Nếu đã quá mệt mỏi với các bố cục khó, thể hiện nhiều ý tưởng, ẩn chứa nhiều tham vọng bạn hãy thử quay về với những bố cục đơn giản thuở ban đầu xem sao? Thành viên ghengis, diễn đàn aquariumlife.com.au đã thực hiện một bố cục bể thủy sinh như thế cho căn nhà của mình.
Kích thước | 90x50x50(cm) – 225L |
Ánh sáng | 6x39W T5HO |
CO2 | có |

Khởi đầu với một bố cục đá lũa không quá cầu kỳ, ấn tượng, đơn giản bởi những nguyên liệu này chỉ để làm nền cho cây trồng mà thôi. Toàn bộ bố cục tác giả có thể đẩy lên phía trước mặt kính một chút nữa để lấy thêm không gian trồng cây phía sau.

Sẽ đẹp hơn nếu khóm cây đỏ được chuyển sang góc phải, phía sau bể, khi ấy chúng ta sẽ có một bố cục tam giác. Bể này chỉ sử dụng cây cắt cắm làm hậu cảnh nên tác giả cũng chỉ quy hoạch đất nền ở nữa phía sau của bể. Trong một bể thủy sinh, khu vực nào không trồng cây hoặc trồng các loại cây rễ giả, các bạn có thể không cần bố trí đất nền. Điều này giúp giảm một phần nguy cơ rêu hại.

Với sản phẩm hoàn thiện, bể khá dễ nhìn với sự quy hoạch rõ ràng của cây trồng giúp người xem không bị rối mắt: Cây lá kim bên phải, cây lá lớn ở giữa và cây thảm ở bên trái, cây màu đỏ cũng được gom thành bụi. Với bố cục như thế này hầu hết các bạn có thể sự làm được cho bể thủy sinh của mình. Đá ở đây chỉ thể hiện ở phần chân, lũa chỉ thể hiện phần đầu, điều ấy giúp đơn giản hóa rất nhiều trong việc chọn nguyên liệu thực hiện bố cục (xem thêm Sự khác nhau giữa bố cục lũa và đá trong thủy sinh).

Để có được tác phẩm hoàn thiện, bể cũng phải vượt qua những giai đoạn rêu hại tấn công mạnh mẽ – hệ quả của việc sử dụng ánh sáng mạnh cho một bể thủy sinh mới, chưa ổn định.