BOUaqua.com

Ngôi vị quán quân IAPLC 2016 – Takayuki Fukada

Takayuki Fukada, cái tên được xướng lên trong sự ngỡ ngàng của giới mộ điệu, đơn giản bởi chưa ai lập được kỳ tích ấy: 02 năm liên tiếp giành chức vô địch trong cuộc thi thủy sinh lớn nhất thế giới: IAPLC.

chân dung Takayuki-Fukada
Chân dung nhà vô địch IAPLC 2016 – Takayuki-Fukada

Một kết quả khiến nước chủ nhà Nhật Bản hài lòng

Nhật Bản có rất nhiều điều kiện (ít nhất là hơn các nước khác) để người dân có thể tiếp cận với bộ môn thủy sinh, số lượng bài thi hàng năm cũng không phải là ít, tuy nhiên, chức vô địch đối với họ không phải thứ dễ kiếm (Nhật Bản giành chức vô địch gần đây nhất năm 2003). 12 năm sau, họ đã trở lại với nhà tân vô định Takayuki Fukada của mình và lần thứ hai khiến thế giới phải ngỡ ngàng, nể phục trong năm 2016.

Đối với Nhật Bản, vấn đề môi trường rất được quan tâm, họ có cả một con suối được bảo tồn nguyên trạng chảy trong lòng thủ đô Tokyo, họ có nghệ thuật làm vườn, họ có những đường phố đô thị sạch sẽ vô cùng và chức vô địch thủy sinh năm nay càng khẳng định thêm các giá trị ấy, càng làm hình ảnh nước Nhật trở nên đẹp đẽ hơn trong mắt những người yêu thủy sinh nói riêng và quốc tế nói chung.

Không ai có thể giành chức vô địch khi tự mình đóng cửa, xử lý mọi vấn đề liên quan đến tác phẩm từ khi còn là ý tưởng cho đến khi nộp bài. Không ít thì nhiều, không phải là câu lạc bộ lớn thì cũng là những người bạn cùng chơi, có khi chỉ là một ý kiến bâng quơ nhưng nó cũng đủ thổi bùng lên cả một ý tưởng mới mẻ, đồ sộ. Takayuki Fukada đã từng trả lời phỏng vấn của giới truyền thông rằng anh đã tham khảo ý kiến rất nhiều người trong câu lạc bộ của mình, anh đưa ra ý tưởng và nhận được nhiều đóng góp quý báu của những người cùng chơi. Những điều ấy được cô đọng trong tác phẩm của anh và nó đã giúp anh bước lên bục vinh quang. Đó cũng là hình ảnh phản chiếu của một nước Nhật đoàn kết không vì mục tiêu cá nhân.

Một kết quả khiến làng thủy sinh thế giới hài lòng

Thành phần ban giám khảo trong một cuộc thi quốc tế luôn đến từ nhiều quốc gia. Họ là những người có kiến thức uyên thâm ở trong lĩnh vực và cả ở các lĩnh vực liên quan. Họ là những người đại diện cho sự nhìn nhận của thủy sinh thế giới đối với mỗi tác phẩm. Bằng sự công tâm, phân minh của mình, dựa vào điểm số khách quan, bài thi của Takayuki Fukada đã được chọn là bài thi thành công nhất với số điểm đạt được lớn nhất.

Dù trên thế giới có nhiều trường phái thủy sinh, nhiều phong cách thủy sinh nhưng tất cả đều có một điểm chung nhất muốn hướng đến, đó là cái đẹp đích thực. Chỉ có giá trị thực mới được công nhận, cũng trong một lần trả lời phỏng vấn, Takayuki Fukada đã nói làm tác phẩm đi thi là làm cho mọi người cùng xem, mọi người phải thấy đẹp chứ không thể riêng mình thấy đẹp là được. Và hôm nay anh ấy đã một lần nữa làm được điều đó, cho mọi người thấy tác phẩm của mình chứa đựng nhiều giá trị, nhiều nét đẹp mà thế giới muốn được thưởng thức.

Tác phẩm đạt giải quán quân năm nay cũng đã tạo được nét độc đáo hiếm có, tạo khoảng cách an toàn đối với những bài thi khác và cũng vừa đủ hợp lý để tạo nên sự hài hòa, chân thực thay vì trở nên viễn tưởng. Tuy nhiên, các đánh giá về tác phẩm không nằm trong khuôn khổ bài viết, bouaqua xin được hẹn các bạn trong một bài viết khác.

Một kết quả khiến ông Takashi Amano hài lòng!

Trường phái tự nhiên của ông đã được Takayuki Fukada vận dụng thành thạo, tái hiện đầy đủ trong tác phẩm của mình. Đối với phong cách của Amano, tự nhiên luôn được tôn thờ với những đường nét riêng của cây trồng, của đá lũa. Tất cả các yếu tố nhân tạo hoặc “tự nhiên quá đà” đều trở nên phản cảm, không ăn nhập với nội dung chính. Ông Amano yêu thiên nhiên, ông đã trải nghiệm rất nhiều các khoảnh khắc, các không gian của thiên nhiên, để rồi từ đó lập nên cả một trường phái riêng khiến thủy sinh thế giới phải thích thú, nể phục.

Bài thi của Takayuki Fukada đã lấy hình ảnh thiên nhiên làm chủ đề, sử dụng những loại cây rất quen thuộc (cũng như phong cách của Amano, phong cách của ADA) để làm nên những yếu tố mới, những giá trị mới được mọi người công nhận. Giá trị hóa những yếu tố thông thường, đó là thủy sinh tự nhiên, là phong cách thiên tài của ông Takashi Amano mà không mấy ai có thể thấm nhuần được điều ấy một cách trọn vẹn.

Sân chơi IAPLC luôn chào đón tất cả mọi người, bạn đã tham gia chưa?

-bouaqua-

Để lại bình luận