảo nhiệt độ khi trời lạnh. Hầu hết các loại cá cảnh đều tới từ vùng nhiệt đới, chúng không quen với thời tiết lạnh nên cần đảm bảo mức nhiệt độ nước về mùa đông (khuyến cáo từ 25°C ~ 30°C). Nhiệt độ thấp cũng là một trong những yếu tố góp phần làm xuất hiện bệnh nấm trắng.
3. Thay nước đều đặn. Chỉ thay tối đa 50% nước bể kết hợp với hút cặn nền (phân cá, thức ăn thừa) vì đây là nguồn tạo ra bệnh tật. Khuyến cáo 1 tuần thay nước 1 lần.
4. Cho ăn vừa phải. Đừng sợ cá bị đói, chúng còn có nguồn thức ăn khác là rong rêu trong bể. Chỉ nên cho ăn 2 ngày 1 lần, lượng thức ăn chỉ cần vừa đủ (chú ý thêm bớt mỗi lần cho ăn để ước lượng, đảm bảo không có thức ăn thừa sau 1 tiếng đồng hồ)
5. Phòng bệnh. Cố gắng không dùng chất hóa học, cách đơn giản nhất là thay nước, thay nước và thay nước một cách đều đặn, đúng lịch. Đừng quên thay bông lọc khi quá bẩn và có thể hòa một chút muối hạt vào bể để diệt khuẩn.
-bouaqua-